Lò đào tạo bóng đá trẻ xứ Nghệ với nỗi lo mất vị thế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Lò đào tạo bóng đá trẻ xứ Nghệ đang đối diện với tình cảnh chật vật nguồn tài chính, đối diện với nỗi lo mất vị thế của một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu cả nước.

BNA_Đức Anh 8030.jpg
U15 Sông Lam giành chức Vô địch lần thứ 4 tại Giải U15 Quốc gia. Ảnh: Đức Anh

"Bầu sữa" nuôi bóng đá trẻ xứ Nghệ vang danh

Từ xưa đến nay, bóng đá trẻ xứ Nghệ luôn gây được tiếng vang lớn trong làng bóng đá Việt Nam. Được ví là câu lạc bộ có bề dày truyền thống đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu cả nước. Những thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam như Công Vinh, Văn Quyến, Quế Ngọc Hải, Văn Đức, Xuân Mạnh... đều đã trưởng thành từ lò đào tạo bóng đá trẻ xứ Nghệ. Có thể nói sự phát triển của bóng đá Việt Nam có phần đóng góp rất lớn từ lò đào tạo này.

bna_ảnh 2.jpg
Quế Ngọc Hải cựu trung vệ Sông Lam Nghệ An từng là Đội trưởng đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Hải Hoàng

Bên cạnh đó, tại các giải đấu trẻ do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức, Sông Lam Nghệ An luôn nằm trong tốp đầu các đội đoạt chức vô địch. Đặc biệt U11, U13, U17 Sông Lam Nghệ An đang nắm giữ kỷ lục về số lần nâng Cúp Vàng tại các Giải bóng đá U11, U13, U17 Quốc gia. Điều này đã mang đến món ăn tinh thần, niềm tự hào cho đông đảo người hâm mộ xứ Nghệ.

Và để đào tạo ra được những nhân tài cho bóng đá nước nhà, cũng như vị thế trong làng bóng đá trẻ cả nước, nhiều năm qua Sông Lam Nghệ An luôn nhận được sự chung tay trợ giúp của chính quyền, nhân dân tỉnh Nghệ An. Ngoài cung cấp đầy đủ sân bãi, cơ sở vật chất, hằng năm Sông Lam Nghệ An còn được tỉnh Nghệ An trả chi phí đặt hàng đào tạo cầu thủ trẻ.

Có thể khẳng định, nguồn kinh phí từ tỉnh Nghệ An là yếu tố quan trọng, giúp cho “môn thể thao vua” ở xứ Nghệ vang danh trong làng bóng đá nước nhà. Là “bầu sữa” để nuôi lớn các ngôi sao cung cấp cho các đội tuyển quốc gia.

Chật vật với nguồn tài chính không ổn định

Năm 2021, sau khi Sông Lam Nghệ An được chuyển giao cho nhà tài trợ mới Tân Long, nguồn kinh phí cho đào tạo trẻ vẫn được tỉnh Nghệ An duy trì. Cụ thể, mỗi năm tỉnh Nghệ An sẽ cấp nguồn ngân sách xấp xỉ 30 tỷ đồng cho Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Nghệ An. Đơn vị này sẽ có nhiệm vụ tổ chức đào tạo cho khoảng 215 vận động viên thuộc 12 lớp theo các độ tuổi từ U9 đến U21.

Tuy nhiên, do vướng mắc một số quy định về thủ tục nên việc chi trả phí đào tạo trẻ của tỉnh Nghệ An cho Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Nghệ An trở nên khó khăn và chậm trễ.

Tình trạng này thấy rõ ở năm 2023, khi việc chi trả kinh phí đào tạo trẻ cho Sông Lam Nghệ An bị chậm trễ, dẫn đến vào thời điểm cận Tết Nguyên đán các vận động viên vẫn chưa nhận được các khoản chi trả phụ cấp cho cả năm. Trước đó, để duy trì các hoạt động tại trung tâm, Nhà tài trợ Tân Long đã cho Trung tâm Đào tạo trẻ bóng đá Sông Lam Nghệ An ứng trước kinh phí để chi trả các khoản như tiền ăn, tiền sinh hoạt, tập luyện cho các vận động viên.

bna-1-9911.jpg
U19 SLNA tham gia Giải U19 Quốc gia 2024. Ảnh: Chung Lê

Lo ngại trước việc sẽ có thể tiếp tục bị chậm trễ, nên tháng 11 năm 2023, Sông Lam Nghệ An đã chủ động hoàn tất trước hợp đồng đấu thầu đào tạo trẻ gửi Sở Văn hoá và Thể thao để trình UBND tỉnh. Tuy nhiên hiện đã bước sang quý 2 của năm 2024, nhưng lò đào tạo bóng đá trẻ xứ Nghệ vẫn đang phải sống trong cảnh thấp thỏm, chờ đợi chủ trương cấp kinh phí đào tạo trẻ của tỉnh cho Sông Lam Nghệ An.

Sau 3 tháng chờ đợi, mới đây, phía Công ty Cổ phần thể thao Sông Lam Nghệ An đã gửi công văn đến UBND tỉnh Nghệ An với đề nghị, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt và chỉ đạo các ban ngành liên quan hoàn thành việc giải ngân kinh phí cho đào tạo bóng đá trẻ tỉnh Nghệ An năm 2024, trước mắt là từ ngày 1/1/2024 đến hết tháng 3/2024 để công ty có nguồn kinh phí hoạt động, thanh toán chế độ cho vận động viên, huấn luyện viên cũng như công nợ chưa trả khác. Trường hợp trong tháng 4/2024 công ty không nhận được kinh phí nói trên, hoạt động của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ sẽ không thể tiếp tục duy trì được nữa, buộc phải tạm ngừng hoạt động do thiếu kinh phí.

Nếu điều này xảy ra, sẽ gây nên những xáo trộn về tâm lý cho các vận động viên, huấn luyện viên tại Sông Lam Nghệ An. Ngoài ra, theo một số thông tin nguồn kinh phí chuẩn bị cho trung tâm đào tạo trẻ có thể bị bóp lại. Đó sẽ là trở ngại cho các đội trẻ của Sông Lam Nghệ An khi tham gia các giải trẻ trong và ngoài nước.

Cụ thể để đảm bảo nguồn tài chính, số lượng vận động viên tại các đội trẻ Sông Lam Nghệ An tham gia các giải bóng đá trẻ trong nước sẽ bị rút bớt (theo điều lệ, tại mỗi giải trẻ mỗi đội bóng được đăng ký 25 cầu thủ, nhưng Sông Lam Nghệ An chỉ đăng ký 22 cầu thủ do không đủ kinh phí để nuôi vận động viên ăn, ở, tập luyện). Bên cạnh đó, các chi phí như tổ chức các trận đấu giao hữu cọ xát trước giải, tàu, xe, ăn, ở của vận động viên cũng sẽ phải tiết kiệm tối đa.

Những khó khăn nói trên đã tác động không nhỏ đến thành tích của các đội trẻ Sông Lam Nghệ An khi tham gia các giải đấu do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức.

bna_z5299969562300_23caebd52cd99d5da65f0f82daa26e94.jpg
Đội hình của Sông Lam Nghệ An tham gia V.league 2023/24 gồm hàng loạt các cầu thủ dưới 25 tuổi. Ảnh: Chung Lê

Cũng cần phải nói thêm, sự chật vật về tài chính của lò đào tạo trẻ Sông Lam Nghệ An không thể không có phần trách nhiệm thuộc về Tân Long. Bởi suy cho cùng các cầu thủ trẻ Sông Lam Nghệ An khi được đào tạo ra sẽ phải phục vụ cho đội 1 đến khi hết 25 tuổi. Do đó, đội chủ sân Vinh sẽ không phải mất bất cứ khoản chi phí chuyển nhượng hay lót tay cho cầu thủ khi tham gia các giải đấu trong và ngoài nước. Việc Nhà tài trợ Sông Lam Nghệ An được hưởng lợi trong vấn đề này đã được thấy rõ.

Vì vậy, để Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An không phải sống trong cảnh chật vật, dần đánh mất vị thế, thì rất cần sự chung tay của tỉnh Nghệ An, Nhà tài trợ Tân Long, nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nói trên./.

Tin mới