Xã hội hoá trong xây dựng NTM - cách làm ở Quỳ Hợp

(Baonghean) - Những năm gần đây, huyện Quỳ Hợp đẩy mạnh thu hút nguồn xã hội hóa trong đầu tư xây dựng nông thôn mới. Giải pháp này cùng với nguồn ngân sách và sự đóng góp của nhân dân đã đem lại hiệu quả thiết thực...

Con đường lên bản Thắm, xã Châu Cường (Quỳ Hợp) giờ không còn gập ghềnh đất đá như trước. Chị Hà Thị Huyền - bản Thắm - xã Châu Cường vui mừng cho biết: “Giờ nông thôn đổi mới, đường được làm bằng phẳng, chúng tôi đi lại thuận lợi hơn, không giống như trước nữa”. Được biết, do điều kiện kinh tế của bà con xã Châu Cường còn khó khăn, nên việc huy động đóng góp từ phía người dân là điều khó thực hiện. Để hoàn thành con đường này, ngoài sự hỗ trợ xi măng từ phía Nhà nước, huy động sức dân thông qua ngày công lao động, xã đã kêu gọi doanh nghiệp Thanh An hỗ trợ 400m3 đất cát cùng với 300 ngày công lao động để thực hiện công trình. 

Nay hầu hết các thôn bản trên địa bàn xã Châu Cường đều nhận được sự đóng góp của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Xã đã huy động các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ vật liệu, máy móc, ngày công để làm đường giao thông nông thôn cho các xóm bản. Tổng chiều dài các tuyến đường được sửa chữa, khắc phục là 4.420m, với khối lượng đá do các doanh nghiệp góp gần 1.843m3. Phương thức chung tay của các doanh nghiệp cũng khá thiết thực. Thay vì hỗ trợ bằng tiền mặt thì các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng máy móc, trang thiết bị của mình để vận chuyển, đào đắp, san ủi và thi công công trình giao thông. Một trong những đơn vị thực hiện cách này là Công ty khai thác đá vôi YABASHI Việt - Nhật, doanh nghiệp này đã cung cấp cho địa phương 1.715m3 đá thải, bột đá, đá hộc để làm đường, ngoài ra còn hỗ trợ 6 ca máy để san gạt, xúc cát rải đường giúp nhân dân. 
Bà Trần Thị Nụ ở xóm Hợp Thuận, xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp)  hiến đất làm đường giao thông nông thôn. 	Ảnh Đình Hiền
Bà Trần Thị Nụ ở xóm Hợp Thuận, xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp) hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Ảnh Đình Hiền
Thực tế, Quỳ Hợp lại có nhiều điều kiện phát triển kinh tế, huyện có 94.172,8 ha đất tự nhiên với nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản quý, đặc biệt là quặng thiếc và đá trắng xuất khẩu. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn ngoài việc đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách của huyện, còn ý thức cao trong việc chung tay với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, nhất là trong tiêu chí làm đường giao thông. 
Bên cạnh sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thì những người dân biết làm giàu trên chính mảnh đất quê hương cũng đã đóng góp cho địa phương nguồn kinh phí lớn. Theo ông Phạm Xuân Tiến, người trồng cam tại xóm Minh Hồ - xã Minh Hợp, mỗi ha cam cho thu hoạch 40 tấn quả, theo giá thị trường có thể mang lại thu nhập 1- 1,5 tỷ đồng. Thu nhập nâng cao, người dân cũng tích cực hơn trong cuộc vận động “Chung tay xây dựng nông thôn mới”. Được biết, năm 2013, nhân dân xã Minh Hợp đã đóng góp 3 triệu đồng/hộ, tiêu biểu có những hộ đóng góp 28 triệu đồng/hộ để xây dựng đường giao thông và hội trường, hội quán,...
Tổng giá trị do nhân dân đóng góp và hiến đất để thực hiện Chương trình nông thôn mới trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đạt 152.860 triệu đồng, trong đó đóng góp 15.420 triệu đồng tiền mặt, 39.337m3 cát, 76.723 m3 sỏi; hiến đất nông nghiệp, đất vườn, đất ở 152.128m2 và 539m tường nhà; đóng góp 89.696 ngày công. Ngoài huy động từ người dân, nguồn vốn hưởng ứng của các doanh nghiệp trên địa bàn là 785 triệu đồng. Sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, có 47 km đường giao thông liên xã, 94.656 km đường giao thông liên xóm và nội đồng được cứng hóa; các công trình thủy lợi, hồ đập, đê điều được quan tâm đầu tư nâng cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng chống lụt bão. 
Tìm hiểu về phương pháp huy động các nguồn lực từ nhân dân cũng như từ phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Sau khi học tập mô hình xây dựng NTM ở các địa phương khác, chúng tôi triển khai làm điểm một số tuyến đường. Từ các mô hình đó, các địa phương thi đua xây dựng đường nông thôn. Thành công của Quỳ Hợp là ngoài phát huy nội lực, chúng tôi huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản để xây dựng hạ tầng”.
Kinh nghiệm cho thấy, để hoàn thành tốt các tiêu chí trong xây dựng NTM, trước hết huyện tập trung tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Những địa phương có điều kiện thuận lợi được tiến hành làm trước, sau đó phát triển thành phong trào thi đua. Điểm cốt lõi trong phát triển và duy trì phong trào xây dựng NTM đó là giao quyền tự chủ, tự quyết, tự giám sát, tổ chức thực hiện cho người dân. Đặc biệt, luôn nhất quán quan điểm: Huy động sức dân và tranh thủ ngoại lực từ lực lượng doanh nghiệp hùng hậu đóng trên địa bàn.
Vinh Thảo 
(Đài PTTH tỉnh)

Tin mới