Ký ức còn mãi

(Baonghean) Mấy chục anh lính tuổi mười tám đôi mươi, đồng hương Nghệ An quê các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn ngày ấy làm việc trong cơ quan Bộ Tư lệnh Pháo binh (F351) đóng tại Hà Nội, nay đã vào ngưỡng 60. Chúng tôi vẫn không hình dung nổi nếu trước đó Đoàn Vận tải Pháo binh không kịp sơ tán gần 100 CBCS lên thôn Đồng Văn, xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn, tỉnh Hà Sơn Bình, liệu chúng tôi có còn sống để hôm nay gặp nhau mà ôn cố tri tân.

            Tốp chiến sỹ  lái xe trước khi kéo pháo vào chiến trường Quảng Trị.

Như thường lệ, chiều 16/12/1972, lính “xế” chúng tôi bảo dưỡng xe chuẩn bị sáng mai lên Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn nhận pháo kéo vào tập kết tại bờ bắc sông Đakrong, Quảng Trị. Chừng 15h30, Thiếu tá Lý Bá Keng, Chỉ huy trưởng đơn vị, thổi còi tập hợp cán bộ, chiến sỹ đang có mặt tại doanh trại: Việc bảo dưỡng xe phải kết thúc trước 16h30, 17h ăn cơm (trước 30 phút so với quy định). Đúng 19h đơn vị tập hợp nghe phổ biến “nhiệm vụ dài ngày”.

Nhiệm vụ gì, vào mặt trận nào? Vẫn bí mật. Bữa cơm chiều diễn ra lặng lẽ, từ bếp ăn về doanh trại tôi thấy 4 chiếc xe lớn loại tốt nhất căng bạt kín mít đang nằm chờ. Tối ấy, Hà Nội gió bấc kèm theo mưa phùn, chúng tôi tập hợp dưới vườn nhãn um tùm. Chỉ huy trưởng và Chính trị viên trưởng phổ biến mệnh lệnh hành quân: Cán bộ, chiến sỹ lên 3 xe trước, bộ phận hậu cần áp tải lương thực thực phẩm ngồi xe sau. Các xe phủ kín bạt vừa chống rét cho cán bộ, chiến sỹ vừa đảm bảo bí mật. Trên lộ trình hành quân khi chưa có lệnh chỉ huy thì không được dừng xe dọc đường!

Khoảng 19h30, đoàn xe rời vườn nhãn lao về hướng Tây, để lại sau lưng phố phường Hà Nội, ngoài trời gió bấc mưa phùn mà ruột gan chúng tôi như lửa đốt, vì sao cả đơn vị đột ngột rời Hà Nội giữa giá rét thế này? Chừng 23h đoàn xe dừng lại bìa làng, từng tổ 3 người vào nhà dân liên hệ nghỉ trọ, hôm sau hỏi mới biết mình đang có mặt tại thôn Đồng Văn, xã Tiến Xuân, cách sân bay dã chiến Hòa Lạc chừng dăm cây số. Chiều 18/12, đơn vị đào xong hầm hào trú ẩn nơi đóng quân, tôi thoáng nghe các sỹ quan nói với nhau, 2 ngày nay bộ đội phòng không không quân sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất, các chiến sỹ lái máy bay và lái tên lửa ngồi trên bệ phóng 24/24h.

Vào lúc 19h10 ngày 18/12, Trung đoàn Ra đa 291 ở Nghệ An phát hiện nhiều tốp B52 bay trên không phận Lào lên phía Bắc Việt Nam. Tại “tổng hành dinh” của ta vào thời khắc ấy, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu phó Phùng Thế Tài cùng kíp trực đã có mặt sẵn sàng vào trận quyết chiến lịch sử. Khoảng 21h30, từ thôn Đồng Văn, chúng tôi nghe tiếng “mưa âm thanh” từ các loại máy bay Mỹ rào rào dọn đường cho trận bão bom sắp trút xuống Hà Nội.

Đến lúc ấy, “nhiệm vụ dài ngày” đã rõ trong tầm mắt, tôi càng thầm phục độ chính xác tin tức tình báo của quân ta, có vậy chúng tôi mới dời khỏi Hà Nội trước đó 2 ngày. Từ 19h40, địch ồ ạt huy động 90 lượt B52 (trong tổng số 740 lượt B52 của cả chiến dịch), 135 lần chiếc máy bay chiến thuật (trong hơn 1.000 lần chiếc của cả chiến dịch) đánh 3 đợt vào Hà Nội và phụ cận. Ngay đêm đầu tiên, ta bắn rơi 3 chiếc B52. Trong canh bạc “được ăn cả ngã về không” này, Mỹ huy động 193 máy bay B52 và 999 máy bay chiến thuật, trút xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số nơi khác gần 20.000 tấn bom. Quân dân ta giáng trả không quân Mỹ đòn chí mạng, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111; tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái.

Ngay khi kết thúc cuộc ném bom tàn bạo, lực lượng thanh niên xung kích gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ... tham gia đào bới, kiếm tìm thi thể các nạn nhân. Dưới ánh đèn pin, tôi dùng tay bới những đống gạch để kiếm tìm thi thể đồng bào mình. Lính tuổi mười tám, lần đầu tiên phải chứng kiến sự tàn phá hủy diệt ghê gớm của bom B52, tôi không kìm được nghẹn ngào và tự hỏi, đến bao giờ nhân dân mình, đất nước mình mới ra khỏi chiến tranh? Nhìn núi gạch khổng lồ, không ai nghĩ nửa tháng trước, nơi đây còn là phố Khâm Thiên. Phải mất mấy chục phút, anh Lê Công Tường, quê xã Nghi Yên (Nghi Lộc) và tôi mới xác định được phố Khâm Thiên nhờ vào hai vệt đường ray tàu hỏa đã bị cong vênh bật khỏi mặt đất, đúng hơn là bật khỏi chi chít hố bom đen ngòm. Gần 20.000 tấn bom! Một lượng bom mà theo tính toán của giới quân sự, sức tàn phá của nó tương đương với 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945 để “buộc Hà Nội phải khuất phục”.

Cùng với cuộc tiến công chiến lược 1972 của quân và dân miền Nam, 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa quyết định buộc Tổng thống Níchxơn phải tuyên bố ngừng ném bom, nối lại đàm phán Hội nghị Paris, chính thức ký Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam, rút hết quân Mỹ về nước. Ngày 5/1/1973, chúng tôi tiếp tục lên Hữu Lũng, Lạng Sơn nhận xe pháo kéo vào Quảng Trị để kịp cho đồng đội tiếp tục trút lửa xuống đầu thù.

Giao Hưởng

Tin mới