Xây dựng tiêu chí nông thôn mới ở miền núi cao

(Baonghean) - Miền Tây Nghệ An là địa bàn sinh sống của cộng đồng nhiều dân tộc thiểu số khác nhau, trong đó có các cộng đồng dân tộc đã khá phát triển và quy mô dân số đông, như Thái, Mông, Thổ... Bên cạnh đó, một số dân tộc chậm phát triển, quy mô dân số ít như dân tộc Khơ mú, Đan lai, Ơ- Đu... Các dân tộc cư trú phân tán và xen kẽ nhau, chủ yếu cư trú trên các vùng rừng núi, có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái; trình độ dân trí, kinh tế thấp và phát triển không đều; mỗi tộc người có giá trị và bản sắc văn hoá riêng...

Đến nay, vẫn tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu; tính khép kín trong dòng họ, bản làng; lối làm việc theo tư duy đơn giản, kinh nghiệm... Đến nay miền Tây Nghệ An vẫn là vùng nghèo, trong đó Kỳ Sơn là một trong những huyện nghèo nhất nước. Các huyện khác, mặc dù có đỡ hơn nhưng đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn bấp bênh, thiếu bền vững.

Chính vì vậy, xây dựng mô hình nông thôn mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền Tây Nghệ An không phải là vấn đề đơn giản, càng không thể rập khuôn máy móc mô hình này ở đâu đó, mà đòi hỏi phải xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa cái phổ biến và cái đặc thù.

Những yếu tố riêng biệt của miền Tây Nghệ An đã tác động vừa gián tiếp, vừa trực tiếp đến việc xây dựng nông thôn mới ở khu vực này. Đây cũng là những cơ sở để xem xét điều chỉnh tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với đặc điểm khu vực miền núi, núi cao, vùng dân tộc ít người, tránh sự bất hợp lý trong quá trình thực hiện. Cụ thể, tiêu chí về thủy lợi và làm hệ thống đường giao thông nông thôn đối với khu vực miền núi và khu vực dân tộc thiểu số có mức độ tập trung dân cư thấp. Vì vậy việc triển khai thực hiện sẽ khó khăn hơn các vùng đồng bằng, trung du.

Về tiêu chí chợ nông thôn, không nhất thiết mỗi xã cần phải có 1 chợ để phục vụ người dân, do đặc tính dân cư và phong tục; có nhiều xã, chợ khu vực đã phục vụ tốt nhu cầu của người dân, do vậy không nhất thiết phải mở thêm chợ mới. Tiêu chí về nhà ở dân cư theo quy định nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng hiện nay là nhà 4 cứng (tường cứng, cột cứng, nền cứng, mái cứng) là chưa phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa nói đến nét văn hoá trong lựa chọn xây dựng nhà ở cho đồng bào.

 Về tiêu chí thu nhập, theo Quyết định số 491/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, thì thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh phải đạt từ 1,2 đến 1,5 lần tùy theo điều kiện từng vùng; nếu so sánh với bình quân chung của toàn tỉnh thì sẽ rất khó đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu. Vì vậy, thu nhập là một chỉ tiêu cần phải có quá trình phấn đấu lâu dài ở miền núi.

Tương tự, tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa quy định diện tích nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn cũng chưa phù hợp với khu vực miền núi do điều kiện đất đai, nhu cầu phục vụ và nét sinh hoạt truyền thống của bà con dân tộc. Tiêu chí hợp tác xã đối với vùng dân tộc, miền núi cao thì việc phát triển HTX cần phải có những cơ chế mang tính đặc thù; nếu giữ nguyên tiêu chí thành lập như các vùng khác thì e rằng HTX đó chỉ là mang tính hình thức, không có tác dụng trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và nâng cao thu nhập của các xã viên HTX cũng như trong các hoạt động về cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản, hàng hóa… Vì vậy cần đưa thêm các loại hình cho phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền, không nhất thiết phải là HTX.

Những quy định cách làm theo kiểu áp đặt của miền xuôi cho miền núi, của vùng dân tộc đa số cho vùng dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới,... chắc chắn  sẽ không có được hiệu quả. Do đó, xây dựng các tiêu chí nông thôn mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp xây dựng mô hình nông thôn mới cho vùng đặc thù này hợp lý và  sát thực hơn.

Phan Cường (Liên minh HTX tỉnh)

Tin mới