Nghĩa Đồng: "Mỗi xóm một đồng, mỗi nhà một thửa"

(Baonghean) - Nghĩa Đồng là một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng trọt. Nhờ có những cách làm mới, sáng tạo đã giúp xã có bước tiến mới trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM, chuẩn bị về đích trong năm 2015.

Từ đường Hồ Chí Minh qua cầu Sen, chúng tôi về với Nghĩa Đồng. Những đồng dâu, đồng mía, lúa ngô xanh tốt bời bời. Đường ngang ngõ dọc khang trang thuận tiện, hầu như tất cả các bờ rào được xây bằng gạch, ô tô có thể vào được tất cả các  ngõ xóm, đồng ruộng được chỉnh trang, kênh mương được bê tông hóa dẫn nước  về đồng ruộng. Ông Nguyễn Như Kỳ - Phó phòng Nông nghiệp huyện nói với tôi: “Đường thôn xóm ở Nghĩa Đồng rộng 6 m trở lên, đường liên xã rộng 8m trở lên. Công tác qui hoạch đã được làm trước nhiều năm, nên Nghĩa Đồng không phải mở mang đường, hiến đất hiến vườn như ở nhiều nơi khác”.  

Xuất phát từ việc phải nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích và đạt yếu tố bền vững, UBND xã Nghĩa Đồng đã tiến hành lập đề án Phát triển kinh tế trang trại ngoài đồng để chăn nuôi gia súc. Hộ anh Vương Văn Hoàn ở xóm 7, có một trang trại chăn nuôi gia súc lớn ngoài đồng với qui mô 19 con  bò, 4 con me. Ngoài ra, anh Hoàn còn nuôi gà siêu trứng, vịt. Anh Hoàn cho hay: “Vợ chồng nghĩ mãi rồi, nếu cứ làm ruộng lúa mãi thì không đủ ăn, phải sản xuất nông nghiệp theo hướng mới. Được xã động viên, cho mượn thêm 6 sào đất 5% cộng với 5,6 sào của gia đình, vay ngân hàng 100 triệu đồng, vợ chồng mở trang trại ra đồng theo chủ trương chung. Từ 5 con bò ban đầu nay đã tăng lên 19 con”.  Để có nguồn thức ăn cho bò, anh Hoàn đã dành một phần diện tích trong trang trại để trồng cỏ voi, đồng thời bổ sung thêm ngô, mía. Chỉ mới 3 năm làm trang trại ngoài đồng, anh Hoàn đã có của ăn, của để, lại tích lũy được kinh nghiệm trong chăn nuôi, chăm sóc. 
Trang trại chăn nuôi bò ngoài đồng của anh Vương Văn Hoàn (xóm 7, xã Nghĩa Đồng).
Trang trại chăn nuôi bò ngoài đồng của anh Vương Văn Hoàn (xóm 7, xã Nghĩa Đồng).
Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi bò của anh Phan Văn Chính cũng ở xóm 7. Anh Chính ngoài chăn nuôi bò đẻ còn thêm một đàn dê chục con và hàng trăm con gà đẻ. Để  tiện chăm sóc, bảo vệ, anh Chính cũng như các gia đình  khác ở đây đều phải làm nhà tạm để ở và nuôi gia súc. Anh Chính cho biết: Chăn nuôi bò đẻ  trừ chi phí mỗi năm lãi khoảng 100 triệu đồng, bình  quân một tháng thu nhập 10 triệu đồng. Đến nay anh Hoàn, anh Chính và các hộ khác cũng đưa trang trại ra đồng như Võ Văn Tuấn, Lê Văn Lượng, Nguyễn Trung Thức, Phan Hữu Nụ, Phan Kế Thìn… đều đã có mạng lưới thu mua bò con và bò thịt để đảm bảo đầu ra . Cái lợi của đưa trang trại ra đồng là  đảm bảo vệ sinh, đồng thời chủ động phát triển qui mô của chuồng trại và đầu tư thêm cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng. 
Đến trang trại nuôi lợn ngoại của Võ Duy Tuấn. Tuấn cho biết: “Em đã khảo sát rồi, Nghĩa Đồng mỗi ngày tiêu thụ khoảng 20 con lợn nhưng có khi không đủ cung ứng, phải mua thịt từ các xã khác về nên không lo đầu ra, cung cấp trên địa bàn cũng ổn.  Nghĩa Đồng hiện có tổng đàn lợn 3000 con chưa phải là lớn, em sẽ vay thêm vốn  tăng đàn để bán vào dịp cuối năm nay”. 
Để tạo được hiệu quả cao cho phong trào đưa trang trại ra đồng, Nghĩa Đồng đã bố trí mỗi cụm tối thiểu 3 trang trại để thuận tiện cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, mỗi trang trại có qui mô diện tích từ 0,5 - 1 ha, chủ yếu nuôi bò hàng hóa, kết hợp với gia cầm. Cơ sở hạ tầng được xã đầu tư gồm giao thông, thủy lợi, điện (đã có 8 trạm biến áp và trên 30 km đường dây hạ thế) đáp ứng cho chăn nuôi. Xã  hỗ trợ cho các hộ về kinh phí tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ theo nguồn kinh phí khuyến nông, khuyến lâm, ưu tiên cho các hộ khai thác đất 5% của xã. Hiện, Nghĩa Đồng đang có kế hoạch hỗ trợ bò giống sinh sản cho các hộ với tổng số 10 con / 10 hộ với tổng số tiền 250 triệu đồng. Đến nay, Tân Kỳ đã có 25 trang trại ra đồng, qui mô mỗi trang trại 05 - 0,6 ha. 
Ngoài ra, Nghĩa Đồng còn thực hiện quyết liệt chuyển đổi ruộng đất với phương châm “Mỗi xóm một đồng, mỗi nhà một thửa”.  Đồng ruộng Nghĩa Đồng tương đối bằng phẳng nhưng chỗ thì có nước có thể trồng lúa, chỗ cạn hơn phải trồng dâu, trồng ngô, trồng mía.   Ai cũng muốn chọn chỗ sâu, chủ động nước để trồng lúa. Bởi vậy, để hộ trồng lúa chuyển sang trồng mía,  để hộ trồng dâu chuyển sang trồng lúa… là khó nhưng rồi được tuyên truyền, vận động, xác định xu thế tất yếu của tích tụ ruộng đất nên hiện nay 2 xóm 5a, 5b đã hoàn tất việc chuyển đổi ruộng đất với  phần lớn là cấy lúa. Người dân đã đồng thuận cao và tiến hành đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tư thâm canh cho năng suất cao. Các hộ không có diện tích lúa thì đưa mía ra đồng, vì vậy, Nghĩa Đồng là địa phương đưa mía ra đồng hiệu quả nhất, mía thâm canh đạt năng suất 80 tấn/ha. Hiện nay Nghĩa Đồng có gần 300 ha mía được đưa ra đồng. Ông Ngô Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cho biết: “Sau chuyển đổi ruộng đất trong xã xuất hiện thêm các dịch vụ cày bừa, các hộ có máy cày lại đi cày bừa cho các hộ không có. Đó cũng là điều mới ở nông thôn miền núi.” 
Sau 3 năm thực hiện chương trình nông thôn mới,  kinh tế của Nghĩa Đồng phát triển  mạnh nhờ những chương trình, phong trào tạo dấu ấn trên địa bàn. Hộ đói nghèo giảm còn 3,9 4% (năm 2014) không còn nhà tranh tre dột nát. Đến nay Nghĩa Đồng đã đạt 16/19 tiêu chí  xây dựng nông thôn mới, còn 3 tiêu chí  nữa Nghĩa Đồng đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2014. 
Trân Châu

Tin mới