Lương - giáo đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương

(Baonghean) - Ở Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn), mối đoàn kết lương  - giáo được củng cố, phát huy góp phần tạo nên không gian làng xã yên bình. Đây là tiền đề giúp Đảng ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện nghị quyết Đảng bộ các cấp, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, chan hòa tình làng nghĩa xóm.

Trải dài trên diện tích tự nhiên 5.115 ha. Nghĩa Lộc có 27 xóm, là nơi cư ngụ của 3.481 hộ dân với hơn 16.400 khẩu, trong đó đồng bào giáo dân chiếm 36%, cư trú ở 18 xóm (7 xóm giáo toàn tòng) thuộc 2 giáo xứ Cồn Cả và Vĩnh Giang, ngoài ra có 7,2% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Thanh. Đặc thù tự nhiên và xã hội đa dạng đòi hỏi công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa phương còn cần tính sáng tạo cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm thu được hiệu quả xã hội cao nhất. Đứng trên quan điểm đó, nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp, Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa Lộc đã triển khai nhiều cách làm hay, thu được nhiều kết quả tốt trên các mặt.

Đơn cử việc xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Lộc đã thu được kết quả rất khả quan trong công tác vận động nhân dân của lương và giáo hiến đất làm đường giao thông. Bởi trước đó, Đảng ủy, chính quyền xã đều chủ động làm việc, bàn bạc và đi tới thống nhất kế hoạch thực hiện với linh mục và hội đồng mục vụ giáo xứ để cùng vận động nhân dân chung tay thực hiện. Do đó, đúng vào thời điểm tôi về tìm hiểu thông tin ở Nghĩa Lộc, không khí hiến đất làm đường diễn ra hết sức sôi động ở các xóm Đập Đanh, Tân Lập, Vĩnh Giang, Cồn Cả… Tiểu biểu nhất là xóm Hồng Lộc, nơi có 97 hộ với 70% là bà con giáo dân đang sinh sống.

Bước trên những con đường rộng rãi vừa hoàn thành san ủi, chúng tôi tìm đến gia đình giáo dân Lê Đức Liên - Xóm trưởng Hồng Lộc. Vừa qua, thực hiện Chương trình làm đường nông thôn mới ở xã, gia đình ông Liên đã hiếm hơn 100m2 đất vườn, cây cối để mở rộng mặt đường. Giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng” khi nghe chúng tôi đề cập đến diện tích lớn đất đã hiến, ông xua tay bảo: “Khi thực hiện làm đường, bà con rất ủng hộ dù phải hy sinh lợi ích bản thân vì hiểu lợi ích cộng đồng của nó. Chứ trước đây đường nhỏ hẹp, đi lại rất vất vả, nhất là vào mùa mưa”.

Đảng viên Đào Công Hoan đang chăm sóc vườn sở.

Nói đoạn, ông Liên nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đi trên con đường liên thôn rộng 8m, hai bên đường cơ man nào là vật liệu xây dựng của một số hộ đang tập kết chuẩn bị thi công lại hàng rào mới sau khi đập bỏ để hiến đất. Hoàn thành được con đường đến giai đoạn này, nhân dân xóm Hồng Lộc không chỉ hiến đất, vật kiến trúc trên đất, cây cối mà còn đóng góp cả của, cả công để làm. Ông Liên cho biết: Nhận được chủ trương của trên, mỗi gia đình tự nguyện đóng góp 400 ngàn đồng, cộng với số tiền ủng hộ thêm được tổng cộng 50 triệu đồng. Đây là nguồn kinh phí dùng để thuê máy móc về san ủi, múc mương thoát nước. Ngoài ra, bà con còn tự nguyện góp công lao động để làm đường. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục góp tiền để hoàn thành san lấp lại những đoạn mặt đường còn chưa bằng phẳng. Còn mương thoát nước, đoạn qua nhà nào thì nhà đó tự đầu tư xây dựng”.

Không chỉ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhân dân Nghĩa Lộc còn rất tích cực trong công tác giữ gìn ANTT, ATXH tại địa phương. Tiêu biểu như tại Giáo họ Vĩnh Giang thuộc Giáo xứ Vĩnh Giang, cả giáo họ đang xây dựng mô hình điểm “giáo họ bình yên”, thực hiện 3 không “không có ma túy, không có người vi phạm pháp luật và không có tệ nạn xã hội”. Ông Cao Xuân Ba – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Tình hình ANTT và ATXH trên địa bàn được giữ vững, đặc biệt tại các giáo họ. Riêng Giáo họ Vĩnh Giang được xem là điển hình tiêu biểu trong công tác phối hợp, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Hàng quý, chúng tôi đều tổ chức tọa đàm giao lưu với giáo họ nhằm tăng cường phối hợp của Đảng ủy, chính quyền địa phương và các chức sắc tôn giáo nhằm giúp nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời qua đó mối liên hệ giữa Đảng ủy, chính quyền địa phương và giáo xứ, giáo họ trở nên khăng khít, bền chặt hơn.

Tình hình ANTT tại địa phương ổn định tạo điều kiện cho Đảng ủy, chính quyền địa phương triển khai các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả khá khả quan. Với diện tích tự nhiên lớn và có tới 98% dân số phụ thuộc vào nông nghiệp, Nghĩa Lộc xác định đưa địa phương phát triển theo hướng phát triển trồng rừng sản xuất, kết hợp chăn nuôi và trồng lúa nước. Hiện nay, cả xã đã có 327 ha cây sở và hơn 1.482 ha keo, bạch đàn, lát…

Số diện tích rừng sản xuất một phần đang vào giai đoạn thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế khá cao cho chủ rừng. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, quả sở bán được giá, nhiều hộ dân bắt đầu có lợi sau một thời gian “lao đao” vì cây trồng này. Đảng viên Đào Công Hoan ở xóm Đồng Ranh đang có trong tay 3 ha cây sở trồng từ năm 1997 cho biết: Từ năm 2010, cây sở được giá nên cho gia đình thu nhập cũng khá. Vụ 2012 vừa qua, với sản lượng 3,9 tấn quả, gia đình thu về được hơn 50 triệu đồng”. Ngoài ông Hoan, tại chi bộ Đồng Rành, còn có những đảng viên như Lê Thái Hòa, Lê Tiến Duẫn… tích cực trồng keo với diện tích 2-3 ha.

Nói về công tác Đảng tại địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Cao Xuân Ba chia sẻ: Chúng tôi luôn xác định bên cạnh nhiệm vụ thực hiện tốt nhất các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách tôn giáo và chính sách với đồng bào dân tộc trên địa bàn thì đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải nghiêm chỉnh, chuẩn mực trong công việc, gương mẫu trong lối sống hàng ngày để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, giữ vững niềm tin trong nhân dân. Bên cạnh đó, Đảng ủy, chính quyền chủ động tăng cường phối hợp, giao lưu với các giáo xứ, giáo họ để cùng chung tay nâng cao đời sống nhân dân trên tất cả các mặt, tạo không khí đoàn kết trong làng, xã.

Bài, ảnh: Thành Duy

Tin mới