Liên kết vùng để tạo sức bật phát triển kinh tế

Đẩy mạnh phát triển liên kết vùng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận kinh tế-xã hội, sáng 3/11.
Theo đại biểu Thao Hồng Sơn (Hà Giang), Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội chưa phân tích và đánh giá sự gắn kết giữa các vùng kinh tế trọng điểm sau 3 năm triển khai tái cơ cấu nền kinh tế; chưa có sự phân định rạch ròi và sự gắn kết hữu cơ trong phát triển giữa các vùng kinh tế chủ lực cũng như các vùng kinh tế khó khăn nhất; vấn đề đầu tư cho từng vùng chiếm tỉ trọng bao nhiêu, từ đó có định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp để phát huy lợi thế của từng vùng cũng chưa cụ thể...
Cùng quan điểm, đại biểu Lê Bộ Lĩnh  (An Giang) cho rằng  cần có đánh giá về liên kết vùng. Việc cân đối  giữa các vùng trong cả nước là hết sức cần thiết vì các vùng đều có quy hoạch đã được phê duyệt.
Liên kết các vùng để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu tất yếu.
Liên kết các vùng để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu tất yếu. (Ảnh minh họa - internet).
Làm rõ hơn về chính sách về liên kết vùng, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho biết, chính sách công vận động theo quy trình gồm 3 giai đoạn: Hoạch định, thực thi và đánh giá. Lâu nay, việc đánh giá chính sách dường như bị bỏ qua hoặc ít được quan tâm. Do đó, trong thời gian tới, cũng như về lâu dài, chúng ta cần có kế hoạch đánh giá chính sách và xây dựng lịch trình đánh giá cụ thể, chú trọng đánh giá tác động của chính sách liên kết vùng.
Theo đại biểu Phương, hiện chúng ta đang lấy phát triển vùng làm trọng điểm, tuy nhiên bản chất liên kết vùng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, sức vận hành chưa cao. Liên kết nội vùng và liên vùng cũng còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, xử lý trên cả phương diện pháp lý từ Trung ương và sự chủ động, linh hoạt của địa phương.
Từ những bất cập đó, nhiều đại biểu đề xuất cần xác định rõ kiểu liên kết vùng, trong đó liên kết giữa các chủ thể vĩ mô, bao gồm liên kết dọc (liên kết giữa Trung ương với chính quyền địa phương, giữa bộ với ngành, các sở chuyên ngành, giữa liên kết quản lý ngành với quản lý lãnh thổ địa phương); liên kết ngang (giữa cán bộ chuyên ngành trong xử lý các vấn đề mang tính ngành ở các địa phương liên kết với nhau).
Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện Luật Quy hoạch, trong đó xác định rõ nhiệm vụ của chủ thể 3 loại quy hoạch gồm quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành và quy hoạch sử dụng đất để tránh chồng chéo.
Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh việc cần nghiên cứu mô hình thành lập các công ty (như công ty phi lợi nhuận trong phát triển kinh tế) hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh được Nhà nước cấp kinh phí trong một thời gian nhất định (5 năm hay 10 năm), đồng thời cho phép các công ty này thành lập các quỹ như quỹ giúp thanh niên lập nghiệp, quỹ phát triển vùng, chủ yếu để hỗ trợ các công trình nhỏ…
Theo chinhphu.vn
TIN LIÊN QUAN

Tin mới