Lan tỏa phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí

(Baonghean.vn) - Chiều 5/10, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương.

Các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Vũ Thị Hà - Trưởng Ban Công tác hội, Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Minh Ngọc - Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng các đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí

Ngày 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân đã phối hợp tổ chức phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, công bố bản tiêu chí cơ bản gồm 12 điểm về xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam.

bna_nguyen duc loi.JPG
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Sau 01 năm thực hiện phong trào thi đua, nhiều cơ quan báo chí, các cấp Hội đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Nhiều cơ quan báo chí đã xác định được vấn đề nổi cộm, cấp thiết để tập trung giải quyết như: kỷ luật, kỷ cương tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, kịp thời chấn chỉnh việc phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội của một số ít nhà báo.

bna_vũ thị hà.JPG
Đồng chí Vũ Thị Hà - Trưởng Ban Công tác hội, Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Ảnh: Ngân Hạnh

Nhìn chung, các cơ quan báo chí nhất trí cao với 12 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo, từ đó thực hiện nhiều chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của người làm báo trong môi trường chuyển đổi số, làm báo thời công nghệ 4.0.

bna_bao ha tinh.JPG
Đồng chí Võ Xuân Báu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Ngân Hạnh

Tại hội nghị, đại diện Hội Nhà báo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lâm Đồng, Phú Yên, Đắk Nông... đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, trong đó bao gồm xây dựng quy chế nội bộ nghiêm minh, tổ chức quy trình hoạt động chuyên nghiệp, quản lý sát sao hoạt động tác nghiệp, hành vi ứng xử của người làm báo, ngăn ngừa nguy cơ vi phạm đạo đức nghề nghiệp...

bna_bao lam dong.JPG
Đồng chí Lê Văn Tòa - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương. Ảnh: Ngân Hạnh

Đồng chí Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Đồng chí cũng tin tưởng thời gian tới phong trào sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, từ đó nâng cao giá trị văn hóa trong các sản phẩm báo chí.

bna_tống văn thanh.JPG
Đồng chí Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, dù phong trào mới được phát động hơn 01 năm nhưng đã được các địa phương hưởng ứng, lan tỏa mạnh mẽ, đi vào thực chất của đời sống báo chí.

Tăng cường công tác quản lý hội viên là phóng viên thường trú

Cũng trong chiều 5/10, Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 979-QĐ/HNBVN về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại các địa phương.

Quyết định 979 đã tạo thuận lợi cho Hội Nhà báo các địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú, tạo bước chuyển biến tích cực, đạt những kết quả rất quan trọng góp phần hạn chế các hoạt động ngoài tầm kiểm soát cũng như kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên; thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

bna_toàn cảnh hội nghị.JPG
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Qua 05 năm thực hiện, nhìn chung các văn phòng đại diện, hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại địa phương đã bám sát định hướng của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí địa phương; thực hiện tốt Luật Báo chí, tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí.

Tại hội nghị, Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý hội viên là phóng viên thường trú. Là địa phương có nhiều cơ quan báo chí thường trú, song, những năm qua, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đi vào nề nếp, hoạt động đúng định hướng, phát huy tốt tính phản biện của báo chí trước những vấn đề dư luận quan tâm.

bna_hội NB NA.JPG
Đồng chí Hồ Thị Ngân - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Đặc biệt, năm 2021, Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Đề án số 11 ngày 22/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, định hướng và xử lý thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025”. Việc cụ thể hóa nhiều nội dung của Đề án số 11 cùng với đẩy mạnh thực hiện các nội dung của Kế hoạch 156 của Ban Tuyên giáo Trung ương đã tạo được sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ thống nhất giữa các cơ quan thông tin báo chí, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các loại hình thông tin, truyền thông./.

Tin mới