Làm lãnh đạo phải dám nhận khuyết điểm

(Baonghean) - Trên đời, con người ta việc khó nhất là dám nói lên cái xấu, cái yếu, cái kém của mình trước mặt người khác, nhất là những điều chỉ có bản thân mình biết. Thế nhưng, ở thời kỳ nào Đảng bộ Nghệ An cũng có những tấm gương  thật nghiêm khắc với những khuyết điểm của mình, chân tình góp ý xây dựng cho đồng chí trên “tinh thần đảng viên”. 

“Tự nhận yếu kém cũng phải có dũng khí”


Là một người lính từng tham gia các chiến trường qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng - nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, Tỉnh đội trưởng vẫn nhớ như in đợt “chỉnh cán chỉnh quân” năm 1953. Đại đội ông làm nghiêm lắm, từ cán bộ chỉ huy đến anh lính mới nhập ngũ đều tự “chỉnh”. “Tự chỉnh mình” xong đến lượt “chỉnh” đồng đội. Ai cũng “phê tự phê” mình ra trò và cũng phê bình đồng chí hăng lắm. Có điều, cả tự phê và phê bình  đều vô tư, trong sáng. Trước khi mở đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong bộ đội có hiện tượng bi quan, giao động, cấp trên tổ chức sinh hoạt chính trị tư tưởng cho bộ đội. Hình thức phù hợp nhất vẫn là phê bình và tự phê bình từ tổ 3 người trở lên, tiếp theo là học tập tinh thần hy sinh anh dũng của các liệt sỹ hy sinh tại Điện Biên Phủ như Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... và cuối cùng là viết “quyết tâm thư”. Ai không biết chữ thì người khác viết hộ, không có giấy thì phát biểu bằng lời trước tập thể. Khí thế cứ lên hừng hực. Đồng chí Bùi Đức Tùng cho rằng, trên đời, khó nhất là khi người ta dám chấp nhận cái chết vì nước vì dân, chấp nhận “vạch áo cho người xem lưng” hay  “xưng” những điều không ai “khảo”. Tất nhiên không phải là tất cả, trên thực tế có những tấm gương thật nghiêm khắc với những khuyết điểm của mình.

Bây giờ một số đồng chí cựu cán bộ lãnh đạo tỉnh còn nhớ và nhắc đến những bản “tự kiểm thảo” của các đồng chí Lê Minh Châu (Bí thư Tỉnh uỷ hồi những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp), đồng chí Nguyễn Sỹ Quế  (Chủ tịch UBHC tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ nhiều khoá liên tục trong thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ).

Trong bản “Tự kiểm thảo” viết vào ngày 5/9/1963, không nêu phần ưu điểm mà đồng chí Chủ tịch UBHC tỉnh Nguyễn Sỹ Quế viết thẳng vào mục “Những khuyết điểm và nhược điểm”. Sau khi tự nhận là chủ tịch tỉnh nhưng bản thân có lúc thiếu nhạy cảm trước sự chuyển biến của tình hình cách mạng nên vận dụng thiếu sâu sắc chủ trương của Trung ương, của Tỉnh uỷ vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo kế hoạch phát triển kinh tế trong điều kiện cụ thể của tỉnh nhà, đồng chí cũng tự nhận bản thân còn tác phong chung chung, sự vụ, thiếu toàn diện và chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế, có lúc bản thân chưa theo kịp với phong trào cách mạng của quần chúng. 

Không nói đến ưu điểm, nêu thẳng nhược điểm, khuyết điểm một cách cụ thể, rõ ràng, không nêu lý do khách quan, chỉ một mực nhận là do bản thân “yếu kém” nên gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh. Đó là bản lĩnh đảng viên của hai “người đứng đầu”  ở hai hoàn cảnh, thời kỳ khác nhau.

Thước đo mức độ thành công của đợt  “tự phê bình và phê bình”

Thời đổi mới bây giờ, nhiều cán bộ, đảng viên có thói quen thích nhận ưu điểm, còn khuyết điểm thường đổ lỗi cho tập thể, cho người khác. Ví như chuyện khai thác lâm sản, khoáng sản bừa bãi ở Tương Dương, Quỳ Hợp, Quế Phong… mà báo chí nêu gần đây chẳng hạn. Bọn “quặng tặc”, “lâm tặc” khai thác công khai, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép qua bao nhiêu trạm kiểm soát, bao nhiêu địa bàn huyện, xã với một hệ thống chính trị đầy đủ mà cứ như đi ở chỗ không người. Vì sao vậy? Những người đứng đầu huyện, xã, những thủ trưởng các ngành từ tỉnh đến huyện đâu rồi? Và hình như, chưa một cá nhân phụ trách cơ quan chức năng nào đứng ra nhận lỗi. Tương tự, một số sơ hở, thậm chí sai phạm của cán bộ đứng đầu ở một số phường, xã trong quản lý đất đai xảy ra ở TP. Vinh; một số dự án đầu tư “treo”, quy hoạch “treo” xẩy ra trên địa bàn...

Không đòi hỏi tất cả, nhưng những sai phạm lớn trên cần phải có người đứng ra nhận trách nhiệm một cách cụ thể. Dư luận cho rằng, đó là một trong những thước đo mức độ thành công của đợt “tự phê bình và phê bình” này.

Đến bây giờ thì Bộ Chính trị đã hoàn thành việc tổ chức “tự phê bình và phê bình” tập thể và cá nhân và được đánh giá là nghiêm túc, cầu thị, kỹ lưỡng trên tinh thần xây dựng. Ở tỉnh ta, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng vừa tổ chức xong và được đồng chí Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Ngọc Lâm nhận xét là: “Các đồng chí đã bám sát nội dung của NQ T.Ư 4, bám sát ý kiến cá nhân; đặc biệt là bám sát nội dung báo cáo tập thể của BTV Tỉnh uỷ. Từ đó, các đồng chí tự liên hệ với cá nhân mình một cách nghiêm túc, trách nhiệm thẳng thắn; thể hiện tinh thần tự phê bình và phê bình gương mẫu của cá nhân người đứng đầu, nhất là đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ. Đây là một điều đáng mừng” (Báo Nghệ An số ra ngày 14/9/2012).

Dư luận hy vọng, cấp uỷ các cấp từ huyện, thành thị và cấp tương đương thẳng thắn, trung thực, dám chịu trách nhiệm và đầy tính xây dựng trong đợt tự phê bình và phê bình này!

Việt Long

Tin mới