Cần cơ chế đặc thù cho vùng bãi ngang

(Baonghean) - Nghệ An có 82 km bờ biển, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thủy sản. Dọc suốt 82 km bờ biển là dải đồng bằng mà ở đó hình thành cộng đồng dân cư có đặc điểm riêng, đó là vừa sản xuất nông nghiệp vừa lấy ngư nghiệp làm kế mưu sinh. Do điều kiện thuận lợi nên vùng cửa lạch phát triển sớm hơn, hình thành cộng đồng dân cư gắn với nghề biển. Với nền kinh tế khá phát triển, tạo nên các đầu mối giao thương sầm uất. Còn vùng đất xa các cửa lạch gọi là vùng bãi ngang, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho việc neo đậu tàu thuyền. Phương tiện đánh bắt chủ yếu là bè mảng, tàu thuyền công suất nhỏ (để thuận lợi cho việc di chuyển) nên kinh tế thủy sản kém phát triển so với vùng cửa lạch. Mặt khác, đất ven biển thường là đất cát bạc màu, không chủ động trong tưới tiêu nên nông nghiệp kém phát triển. 
Từ vị trí địa lý không thuận lợi  nên vùng đất bãi ngang thường gắn với nghèo đói, lạc hậu. Do kinh tế kém phát triển nên vùng bãi ngang cũng được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt như các xã và vùng biên giới. Toàn tỉnh hiện có 12 xã vùng bãi ngang được xếp diện đó. Trong 4 năm qua, khi chủ trương xây dựng nông thôn mới được phát động, mặc dầu có nhiều nỗ lực nhưng phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương này xem ra cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như không có cơ chế chính sách riêng cho vùng đặc thù này. Cộng với sự nỗ lực trong đầu tư nguồn lực thì cái đích đến nông thôn mới ở những xã này quá là xa vời. 
Khu dân cư chật hẹp, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc)  khó thực hiện tiêu chí giao thông.
Khu dân cư chật hẹp, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) khó thực hiện tiêu chí giao thông.
Cùng với cán bộ phòng nông nghiệp huyện Diễn Châu, chúng tôi về Diễn Trung, 1 trong 6 xã khó khăn đặc biệt vùng bãi ngang của huyện. Điều kiện cơ sở vật chất ở đây đã nói lên những khó khăn của địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Phòng làm việc của chủ tịch xã được bố trí bên cánh gà của hội trường xây từ thập niên 80 của thế kỷ trước, mà công năng của nó là nơi để loa máy nhằm phục vụ các cuộc họp trên hội trường. Dường như đọc được sự ngỡ ngàng của chúng tôi, Chủ tịch UBND xã, ông Cao Núi Thành phân trần: “Chỗ làm việc của UBND - Đảng ủy xã đã được quy hoạch ở một địa điểm khác. Mới xây được bờ rào, còn nhà làm việc còn chờ kinh phí.
Là xã thuần nông chuyên sản xuất cây màu là ngô - lạc - vừng, tưới tiêu thủy lợi không có nên sản xuất trông chờ vào trời. Năm được mùa thì rớt giá, năm được giá thì mất mùa nên đời sống người dân hết sức bấp bênh. Hiện xã đã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, còn 8 tiêu chí đang phấn đấu từ nay đến 2020 không biết có xong hay không!” (năm 2020 cũng là năm tỉnh phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới). Rồi ông chỉ ra khối lượng công việc phải làm: 3 cấp học phải nâng cấp cơ sở vật chất để đạt chuẩn (hiện nay mới có tiểu học đạt chuẩn mức độ 1), trụ sở làm việc của UBND xã, 40 km kênh mương tưới tiêu chỉ mới kiên cố được 1 km. Ngoài ra gần chục km đường chính mà xã phải lo, 19 xóm mới có 6 xóm hoàn thành đường bê tông... Theo cách tính của ông Thành để hoàn thành cơ sở vật chất cho nông thôn mới, Diễn Trung cần khoảng 200 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu trên địa bàn mỗi năm khoảng 600 - 700 triệu đồng cùng với các khoản chính sách xã bãi ngang 1 năm xấp xỉ 1 tỷ đồng. Cộng với nguồn vốn xã hội hóa trong dân… Như vậy, nếu không có sự tiếp sức, chưa biết đến bao giờ xã mới hoàn thành được 19 tiêu chí. 
Diễn Bích cũng là xã bãi ngang khó khăn của huyện Diễn Châu, ông Nguyễn Viên Mãn người vừa nhận chức Chủ tịch UBND xã được 2 ngày cho chúng tôi biết: “Cái khó của xã là đất chật người đông. Dân số toàn xã 11.000 người nhưng chỉ có 36 ha đất ở trên tổng số 281 ha diện tích tự nhiên. Các tiêu chí như giao thông thủy lợi… sẽ không đạt chuẩn được nếu như không có sự điều chỉnh. Xã có gần 1.000 học sinh theo quy định trường học nông thôn diện tích bình quân cho mỗi học sinh là 10m2. Trường phải cần 10.000m2 trong lúc đó diện tích của trường mới hơn 5.000m2, chỉ mới đạt một nửa, xã không có đất để mở rộng. Nếu không điều chỉnh tiêu chí diện tích sẽ khó lòng đạt chuẩn nông thôn mới. Đất chật, người đông, nhà ở chen nhau như phố, để có đường sá đúng chuẩn phải quy hoạch lại, giãn dân, điều này là không thể. Quỹ đất dự phòng của xã không có… Xuất phát từ những khó khăn đó nên xã Diễn Bích chỉ dám đăng ký phấn đấu nằm vào tốp cuối. Nhưng trong lúc xét duyệt nếu không linh động trong các tiêu chí thì xã cũng sẽ khó đạt. 
Rời Diễn Châu về Nghi Lộc tìm hiểu thực tế ở 2 xã bãi ngang là Nghi Thiết, Nghi Quang, ở đây khó khăn đang chồng chất khó khăn. Năm 2014 Nghi Quang đạt 12/19 tiêu chí, sang 2015 chỉ còn 2 tiêu chí do vi phạm kế hoạch hóa gia đình. Xã có 40 km đường từ liên xóm đến liên xã, kể cả đường nội đồng mới làm được 2,5 km. Có những xóm như Bắc Sơn 1 xóm có 110 hộ dân, với 12 km đường sức dân không thể đóng góp được. Nếu không có sự hỗ trợ thì xóm không bao giờ hoàn thành được tiêu chí giao thông. Xã cũng đang gặp bài toán nan giải vì không có đất; đất mở rộng đường không có, đất cho dân tách hộ không có. Thậm chí nghĩa trang của xã cũng đưa vào quy hoạch “treo” vì không có đất…
Những xã khó khăn vùng bãi ngang xét thấy nguồn lực của mình nên chỉ khiêm tốn ghi tên về đích vào nhóm cuối 2020, nếu như không có sự nỗ lực phấn đấu cộng với sự tập trung nguồn lực của các cấp ngành, đặc biệt là các chính sách ưu tiên của tỉnh thì mục tiêu phấn đấu của các xã này sẽ khó hoàn thành. 
Để giúp cho các xã về đích đúng hạn rất cần có các chính sách ưu tiên nguồn lực. Năm 2015, chỉ có các xã đăng ký về đích mới được ưu tiên cấp xi măng, còn các xã đang gặp khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn, mà các xã nghèo là khu vực cần được đặc biệt quan tâm. Những địa phương này cũng cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư để tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế. Đối với các xã khó khăn vùng bãi ngang nói riêng cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp… 
Bài, ảnh: Anh Tuấn

Tin mới