Một chuyến đồng hành với trưởng tàu SE2

(Baonghean) - Thật tình cờ, trên chuyến tàu xuyên Việt SE2 tôi biết anh, trưởng tàu Hoàng Văn Minh. Đến giờ tôi còn nhớ như in dáng đi, việc làm, nét mặt hiền lành thân thiện của anh và cộng sự. Các anh chị vẫn theo những chuyến tàu vào ra, đi mãi... Phải chăng đích đến của họ là trong tim của mỗi hành khách trên khắp miền tổ quốc !
 
Tàu khởi hành từ ga Sài Gòn lúc 19 giờ ngày 8 tháng 7, đến Hà Nội 5 giờ 20 phút ngày 10 tháng 7,(Chậm 10 phút so với dự tính). Con tàu dài 13 toa, có trên 30 người gồm nhân viên phục vụ và phụ trách tàu.
 
Công việc của những người làm nhiệm vụ trên những chuyến tàu thật vất vả. Họ phục vụ hành khách chu đáo. Người quản lý toa số một trên chuyến tàu SE2 hôm ấy là ông Ngyễn văn Nhiên (mỗi toa có một người  phụ trách), đầu điểm bạc, thỉnh thoảng đi lại và nhắc nhở mọi người khi tàu sắp dừng ở một ga nào đấy để hành khách không bị quên. Có lúc ông lại cầm chổi đi quét bụi và nhặt những vỏ bao hoặc khăn lau hành khách vô tình hay cố ý vất trên sàn tàu. (mặc dù mỗi toa có một nơi tập trung đồ thải). Đêm trời bắt đầu lạnh, ông lại lấy khăn đắp phát cho từng người. Có lúc đang ăn cơm ông lại bỏ dở vì có hành khách tìm để nhờ lấy thêm chăn... 
 
Tôi được ngồi ghế gần chỗ trực của trưởng tàu Hoàng Văn Minh ở toa số một. Bởi vậy, tôi được chứng kiến những công việc tỷ mẩn của anh. Từ Sài Gòn đến Hà Nội anh Minh ba lần thay phiên trực: trực từ ga Sài gòn đến ga Mường Mán; ga Diêu Trì đến Đà Nẵng; ga Đồng Hới đến Vinh. Đây là những thời gian bận bịu nhất của anh. Trên tay anh là tập hồ sơ, trong đó gồm nhật ký trực tàu. Cứ khoảng mười phút anh lại ghi ghi, chép chép cẩn thận, tỉ mỉ từng địa điểm, thời gian nơi tàu đến tàu đi qua: tốc độ, số phút nhanh chậm. Tôi liếc nhìn dòng nhật ký: "... Chậm 2 phút địa điểm... km 401+800 - km 401+680...". Chốc chốc anh dừng bút, tính toán và đưa tay nhìn đồng hồ. Chiếc đồng hồ đã cũ cùng chiếc đèn soi, là bạn đồng hành và gắn bó nhất không thể thiếu được đối với anh trong quá trình làm việc. Qua tỉnh Quảng Trị, trời đã vào đêm, thỉnh thoảng anh Minh lại cầm chiếc đèn soi ngó đầu ra khỏi thành tàu để đọc km số cột mốc. Sắp đến một ga xép anh kiểm tra lại chiếc đèn rồi huơ đèn ra ngoài báo tín hiệu cho gác ga. Chăm chú theo dõi công việc của anh vừa cảm phục vừa tò mò, tôi hỏi: "làm sao anh biết tàu sắp vào ga?'' anh cười hiền lành bảo: Vì nhiều năm trong nghề nên đã quen với nhịp đập của tàu. Đoạn đường vào ga âm thanh khác hẳn, nghe trầm và êm hơn vì có nhiều đường ray.!".
 
Đến Vinh trưởng tàu được nghỉ phiên trực. Anh kể cho tôi: Quê anh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vào nghề năm 1986, tính đến nay đã tròn 23 năm theo những con tàu. Thời còn trai trẻ thích được đi đây đó. Bây giờ thì cuộc đời như gắn chặt với con tàu. Làm nghề này lương cũng ba cọc ba đồng. Phải thức nhiều hơn ngủ, mắt sâu thâm quầng, người không béo lên được, tiền lương cũng eo hẹp. Mỗi tháng có 4 chuyến đi, lương hưởng theo chuyến. Trung bình mỗi chuyến lương nhân viên 4 trăm ngàn, trưởng tàu 500 ngàn, chuyến nào nhiều hơn thì trưởng tàu 600 trăm. Vợ anh làm nhân viên vệ sinh ở một công ty tại Sài Gòn, lương 1 triệu/ tháng. Hai vợ chồng với từng ấy lương nuôi hai đứa con ăn học trụ ở thành phố Sài Sòn cũng chật vật lắm. Làm một trưởng tàu, để đảm bảo lịch trình cũng phải thấp thỏm, thần kinh cũng căng thẳng cho đến khi kết thúc chuyến đi...
 
Nhà tôi ở gần đường tàu, hàng ngày vẫn nghe tiếng tàu vọng từ xa, tiếng còi tàu cứ nhắc tôi nhớ về chuyến đi ấy, vẫn hình dung những con tàu đang xuôi ngược đồng hành với thời gian, đưa con người về tới đích. Nhưng các anh - những người làm nhiệm vụ trên những con tàu vẫn theo những chuyến đi, đi mãi. Phải chăng đích đến của họ là trong tim của mỗi hành khách trên khắp miền tổ quốc.

Nguyễn Thị Minh Lộc

Tin mới