Quỹ tín dụng nhân dân gặp khó vì thuế, phí

(Baonghean) - Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là kênh dẫn vốn quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho người dân trong vay vốn, gửi tiền. Thế nhưng, hoạt động của các QTDND đang gặp không ít khó khăn do một số quy định mới về thuế, phí phải đóng.
Thuế chồng thuế, phí chồng phí?
Đến nay, Nghệ An có 55 QTDND cơ sở trải đều trên 14 huyện, thành, thị, với tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn dân cư 2.637 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay thành viên 2.600 tỷ đồng, chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. QTDND được ghi nhận là kênh giúp vốn cho các cá nhân, các hộ gia đình mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành nghề, dịch vụ, giải quyết nhiều việc làm cho thành viên, góp phần xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa bàn nông thôn. Tuy vậy, hoạt động của các QTDND đang đối mặt với những khó khăn do một số quy định từ chính sách. Theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC “Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân…”, các khoản thu nhập chịu thuế gồm: Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần; Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh, hợp tác xã, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các hình thức kinh doanh khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã; Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn thành lập tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Thuế suất đối với thu nhập từ đầu tư vốn áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%. Về việc thu thuế này, các QTDND cho rằng đã đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 20% nên khi chia cổ tức cho thành viên phải đóng thêm 5%, như vậy là thu “thuế chồng thuế”.
 Đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2014/TT-NHNN “Quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND”. Theo đó, mức phí trích nộp hàng năm bằng 0,08% dư nợ cho vay bình quân của năm liền kề trước kết thúc vào ngày 31/12 của QTDND. Số tiền trích nộp Quỹ bảo toàn nhằm sử dụng vào việc cho vay hỗ trợ các QTDND khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường. Điều đáng quan tâm là số tiền trích nộp vào Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND lại được tính vào chi phí, tức là các QTDND bị mất không khoản tiền này. Trong khi trên thực tế, QTDND đã nạp phí tham gia Bảo hiểm tiền gửi là 0,15%, nay lại đóng thêm phí vào Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống 0,08%, như vậy phải nạp “phí chồng phí”. Do đó nhiều QTDND đề nghị nếu đã đóng phí bảo hiểm tiền gửi thì không phải đóng quỹ bảo đảm an toàn hệ thống và ngược lại.
Cán bộ Quỹ TDND xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) làm thủ tục gửi tiết kiệm cho khách hàng. 	Ảnh: Phương Chi
Cán bộ Quỹ TDND xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) làm thủ tục gửi tiết kiệm cho khách hàng. Ảnh: Phương Chi
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn, ông Dương Minh Đức – Trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Nghệ An cho biết: Hiện nay, chính sách của Nhà nước điều chỉnh 2 sắc thuế này ở hai văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Các văn bản pháp luật về Thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã,…; văn bản quy phạm pháp luật về Thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh nghĩa vụ thuế đối với cá nhân. Trong trường hợp QTDND có thu nhập nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy nhiên, thuế thu nhập của cá nhân cũng có nguồn gốc từ QTDND này. Vô hình trung một bộ phận người dân hiểu “thuế chồng thuế”, nhưng thực chất trong trường hợp này là tổ chức tín dụng tạo ra thu nhập thì nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức tín dụng đó do kinh doanh tạo ra. Còn những cá nhân được chia lợi tức, cổ tức trên phần đầu tư vốn của cá nhân thì trách nhiệm phải nạp thuế trên phần đầu tư vốn tạo ra (Khoản thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập phải nạp Thuế thu nhập cá nhân không giảm trừ).
QTDND gặp khó
QTDND Hưng Đông (TP.Vinh) hiện có tổng vốn góp điều lệ trên 3 tỷ đồng (lãi suất trả cho cổ đông khoảng từ 9 - 10%/năm). Nay trước chính sách thuế quy định nguồn cổ tức, lợi tức của cá nhân góp vốn cũng phải nạp thuế suất 5%, ông Nguyễn Đăng Khoa - Giám đốc QTDND Hưng Đông bức xúc: Năm 2013, quỹ có 385 triệu đồng tiền trả lãi cổ phần góp vốn cho cổ đông thì phải nạp thuế hơn 19 triệu đồng. Và còn truy thu từ năm 2010, trong khi có những cổ đông đã rút vốn chuyển đi nơi khác, hoặc có người đã mất nên QTDND phải bỏ tiền ra đóng. Trên thực tế, đối với loại thuế này, Quỹ chỉ thu được của cổ đông trong năm 2013, và cũng kể từ đó đến nay không có cá nhân nào tham gia góp vốn điều lệ. Do đó, năm 2014, QTDND Hưng Đông đề ra chỉ tiêu tăng nguồn vốn điều lệ đạt 4,5 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm hiện nay mới đạt 3.019 triệu đồng (thời điểm cuối năm 2013 là 3.034 triệu đồng). QTDND Hưng Đông lại nằm trên địa bàn TP.Vinh chịu cạnh tranh với nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại. Thêm vào đó, năm 2014, Thông tư 03/NHNN quy định Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND, các QTDND phải nộp 0,08%/tổng dư nợ bình quân của năm liền kề trước. Chẳng hạn năm 2013, dư nợ cho vay của QTDND Hưng Đông gần 63 tỷ đồng, có nghĩa phí phải nạp hơn 50 triệu đồng, trong khi hàng quý đã nạp phí bảo hiểm tiền gửi 0,15%/tổng số bình quân tiền gửi của quý trước. Trong điều kiện hoạt động khó khăn, nguồn vốn huy động tăng nhưng dư nợ cho vay không tăng, trong khi đó các khoản thuế, phí tăng thêm gây khó khăn chồng chất cho QTDND.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc QTDND Nghi Hương (TX.Cửa Lò) cho rằng: Thu thuế thu nhập cá nhân từ lợi tức, cổ tức cần phải xem xét lại vì không hợp lý. Thực tế hầu hết vốn góp cổ phần của QTDND do các thành viên là hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nhỏ lẻ, họ tiết kiệm được 20 - 30 triệu đồng góp vào để thực hiện vai trò giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong việc vay vốn tại QTDND. Do đó lợi tức cổ phần hàng năm không đáng kể, thậm chí có thời điểm bằng hoặc thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm mà phải chịu thêm một mức thuế suất 5% là bất hợp lý. Ví dụ một người nông dân tham gia thành viên vay vốn nộp cổ phần xác lập tư cách thành viên (trước đây là 50.000 đồng, nay 200.000 đồng), nếu trả lợi tức 10%/năm thì mỗi năm chia được 20.000 đồng, cũng phải nạp thuế thu nhập cá nhân từ lợi tức, cổ tức. Như vậy là thu thuế chồng thuế vì trước đó QTDND đã nạp thuế thu nhập doanh nghiệp. Năm 2013, vốn điều lệ của QTDND Nghi Hương đạt 4,5 tỷ đồng, tổng thu nhập từ đầu tư vốn gần 404 triệu đồng nên phải nạp thuế hơn 20 triệu đồng. Đồng thời nạp truy thu 3 năm (2010, 2011, 2012) là 68 triệu đồng. Năm 2014, QTDND Nghi Hương được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng vốn điều lệ lên 7 tỷ đồng nhưng đến thời điểm cuối tháng 9/2014 mới đạt 5,7 tỷ đồng (trong đó chỉ cán bộ, nhân viên của Quỹ nạp, không có đối tượng ngoài tham gia). Người dân không mặn mà tham gia vì phải nạp thuế cổ tức, lợi tức. Thậm chí có người đã rút vốn đầu tư nơi khác. Bên cạnh đó, cũng như các QTDND khác, QTDND Nghi Hương phải nạp thêm Quỹ an toàn hệ thống, trong khi đó đã nạp phí bảo hiểm tiền gửi. 
Trong điều kiện hoạt động tín dụng gặp khó khăn chung, lại phát sinh thêm các loại thuế, phí phải nạp nên hoạt động QTDND gặp không ít khó khăn. Mục tiêu hoạt động chủ yếu của QTDND là tương trợ vốn cho các thành viên, vì vậy, trước ý kiến của các QTDND, các ngành liên quan cần quan tâm nghiên cứu để có hướng giải quyết thỏa đáng, tạo điều kiện cho các QTDND hoạt động hiệu quả.
Quỳnh Lan

Tin mới