Lượng xe đến đăng kiểm tại Nghệ An giảm mạnh sau thời gian bị ùn ứ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Kể từ khi Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải có một loạt sự điều chỉnh, hoạt động đăng kiểm trên địa bàn Nghệ An lại rơi vào tình trạng vắng lặng.

Lượng xe đến đăng kiểm giảm mạnh

Ghi nhận tại một số Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn Nghệ An thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy, lượng xe đến đăng kiểm đã giảm mạnh hơn so với cách đây mấy tháng. Nếu trước đây, nhiều trường hợp phải chờ đợi cả tháng trời mới đến lượt đăng kiểm, thì nay nhiều người chỉ cần đưa xe đến buổi sáng thì đến buổi trưa có thể nhận xe, và không phải xếp hàng chờ đợi như trước.

Anh Nguyễn Văn Đoàn, trú tại xã Kim Liên (Nam Đàn), mang xe xuống đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm 37-10D, nằm sát Bến xe Bắc Vinh cho biết: "Đợt này đưa xe đi đăng kiểm thuận lợi hơn nhiều so với đợt trước. Nếu như trước đây phải xếp hàng, chờ đợi 6-7 tiếng đồng hồ thì nay chỉ đợi khoảng 20-30 phút là có thể nhận xe. Thậm chí chưa uống hết cốc cà phê đã xong rồi".

BNA_phương tiện vào đăng ki.jpg
Sau một loạt giải pháp "gỡ khó" cho hoạt động đăng kiểm, lượng phương tiện đến đăng kiểm tại các trung tâm đã giảm hẳn. Ảnh: Tiến Đông

Ông Phạm Văn Hiếu - phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 37-10D cho biết: Hiện tại, đơn vị có 2 dây chuyền kiểm định xe cơ giới hỗn hợp, đủ đáp ứng nhu cầu đăng kiểm của người dân. Tuy nhiên, do xe mới sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu không còn phải đăng kiểm, cộng thêm người dân có thể tự gia hạn chu kỳ kiểm định qua mạng đối với xe cá nhân, xe không kinh doanh dịch vụ nên lượng xe đến trung tâm đăng kiểm rất thấp. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, Trung tâm Đăng kiểm 37-10D thực hiện việc đăng kiểm cho khoảng 15-17 xe các loại, đây là con số quá ít đối với một đơn vị có 2 dây chuyền.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên toàn tỉnh có 10 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, bao gồm: 37-01S, 37-02S (Đều trực thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An do Sở Giao thông Vận tải quản lý); 37-03D, 37-04D, 37-05D, 37-06D, 37-07D, 37-08D, 37-09D, 37-10D (đơn vị tư nhân) được phân bổ tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với 14 dây chuyền kiểm định (2 dây chuyền loại I, 12 dây chuyền loại II), 37 đăng kiểm viên bậc cao, 21 đăng kiểm viên và 40 cán bộ nghiệp vụ. Khả năng thực hiện bình quân của các đơn vị là 1.120 phương tiện/ngày, đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

BNA_Thao tác kiểm tra phương tiện trên máy.jpg
Kiểm tra các tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện trên máy tính. Ảnh: Tiến Đông

Do lượng xe đến đăng kiểm giảm, nên một số trung tâm đăng kiểm tư nhân còn rơi vào tình trạng không đủ chỉ tiêu, số lượng xe so với dây chuyền hiện có và đội ngũ đăng kiểm viên hiện tại. Lượng xe đăng kiểm giảm, đồng nghĩa với nguồn thu bị ảnh hưởng, nhưng nhiều trung tâm cho biết, vẫn phải duy trì lượng nhân viên, đăng kiểm viên hiện có. Bởi theo đánh giá, vào thời điểm cuối năm nay, khi kết thúc giãn chu kỳ thì lượng phương tiện đến đăng kiểm có khả năng sẽ lại tăng lên. Trong khi đó, việc tuyển dụng và đào tạo một đăng kiểm viên được cấp Giấy chứng nhận và có thể làm thuần thục công việc mất rất nhiều thời gian.

Ông Hà Tiến Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An (đơn vị quản lý 2 trung tâm đăng kiểm 37-01S và 37-02S), cho biết: Lượng xe đến đăng kiểm bình quân mỗi ngày giảm 1/3 so với thời điểm trước đây. Tại cơ sở 37-01S nằm trên đường Phan Bội Châu (TP.Vinh), ghi nhận mỗi ngày chỉ có khoảng 40 xe đến đăng kiểm. Ông Sơn cho biết, trước mắt đơn vị chưa phải cắt giảm nhân sự, hy vọng sau khi hết chu kỳ giãn đăng kiểm thì nhu cầu sẽ quay lại. Nếu không thì việc cắt giảm nhân sự là điều không thể tránh khỏi.

BNA_xe con .jpg
Một xe ô tô con lên dây chuyền kiểm tra. Ảnh: Tiến Đông

Tác động từ sự điều chỉnh

Trước những khó khăn và bất cập trong công tác đăng kiểm thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tháng 3/2023, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã đồng loạt có những giải pháp "gỡ khó" cho hoạt động đăng kiểm. Cụ thể, vào ngày 21/3/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 02 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều ở Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Điểm nổi bật nhất của Thông tư này là ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng sẽ được miễn đăng kiểm lần đầu. Điều này đã góp phần giảm được một lượng lớn xe mới đến các trung tâm đăng kiểm.

Đến ngày 3/6/2023, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục ban hành Thông tư 08 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16 nói trên, theo trình tự, thủ tục rút gọn. Kể từ tháng 6/2023 các xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (có thời gian sản xuất đến 7 năm và thời gian sản xuất từ 13 - 20 năm) đã được cấp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định trước ngày 22/3/2023 và vẫn còn hạn kiểm định tính đến ngày 3/6/2023 sẽ được tự động giãn chu kỳ kiểm định theo chu kỳ mới quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BGTVT.

BNA_Kiểm tra bánh xe.jpg
Kiểm tra gầm và bánh xe. Ảnh: Tiến Đông

Thực hiện theo Thông tư 08, cơ quan đăng kiểm sẽ tự động cấp Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, Tem kiểm định đối với các phương tiện trên mà chủ xe không cần đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để kiểm định lại (gia hạn online). Điều này đã góp phần giúp giải quyết căn bản thực trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới, giúp người dân, doanh nghiệp đỡ tốn thời gian, công sức đi lại để làm thủ tục đăng kiểm.

Chỉ sau đó ít ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 8/6/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Nghị định 30 được ban hành với mục đích vừa siết chặt một số quy định nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm định, nhưng đồng thời cũng điều chỉnh một số quy định để huy động tối đa nguồn lực phục vụ kiểm định xe cơ giới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp.

BNA_Xe tải.jpg
Theo ghi nhận, lượng xe đến đăng kiểm tại các trung tâm đã giảm sút còn khoảng 1/3 so với thời điểm trước đây. Ảnh: Tiến Đông

Trong đó, việc bãi bỏ quy định khống chế số lượng xe kiểm định trong ngày của đơn vị đăng kiểm đã góp phần phát huy sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các đơn vị đăng kiểm trong cải tiến công việc, nâng cao năng suất lao động. Nếu như trước đây, mỗi dây chuyền đăng kiểm trong 1 ngày (8h làm việc), chỉ được thực hiện tối đa 90 xe đối với dây chuyền loại I (kiểm định được xe có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 2 tấn) và tối đa 70 xe đối với dây chuyền loại II (kiểm định được xe có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 13 tấn). Thì nay, các trung tâm đăng kiểm được phép đăng kiểm không giới hạn số lượng xe, miễn là có đủ nhân lực, thiết bị để đảm bảo thực hiện việc đăng kiểm theo quy định.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho biết: Sau khi Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải có những điều chỉnh mang tính đột phá, Sở cũng đã chỉ đạo các Trung tâm Đăng kiểm ổn định công tác tổ chức tại đơn vị, sắp xếp nhân sự đối với đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ phù hợp để thực hiện công tác kiểm định đảm bảo chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, Sở cũng đã đề nghị các đơn vị tăng cường làm thêm giờ vào những ngày cao điểm để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong công tác kiểm định xe cơ giới.

Việc thay đổi những chính sách liên quan đã góp phần làm giảm áp lực cho hoạt động đăng kiểm. Tuy nhiên, đi kèm những tác động tích cực cũng có những mặt hạn chế, đây chính là một bài toán đòi hỏi các trung tâm cần phải bố trí, sắp xếp công việc một cách phù hợp. Vừa phải đảm bảo giữ người, vừa phải duy trì hoạt động để đáp ứng khi nhu cầu đăng kiểm tăng trở lại./.

Tin mới