Ngã ba Bến Thủy ngày dậy sóng đấu tranh

(Baonghean) Những ngày Thu tháng 9 lịch sử này, về thăm lại Di tích ngã ba Bến Thủy, chợt thấy xúc động khôn cùng trước tượng đài Công - Nông - Binh đường bệ, uy nghiêm. Lẫn trong tiếng gió từ sông Lam, núi Quyết thổi về nghe như tiếng vọng của biển người biểu tình nhấp nhô đang hô vang khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, người cày có ruộng năm xưa... Nơi đây, những ngày này của 82 năm trước, máu của anh em thợ thuyền, dân cày xứ Nghệ đã nhuộm đỏ cả mặt đường Bến Thủy.

Như còn đó cây cột điện trước Nhà máy Diêm xưa nơi đồng chí Trần Cảnh Bình (tự vệ làng Lộc Đa) đã trèo và giương cao cờ đỏ búa liềm kêu gọi công nhân nhà máy phối hợp đấu tranh. Lá cờ đỏ búa liềm của Đảng được cắm trên cột đèn giữa ngã ba Bến Thuỷ cổ vũ ấy, đã thôi thúc tinh thần của quần chúng nhân dân nắm tay nhau tiến lên phía trước. Khiếp sợ trước khí thế đấu tranh ngùn ngụt của quần chúng cần lao, bọn lính từ tầng hai Nhà máy Diêm đã xả súng xối xả vào cột đèn, đồng chí Trần Cảnh Bình cùng lá cờ đỏ rơi xuống trong tiếng thét căm hờn của đoàn người biểu tình.

Ngày 1/5/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát động phong trào kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động đầu tiên ở Việt Nam. Hòa vào không khí sục sôi đấu tranh của nhân dân nhiều nơi trong toàn quốc, đồng chí Lê Mao - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Xứ ủy Trung Kỳ phụ trách Tỉnh ủy Vinh - Bến Thủy trực tiếp chỉ đạo cuộc biểu tình lớn của công - nông nội - ngoại thành.

 Được chuẩn bị chu đáo, rạng ngày 1/5/1930, hơn 1.200 nông dân các làng An Hậu, Tân Hợp, Đức Hậu (Nghi Lộc), Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng (xưa thuộc Hưng Nguyên)... kéo vào Thị xã Vinh để phối hợp với công nhân các nhà máy đấu tranh trực diện với thực dân Pháp. Đoàn biểu tình không mang theo vũ khí, giương cao lá cờ búa liềm, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: Tăng tiền lương, ngày làm việc 8 giờ, giảm các loại sưu thuế,... và hát vang bài "Quốc tế ca". Sau đó, đoàn kéo xuống ngã ba Nhà máy Diêm thì bị lính khố xanh và mật thám chặn đường. Nhưng đoàn người với khí thế sục sôi vẫn tay không tiến vào hàng rào lính, tên giám binh hốt hoảng ra lệnh cho lính bắn vào đoàn biểu tình. Một số đồng chí trong đoàn biểu tình bị trọng thương khiến mọi người sục sôi căm thù. Khi đồng chí Trần Cảnh Bình và lá cờ búa liềm bị kẻ thù bắn hạ, công nhân Nhà máy Diêm tràn ra sát cổng, đạp phăng hàng rào ứng cứu. Bọn lính bắn thẳng vào đoàn biểu tình làm 6 người chết, 18 người bị thương và 100 người bị bắt.

Báo “Người lao khổ” ra ngày 2/5/1930 đã viết: “...cuộc đấu tranh ở An Nam đã đến ngày phải kịch liệt. Nhưng mỗi người trong anh em, chị em phải chết thì lại có hàng ngàn, vạn anh em, chị em khác kế tiếp. Dù đế quốc Pháp giở thói hung ác đến đâu cũng không thể ngăn trở phong trào cách mạng được ...”.

Cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 tại ngã ba Bến Thuỷ là điểm mốc quan trọng mở đầu cho cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Nét nổi bật của cuộc biểu tình này là: "Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công - nông - binh bắt tay nhau giữa trận tiền" (Văn kiện Đảng 1930-1935, Ban Nghiên cứu Lịch sử đảng T.Ư xuất bản, 1977,t.1, tr.51).

Chính phong trào đấu tranh quyết liệt này đã tác động mạnh vào các vùng nông thôn, tạo nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, làm lay chuyển bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến ở thôn, xã, hình thành nên chính quyền Xô viết trên một vùng rộng lớn.

  Thời gian và chiến tranh tàn phá, cây cột điện ghi dấu sự kiện cắm lá cờ búa liềm của đoàn biểu tình ngày 1/5/1930 bị hư hỏng nặng. Năm 1960, một cây cột khác đã được phục dựng lại theo nguyên mẫu tại vị trí cũ. Năm 2010, dự án Khu di tích ngã ba Bến Thủy được quy hoạch lại, cột được tháo dỡ để nhường chỗ cho các hạng mục khác.

Năm 2012, Bảo tàng Nghệ An đã sưu tầm và đem về bảo quản với mong muốn một ngày không xa, có thể phục dựng trưng bày nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về lịch sử đỏ trên quê hương Xô viết anh hùng.

Phan Thị Hà Long

Tin mới