"Liệt sỹ" trở về và hành trình tìm đồng đội

(Baonghean) - Có một người lính già từng tham gia những trận đánh ác liệt thời chống Mỹ, bị sa vào tay giặc và có giấy báo tử gửi về gia đình. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông trở về với tỷ lệ thương tật 71%, một mắt bị hỏng và 47 mảnh đạn trong cơ thể. Nhớ thương đồng đội ngã xuống nơi rừng hoang núi thẳm, ông lại lên đường vào chiến trường xưa tìm hài cốt. Ông là Lê Văn Thuyết, ở xóm Phong Phú, xã Hưng Hòa (TP. Vinh)…
NĂM THÁNG “TUYẾN LỬA”
Chúng tôi tìm đến nhà khi ông Thuyết đang đi chăn đàn vịt. Nghề chăn nuôi vịt và nuôi cá phát triển cực thịnh ở vùng đất trũng Hưng Hòa, riêng gia đình ông Thuyết có tới gần 1ha ao cá và hơn 700 con vịt đẻ trứng. Nhìn cách ông chăm sóc đàn vịt, ít ai nghĩ rằng đây là người lính từng vào sinh ra tử nơi chiến trận…
Ông Lê Văn Thuyết (ngoài cùng, bên phải) trao hài cốt cho thân nhiên liệt sỹ Vũ Hồng Lực (Ảnh gia đình cung cấp).
Ông Lê Văn Thuyết (ngoài cùng, bên phải) trao hài cốt cho thân nhiên liệt sỹ Vũ Hồng Lực (Ảnh gia đình cung cấp).
Năm 1967, tròn 20 tuổi, Lê Văn Thuyết lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn 304. Thời gian đầu, đơn vị của ông chủ yếu hoạt động ở địa bàn Quảng Trị, nơi được xem là vùng tuyến lửa. Tại đây, ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt như trận bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, trận Ái Tử, La Vang năm 1972. Trận Ái Tử và La Vang, Tiểu đoàn 8 (thuộc Trung đoàn 18) của ông bị địch bao vây tứ phía, chưa kể pháo hạm từ biển câu vào, bom từ máy bay B-52 dội xuống, vùng đất này trở thành “tọa độ lửa”. Trước tình huống cấp bách ấy, đại đội của ông nhận được lệnh cấp trên phải mở đường máu thoát ra ngoài vòng vây để củng cố lực lượng. Lần ấy, đơn vị ông bị tổn thất khá lớn, nhiều đồng đội đã ngã xuống ở trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, địch đã huy động gần như toàn bộ các quân binh chủng với các loại vũ khí tối tân, hỏa lực với sức mạnh hủy diệt dội vào trận địa. Có thời điểm, đại đội của ông Thuyết chỉ còn 15 người và được lệnh rút ra cao điểm 74 để củng cố lực lượng. Trên đường rút, đơn vị tiếp tục bị tổn thất do pháo hạm bắn liên tục và bom từ B-52 dội xuống với mật độ dày đặc, đại đội chỉ còn lại 3 người, trong đó 2 người bị thương vì mảnh bom. Do bị thương, ông cùng 1 đồng đội nữa bị sa vào tay giặc. “Cho đến bây giờ, đã 42 năm trôi qua, trong ký ức của tôi, những ngày tháng ác liệt của “Mùa hè đỏ lửa” ở Quảng Trị chưa hề phai nhạt!
Ông Thuyết kể tiếp: Đang trên đường rút ra Cao điểm 74, bỗng dưng nghe một tiếng nổ đinh tai buốt óc, toàn thân bổ nhào ra phía sau, đất cát vùi lên mặt... Khi tỉnh dậy, chiến sỹ Lê Văn Thuyết mới biết mình đang nằm trong nhà thương của địch, ở trại giam Mang Cá (Thừa Thiên). Tại đây, bị địch xét hỏi, dụ dỗ rồi đánh đập, ông Thuyết vẫn giữ vững ý chí và bản lĩnh kiên trung của người chiến sỹ cộng sản. Không khai thác được gì, bọn địch ở đồn Mang Cá đưa vào trại giam Non Nước (Đà Nẵng). Ở đây, bọn địch càng tỏ ra ác ôn, tàn bạo hơn, chúng dùng tất cả các hình thức nhục hình từ trung cổ đến hiện đại để tra tấn những người lính cộng sản. Ông Thuyết không thể nào quên những lần bọn cai ngục dùng báng súng đánh vào đầu, máu chảy bê bết đến ngất xỉu. Hay những lần chúng dùng kìm nhổ từng chiếc răng một khiến ông đau đớn tận tim óc. Ông bị chúng lấy kìm nhổ hết hàm răng dưới, hàm răng trên chúng chỉ trừ lại đúng 3 chiếc. Trước mọi nhục hình, tra tấn tàn bạo, người chiến sỹ đến từ quê hương Xô Viết vẫn giữ vững khí tiết, không chịu hé răng khai lấy nửa lời. 
Bọn địch ở trại giam Non Nước xếp Lê Văn Thuyết vào loại “cứng đầu” và đày ông ra Côn Đảo. Nhưng dịp may đã đến vào dịp Tết Nguyên đán 1973. Nhân cơ hội bọn lính ở đồn đang tiệc tùng, nhảy nhót, hát hò để  đón giao thừa nên có phần thiếu cảnh giác, Lê Văn Thuyết và hai bạn tù khác bàn nhau vượt ngục. 3 người lần lượt chui qua 3 lớp hàng rào dây thép gai, đến hàng rào thứ 4 thì chó bec-giê của địch phát hiện và sủa lên inh ỏi. Địch báo động, bắn pháo sáng và ra sức truy đuổi. Trước tình thế ngặt nghèo ấy, họ bàn nhau tháo chạy theo 3 hướng khác nhau. Lê Văn Thuyết nhanh chóng hòa vào dòng người tập trung đón giao thừa, rồi lách vào một con hẻm thông với đường ra bìa rừng và chạy thoát khỏi sự truy đuổi của địch. Sau khi vượt ngục thành công, ông Thuyết đã tìm cách liên lạc và trở về đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu. Năm 1974, tham gia trận đánh cứ điểm Thượng Đức thuộc mặt trận Quảng - Đà, Lê Văn Thuyết bị thương nặng, hơn 50 mảnh đạn các loại găm vào cơ thể nên phải đưa ra Bắc điều trị. Ba tháng sau, ông lại có mặt cùng đơn vị tham gia các trận đánh ác liệt trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. 
 “Niềm tự hào lớn nhất cuộc đời tôi là được có mặt trong đoàn quân tham gia chiến dịch Tổng công kích giải phóng hoàn toàn miền Nam, được chứng kiếm giờ phút huy hoàng của lịch sử khi Ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng”- ông Thuyết chia sẻ. Thời điểm từ tháng 3/1975, đơn vị của ông Lê Văn Thuyết được lệnh tấn công đánh chiếm sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng). Trên đà thắng lợi, đơn vị thẳng tiến vào phía Nam, đánh chiếm căn cứ Nước Trong và Tổng kho Long Bình. Cuối tháng 4/1975, đoàn quân “thần tốc” nhanh chóng vượt qua cầu Biên Hòa và được phân công thẳng tiến Sài Gòn và đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống nội các của Dương Văn Minh. Có lẽ, suốt cuộc đời người chiến sỹ Lê Văn Thuyết không thể nào quên thời khắc trưa 30/4/1975, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Hoàng Trọng Tình (sau này là Thiếu tướng - Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 4), Tiểu đoàn của ông đã đánh chiếm được Dinh Độc Lập, tham gia bắt sống và dẫn giải Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn kêu gọi binh lính bỏ vũ khí đàu hàng. Nhìn cảnh cờ Tổ quốc tung bay khắp các ngả đường, đồng bào Sài Gòn cầm hoa vẫy chào đoàn quân quyết thắng, trên khuôn mặt ai cũng nở nụ cười hân hoan, ông Thuyết chợt bật khóc. Trải qua 8 năm chinh chiến, không ít lần đối mặt với cái chết, từng bị quân thù tra tấn dã man, chưa một lần ông rơi lệ. Nhưng trong giờ phút huy hoàng này, ông nhớ tới những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi bìa rừng, dốc núi, mắt ông chợt rưng rưng rồi vỡ òa những dòng nước mắt. Ông lần lượt gọi tên từng đồng đội đã ngã xuống giữa các chiến trường...
ĐAU ĐÁU TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Đất nước hoàn toàn giải phóng, Nam - Bắc sum họp một nhà, người lính trận hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc và trở về với gia đình, quê hương. Thật trớ trêu, sau khi ông Thuyết và 2 đồng đội rút lui về điểm 74 và bị giặc bắt, Trung đoàn đã gửi giấy báo tử về cho gia đình, bố mẹ ông đã khóc cạn cả nước mắt. Giải phóng miền Nam không lâu, một người lính khoác ba lô tìm về xóm Phong Phú, cả xóm ùa ra đón một “liệt sỹ” trở về. Bố mẹ ông Thuyết lại khóc, nhưng lần này là những giọt nước mắt vui sướng, hạnh phúc vì đứa con trai sau 8 năm biền biệt, đã từ cõi chết trở về, cho dù một mắt đã hỏng, hai hàm răng đều là giả và khắp người chi chít những vết thương. 
Trở về, ông Thuyết lập gia đình với một cô gái cùng làng và lần lượt sinh 4 người con. Vượt qua những khó khăn của thời bao cấp, vợ chồng ông Thuyết đã nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Đến nay, các con của ông đã có công việc ổn định và có gia đình riêng đầm ấm. Ông còn tích cực tham gia công tác xã hội, làm thư ký, rồi kế toán HTX Nông nghiệp Hưng Hòa, hàng chục năm làm trưởng thôn. Mỗi khi trái gió trở trời, khắp người buốt nhức, đầu như muốn nổ tung, có lúc muốn thét lên. Nhớ tới đồng đội đã hy sinh, ông gồng mình lên chịu đựng. Rồi những đêm trằn trọc vì mất ngủ, ông lại nhớ về những trận chiến năm xưa, nhớ giây phút đồng đội ngã xuống giữa chiến hào, nỗi thương nhớ đồng đội canh cánh trong lòng. Những lúc rảnh rỗi, ông lại mở và lắng nghe bài hát “Cỏ non thành cổ”, Những câu hát khiến tim ông rưng rưng: “Cỏ non thành cổ một màu xanh non tơ/ Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/ Người mẹ nào, người vợ nào... ngậm ngùi nuốt lệ/ Khi chồng con không trở về...”. 
Ông Thuyết luôn nghĩ, phải làm một việc gì đó thực sự có ích để thể hiện tình đồng đội thủy chung, son sắt trước khi quá muộn. Việc trước tiên là ông tìm thân nhân của liệt sỹ Vũ Hồng Lực (quê Thành phố Vinh) để bàn chuyện vào chiến trường xưa tìm hài cốt. Năm 2013, ông dành thời gian 2 tuần để vào vùng rừng núi Hải Lăng (Quảng Trị) tìm hài cốt đồng đội. Công việc không thành. Vì những quả đồi trọc năm xưa nay bạt ngàn rừng keo, cảnh vật giờ đã có quá nhiều thay đổi, trong tay lại không có bản đồ. Mới đây, khi thu thập đủ bản đồ, ông Thuyết lại dẫn thân nhân liệt sỹ Vũ Hồng Lực vào tìm kiếm. Và lần này đã thành công, sau 2 tuần lăn lội giữa các quả đồi trồng đầy cây keo, ông đã nhận ra nơi chôn cất đồng đội. Giây phút ấy ông lại bùi ngùi rơi lệ... Dịp ấy, ông Thuyết còn tìm thấy 40 ngôi mộ của đồng đội nằm xung quanh mộ liệt sỹ Lực. ông Thuyết báo cho các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đến xác nhận và khai quật về an táng tại nghĩa trang.
Ông cho biết thêm: “Dự kiến sau dịp 30/4 năm nay, tôi sẽ liên lạc với Ban chính sách Sư đoàn 304 để phối hợp tìm kiếm và quy tập mộ liệt sỹ Nguyễn Quang Thành. Anh Thành quê Hưng Long (Hưng Nguyên) bố mẹ đã mất, người thân duy nhất chỉ còn cô em gái bị mắc bệnh tâm thần. Không làm được việc này, tôi áy náy lắm”. Và giờ đây, khi việc đời có phần rảnh rỗi, sức lực vẫn còn, ông Lê Văn Thuyết đang có kế hoạch tập hợp những người bạn chiến đấu trở lại chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội, đưa họ về an nghỉ chốn quê nhà. Vì ông hiện là hội viên Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày, một trong những nhiệm vụ của Hội là sưu tầm tư liệu, hiện vật và tìm kiếm mộ đồng đội.
Khách chào ra về, ông Thuyết lại tiếp tục công việc với ao cá và đàn vịt. Gió từ mặt sông thổi vào mát rượi, cánh đồng lúa đang kỳ trổ bông hương thơm ngào ngạt.
Bài, ảnh: Công Kiên

Tin mới