Lý giải nguyên nhân thu ngân sách năm 2023 của Nghệ An thấp hơn năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An Nguyễn Đình Đức cho rằng, có nhiều nguyên nhân khách quan khiến nguồn thu nội địa của tỉnh trong năm 2023 giảm khoảng 4.150 tỷ đồng.

Năm 2023, HĐND tỉnh giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 15.857 tỷ đồng. Trong 10 tháng năm 2023, UBND tỉnh đã thu ngân sách được 13.371 tỷ đồng, đạt 84,3% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 72,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho rằng, trên cơ sở kết quả thu 10 tháng, phấn đấu quyết liệt những tháng cuối năm, ước thực hiện cả năm 2023 đạt 17.771 tỷ đồng, bằng 112% so với dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 79% so với thực hiện năm 2022.

Trong đó, thu nội địa dự kiến cả năm 2023 ước đạt 16.600 tỷ đồng, đạt 113% so với dự toán, bằng 78,5% so với thực hiện năm 2022.

bna_IMG_1832.jpg
Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả 10 tháng, phấn đấu quyết liệt những tháng cuối năm, thu ngân sách ước thực hiện cả năm 2023 đạt 17.771 tỷ đồng. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Có 14/16 khoản thu nội địa hoàn thành dự toán HĐND tỉnh giao. Tuy nhiên, vẫn còn 2 khoản thu nội địa là thu thuế bảo vệ môi trường, thu lệ phí trước bạ chưa đạt dự toán HĐND tỉnh giao, do các chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19 và biến động giá xăng dầu trên thế giới.

Tổng thu ngân sách khối huyện trên địa bàn 10 tháng là 5.809 tỷ đồng, đạt 96,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 57% so với cùng kỳ năm 2022. Có 10/21 đơn vị vượt 100% dự toán HĐND tỉnh giao, một số đơn vị đạt tỷ lệ thu cao như các huyện: Đô Lương, Tân Kỳ, Nam Đàn,...

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho rằng, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; lạm phát ở mức cao; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp.

bna_người dân giao dịch tại chi cục thuế Vinh_ảnh Quang An.jpg
Người dân thực hiện các giao dịch tại Chi cục Thuế Vinh. Ảnh tư liệu: Quang An

Kinh tế trong nước và tỉnh Nghệ An bị ảnh hưởng rõ rệt, nhất là về thị trường xuất khẩu, sức mua của thị trường nội địa, sản xuất, kinh doanh tăng chậm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực tiếp tục gặp khó khăn về thị trường, nguồn lực tài chính làm giảm số nộp ngân sách nhà nước.

Theo ông Nguyễn Đình Đức - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, so với năm 2022, nguồn thu nội địa năm 2023 giảm khoảng 4.150 tỷ đồng.

Cục trưởng Cục Thuế cho rằng, nguyên nhân giảm là do các yếu tố khách quan, như tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực như bia, thuỷ điện, xi măng... trên địa bàn gặp khó khăn, làm giảm đóng góp số thu khoảng 1.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, do thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến các khoản thu liên quan đến đất giảm mạnh, dự kiến giảm 3.500 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, tiền sử dụng đất dự kiến giảm khoảng 3.000 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản giảm 300 tỷ đồng; lệ phí nhà đất giảm 90 tỷ đồng...

bna-Xuất xi măng đóng bao tại Trạm nghiền Nghi Thiết-NS.jpg
Hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó khăn nên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Trong ảnh, xuất xi măng đóng bao tại Trạm nghiền Nghi Thiết - Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam. Ảnh tư liệu Nguyên Nguyên

Mặt khác, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu thuế, phí, lệ phí của Quốc hội, Chính phủ để kích thích nền kinh tế cũng làm giảm các khoản thu nội địa của tỉnh.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Đình Đức cho rằng, tình hình thu ngân sách của tỉnh đang ổn định, khả quan và ngành Thuế quyết tâm, triển khai quyết liệt các giải pháp, cố gắng thu ngân sách năm 2023 đạt trên 18.000 tỷ đồng.

Tin mới