Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần bám sát thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trong gần 12 năm thực thi, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có những hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế.
Chiều 3/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Chiều 3/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 chương, 80 điều, được Quốc hội thông qua năm 2010. Tuy nhiên, qua gần 12 năm thực thi, các quy định của Luật đã có những hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế.

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cao với việc thay đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, xây dựng văn hóa cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và tích cực góp ý kiến vào dự án Luật.

Đại diện Cục Quản lý thị trường tham gia góp ý Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: Mỹ Nga

Đại diện Cục Quản lý thị trường tham gia góp ý Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: Mỹ Nga

Đại diện Cục Quản lý thị trường chỉ ra thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh, ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chính vì vậy, để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, đề nghị bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa tin sai sự thật.

Dự thảo Luật vẫn còn một số điều khoản chưa đảm bảo tính minh bạch, chưa rõ tiêu chí để các nhà quản lý xác định được sự phù hợp với nhóm người, độ tuổi, khu vực sinh sống, qua đó phát huy trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Liên quan đến trách nhiệm thu hồi sản phẩm khuyết tật, ý kiến của các đại biểu cho rằng, không nên phân biệt sản phẩm khuyết tật loại A (gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người) và loại B (không gây ảnh hưởng tới sức khỏe). Khi đã phát hiện sản phẩm khuyết tật thì phải áp dụng biện pháp xử lý như "sản phẩm khuyết tật loại A", nghĩa là ngừng sản xuất và cung cấp ra thị trường. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng không mua phải hàng lỗi, hàng nhái trên thị trường và tránh được tình trạng một số bên sản xuất cố tình tung ra thị trường.

Đoàn liên ngành của tỉnh Nghệ An kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị. Ảnh tư liệu: Thành Chung
Đoàn liên ngành của tỉnh Nghệ An kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Ngoài ra, tại hội nghị, ý kiến của các đại biểu còn tập trung vào một số vấn đề như: mở rộng phạm vi đối tượng, không chỉ "cá nhân", mà còn có "tổ chức"; quy định rõ tiêu chí, cách thức, chứng chỉ hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo đảm rõ ràng, chính xác, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng đối với các quy định về giải thích từ ngữ, các khái niệm.

Kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá các ý kiến có tính thực tiễn rất cao. Đoàn sẽ tiếp thu và chuyển tải những ý kiến này đến cơ quan soạn thảo để rà soát, hoàn thiện Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội.

Tin mới