Lời nói đầu cần gọn, rõ và chặt chẽ hơn

(Baonghean) - Sửa đổi Hiến pháp - đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của đất nước là một vấn đề hệ trọng của quốc gia, trong đó lời nói đầu của Hiến pháp cần được nghiên cứu, hoàn chỉnh thấu đáo trước khi ban hành.

Theo tôi, sửa đổi Hiến pháp 1992 phải dựa vào hai vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản là:

- Thứ nhất: Mọi quyền lực và lợi ích đều thuộc về nhân dân;

- Thứ hai: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Trên cơ sở hai nguyên tắc cơ bản nói trên, cần có tư duy mới mạnh dạn sửa đổi bổ sung phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và thể hiện tinh thần cởi mở hội nhập quốc tế, vừa tạo ra đồng thuận cao trong nội bộ dân tộc, vừa tranh thủ được rộng rãi bạn bè quốc tế.

Do vậy, vấn đề thứ nhất; lời nói đầu của Hiến pháp phải nói lên được mục tiêu và chủ thể của Hiến pháp.

Chủ thể quyền lập hiến là nhân dân, thay vì không thể trực tiếp và thông qua bản Hiến pháp, nên nhân dân phải uỷ thác cho Quốc hội lập hiến, bao gồm đại diện các tầng lớp nhân dân có trách nhiệm soạn thảo và thông qua Hiến pháp. Đó là quyền lập hiến của Quốc hội, cho dù Quốc hội lập hiến hay Quốc hội lập pháp được giao nhiệm vụ lập hiến thì bản Hiến pháp được soạn ra (hoặc sửa đổi Hiến pháp) vẫn phải mang danh nghĩa của nhân dân.

Đồng thời vấn đề thứ hai; lời nói đầu của Hiến pháp cần thể hiện gọn, rõ và chặt chẽ hơn. Chúng ta cần khảo cứu lời nói đầu của Hiến pháp một số nước phát triển trên thế giới tương đối ngắn gọn và nên thay đổi một số từ, câu đầu cho hợp lý:

"Trải qua mấy ngàn năm… Từ mấy nên dùng từ hàng nghìn.

Tiếp theo đoạn “nhân dân Việt Nam lao động cần cù”, từ Việt Nam nên dùng từ nhân dân ta để không trùng từ Việt Nam cuối câu. Lời nói đầu thể hiện lại như sau: “Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân ta lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hôn đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.

Qua các thời kỳ kháng chiến, kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Hiến pháp này là Hiến pháp của nhân dân, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân bảo đảm quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người, quyền tự quyết và quyền mưu cầu hạnh phúc của dân tộc, nhanh chóng chấn hưng đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong điều kiện hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trần Văn Hà (P. Hưng Dũng, TP. Vinh)

Tin mới