Ký ức còn mãi reo vui...

(Baonghean) - Với những bậc lão thành cách mạng, mùa Thu huyền thoại năm 1945 trở thành ký ức không thể nào quên. Qua lời kể của họ, những giây phút lịch sử và thời khắc thiêng liêng ấy của 71 năm trước được tái hiện như một thước phim quay chậm. 

“Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Câu thơ trong tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi được cụ Trần Văn Diệu xúc động đọc lại cho chúng tôi nghe khi nói về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và ý nghĩa lịch sử của Quốc khánh 2/9.

Cụ Trần Văn Diệu hồi tưởng lại ngày Quốc khánh 2/9/1945 với phóng viên.
Cụ Trần Văn Diệu hồi tưởng lại ngày Quốc khánh 2/9/1945 với phóng viên.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở Hưng Nguyên, cụ Trần Văn Diệu được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Cụ kể hồi đó, thân sinh cụ là Trần Khiếu (tức Trần Điểm) tham gia phong trào cách mạng và bị địch bắt tù đày 3 lần. Trước đây, ngôi nhà của cụ là nơi họp kín của những người yêu nước có chí khí “làm cách mạng”. Lòng yêu nước và ý chí đấu tranh của cậu bé Diệu ngày xưa cũng được nhen nhóm lên từ đó. 

Ngày 19/8/1945, chàng thanh niên Trần Văn Diệu được phân công tập hợp lực lượng và chỉ huy đoàn biểu tình các tổng Phù Long, Thông Lạng kéo lên phủ Hưng Nguyên. Cuộc biểu tình thắng lợi, chính quyền cách mạng được thành lập, Trần Văn Diệu được phân công làm Ủy viên quân sự chính quyền cách mạng lâm thời phủ Hưng Nguyên.

Cụ Diệu vẫn nhớ như in không khí ngày hôm đó, từ khắp các xóm làng, các ngả đường từng đoàn quần chúng và lực lượng vũ trang rầm rập kéo tới phủ đường phong tỏa bọn nha lại, khống chế bọn bảo an và các lực lượng khác của địch. Kể về thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), cụ bảo giây phút đó thiêng liêng lắm, bởi lần đầu tiên những người con Việt Nam được ngẩng cao đầu, tự hào với thế giới vì mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập; đối với những người nông dân quê hương cụ nói riêng, theo chứng kiến của cụ, thì đúng là “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

“Vỡ òa niềm vui độc lập”

Đối với cụ Phan Tố Đức (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương), với 99 năm tuổi đời đã có tới 77 năm tuổi Đảng, thì ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn có một ý nghĩa rất đặc biệt. 

Cụ Phan Tố Đức.
Cụ Phan Tố Đức.

Cụ Phan Tố Đức tham gia cách mạng sớm, từ những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Khi binh biến Đô Lương của Đội Cung nổ ra vào ngày 13/1/1941, địch tăng cường khủng bố, vây ráp và đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị lộ, cụ Phan Tố Đức cùng nhiều đồng chí bị bắt. Người thanh niên Phan Tố Đức bị kết án 12 năm khổ sai và bị chuyển đến nhà lao Buôn Ma Thuột. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, nhiều nhà lao được phá, nhiều nhà hoạt động cách mạng được thả, trong đó có Phan Tố Đức. Niềm vui vỡ òa trong ngày độc lập. 

Cụ kể lúc đó do tình hình thực tiễn, thực hiện theo sự phân công của cấp trên, cụ ở lại Nha Trang để tiếp tục hoạt động cách mạng. Tuy không được trực tiếp chứng kiến cảnh quê hương đón mừng ngày độc lập, nhưng cụ vẫn rất vui. Bởi đâu đâu trên đất nước hồi đó cũng tràn ngập cờ hoa, lan truyền giọng nói ấm áp đọc Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ phát đi trên loa phát thanh khiến cho hàng triệu con tim xúc động. Thoát cảnh tù đày, lại được trở thành công dân của một nước tự do, với bản thân cụ Phan Tố Đức lúc đó, niềm vui như được nhân đôi, giúp tiếp thêm ý chí, nghị lực, quyết tâm và trách nhiệm thiêng liêng với đất nước.

“Có nước, có non, có cuộc đời”

Ở mùa Thu lịch sử 1945, cụ Phan Văn Trân (xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên) khi đó mới 12 tuổi nên chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, thấy cha mẹ, anh em mình, làng xóm mình gõ mõ, vác gậy, vác cờ từng đoàn kéo đi biểu tình thì cũng đi theo. Thấy mọi người hô to “Giành lại chính quyền” thì mới hiểu ra là bà con ta đang làm cách mạng.

Cụ Phan Văn Trân.
Cụ Phan Văn Trân.

Cụ Trân kể, những ngày cuối tháng Tám năm đó, làng Thân Thượng (nay là xã Hưng Thắng) rộn ràng trống kẻng, cờ đỏ sao vàng, người dân tập trung ở đình làng, đi theo cán bộ Việt Minh đến nhà lý trưởng để giành chính quyền. Tiếng hô của mọi người tham gia biểu tình “Ủng hộ Việt Minh”, “Giành lại chính quyền”, “Việt Nam độc lập muôn năm”,... vang lên như xé trời, ai nấy đều xốn xang, phấn khởi. Trước sức ép của nhân dân, chính quyền phong kiến thực dân được xóa bỏ. 

Khác với các nơi khác, vùng quê Thân Thượng lúc đó gần như cách biệt, không có loa phát thanh, nên ngày 2/9, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, dân làng không ai hay biết. Tận mấy ngày sau, khi thông tin về đến làng, cả làng từ già đến trẻ ai nấy đều reo hò, mừng vui khôn xiết. 

Cụ Trân còn bảo, trước khi chưa có cách mạng, đời sống nhân dân lầm than, khổ cực; từ khi có cách mạng, nhân dân không chỉ có cơm ăn, còn được học hành, thực hiện theo lời Bác Hồ chống giặc dốt, giặc ngoại xâm; ấy là “có nước, có non, có cuộc đời”...

Phương Thảo 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới