Lý do lễ khai mạc ASIAD 2023 quyết định không bắn pháo hoa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo truyền thống, pháo hoa là một phần không thể thiếu trong Lễ khai mạc các giải thể thao lớn. Nhưng Trung Quốc đã thông báo sẽ không có pháo hoa tại Đại hội Thể thao châu Á 2023.

Theo truyền thống, pháo hoa là một phần không thể thiếu trong Lễ khai mạc các giải thể thao lớn. Nhưng Trung Quốc đã thông báo sẽ không có pháo hoa tại Đại hội Thể thao châu Á 2023.

Vào tối 18/9/2023, buổi diễn tập thứ 3 của Lễ khai mạc ASIAD 2023 đã diễn ra thành công với sự có mặt của hơn 50.000 khán giả theo dõi. Đây là bước chuẩn bị cuối cùng trước khi Lễ khai mạc chính thức diễn ra vào tối 23/9 tại Sân vận động Trung tâm Thể thao Olympic Hàng Châu, Trung Quốc.

Vì một thế giới xanh

Với mục tiêu tổ chức một kỳ đại hội xanh, ban tổ chức đã nỗ lực mang đến một ASIAD lần đầu tiên không có carbon. Khái niệm "xanh", "thông minh", "tiết kiệm" và "văn minh" được thể hiện rõ ràng trong từng chi tiết. Ban tổ chức đại hội đã khởi xướng 8 dự án đặc biệt nhằm giảm lượng khí thải như: Xây dựng địa điểm xanh, cung cấp năng lượng xanh, nâng cấp giao thông xanh, cố gắng giảm thiểu lượng khí thải carbon,…

Lễ khai mạc cũng sẽ truyền tải thông điệp này. Tại Lễ khai mạc, ban tổ chức cho biết sẽ không tổ chức bắn pháo hoa, nghi lễ thường thấy ở các sự kiện hay các kỳ Đại hội trước. Sha Xiaolan, tổng đạo diễn Lễ khai mạc Đại hội cho biết: "Lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á tại Hàng Châu sẽ phá vỡ truyền thống bắn pháo hoa vì chúng tôi đang tuân thủ triết lý xanh trong việc tổ chức sự kiện này. Vì chúng tôi muốn giảm lượng khí thải carbon nhiều nhất có thể nên chúng tôi đã quyết định cắt giảm các buổi trình diễn pháo hoa".

Tổng đạo diễn Sha Xiaolan cho biết, màu sắc ánh sáng chủ đạo của Lễ khai mạc sẽ là xanh lam và xanh lục. "Chúng tôi muốn thể hiện vẻ đẹp của hệ sinh thái, tính nhân văn và thể thao của Trung Quốc, một nền văn minh hiện đại, với thế giới trong một bức tranh có cảnh quan tuyệt đẹp bao gồm những ngọn núi xanh và làn nước trong xanh. Lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á sẽ ngắn gọn nhưng không đơn giản", ông Sha nói.

Triết lý xanh càng có ý nghĩa hơn khi được thực hiện tại đại hội diễn ra ở Hàng Châu - thành phố vốn nổi tiếng là "rừng trong phố", với mật độ phủ xanh lớn nhất trong các thành phố ở Trung Quốc.

blob.jfif
Lễ khai mạc ASIAD 2023 sẽ không bắn pháo hoa.

Một châu Á đang lên

Đạo diễn nổi tiếng Lục Xuyên giữ vai trò đạo diễn chính cho sự kiện khai mạc. Đạo diễn từng được Disney mời hợp tác, đã cùng 17 nhà sản xuất, chuyên gia trong và ngoài nước để lên kế hoạch và thực hiện buổi lễ. Trong đó, nhà sản xuất âm nhạc từng giành giải Oscar với nhạc phim "Ngọa hổ tàng long", Tan Dun, giữ vai trò Giám đốc mảng âm nhạc. Sha Xiaolan, chủ tịch của Beijing Funshine Culture Media, là tổng đạo diễn chương trình. Công ty của ông Sha Xiaolan nổi tiếng trong việc thiết kế ánh sáng cho các sự kiện và buổi diễn thể thao tầm cỡ, như Thế vận hội và Paralympic 2008, Đại hội Thể thao châu Á và Triển lãm Thế giới Thượng Hải năm 2010. Ông Nathan Heverin giữ vai trò trưởng nhóm thiết kế vũ đạo, Scott Givens - Giám đốc Công ty Sáng tạo Five Currents đã làm việc với Ủy ban Olympic quốc tế và Nick Eltis cùng giữ vai trò giám đốc kỹ thuật…

"Với tư cách là đạo diễn phim, tôi sẽ đưa ý tưởng từ quá trình làm phim vào Lễ khai mạc ASIAD 19", đạo diễn Lục Xuyên chia sẻ. "Tôi hy vọng rằng tất cả mọi người trên thế giới sẽ nhìn thấy mặt sống động của Trung Quốc, và cả sự ấm áp trong trái tim và ý thức trách nhiệm của chúng tôi đối với thế giới".

Chủ đề của Lễ khai mạc là "Một châu Á đang lên". Lễ khai mạc được chia làm 3 chương, bao gồm "Phong cách dân tộc và vần điệu tao nhã", "Thủy triều sông Tiền Đường" và "Cùng nhau bước đi". Ở chương một và chương hai, các nghệ sĩ cùng với công nghệ sẽ tái hiện, lồng ghép những biểu tượng và hình ảnh đặc trưng của Hàng Châu và Chiết Giang. Phần ba là màn trình diễn thể hiện văn hóa Trung Hoa, tinh thần thể thao châu Á và sự hội nhập trong kỷ nguyên mới.

Wu Yan, một trong những đạo diễn của Lễ khai mạc cho biết, buổi lễ trùng với tiết thu phân và cũng là thời điểm thủy triều sông Tiền Đường đạt đỉnh, và cũng là mùa thu hoạch vàng ở Chiết Giang nên toàn bộ buổi lễ sẽ mang lại cảm giác đầm ấm, thân thuộc. "Đội ngũ của chúng tôi đến từ khắp nơi trên cả nước, và sau ba năm rèn luyện, chúng tôi đã tổ chức hơn một trăm cuộc họp lập kế hoạch, sửa đổi gần một trăm kế hoạch dự thảo trước và sau, nhiều lần trau chuốt chúng và phấn đấu đạt đến sự xuất sắc", ông Wu Yan chia sẻ.

Đối với Hàng Châu, nơi được mệnh danh là trung tâm của sự đổi mới, Đại hội Thể thao châu Á là cơ hội để giới thiệu các công nghệ tiên tiến của thành phố. Đạo diễn Sha Xiaolan cho biết, ông và đội ngũ của mình sẽ áp dụng phương pháp thắp lửa kỹ thuật số kết hợp với thắp lửa từ ngọn đuốc truyền thống. Tính đến hôm 16/9, đã có hơn 80 triệu người đăng ký để khơi dậy ngọn lửa kỹ thuật số trên ứng dụng "Smart Hàng Châu 2022".

Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 sẽ diễn ra từ ngày 23/9-8/10, với 40 môn thể thao bao gồm 61 phân môn và 481 nội dung. Lễ khai mạc chính thức diễn ra vào ngày 23/9, song một số môn bắt đầu thi đấu sớm từ ngày 19/9.

Thành phố Hàng Châu và các địa phương vệ tinh khác sẽ chào đón hơn 12.500 vận động viên từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu lục tham gia sự kiện thể thao đa môn lớn nhất châu lục, theo chu kỳ 4 năm/lần. Đây là kỳ đại hội có số lượng VĐV tham dự đông nhất trong lịch sử. Kỷ lục trước đó được thiết lập tại ASIAD 18 diễn ra tại Indonesia vào năm 2018, với hơn 11.000 VĐV góp mặt.

Tin mới