Nga và Việt Nam luôn duy trì quan hệ hữu nghị tốt đẹp

(Baonghean) PGS-TS Nguyễn Công Khanh- nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh từng có thời gian 5 năm (1985- 1990) học tập và nghiên cứu tại đất nước Liên Xô (cũ). Ngoài việc giảng dạy ở bậc đại học, ông còn tham gia đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) chuyên ngành Lịch sử thế giới hiện đại, được đánh giá là một chuyên gia nghiên cứu về Liên Xô, Đông Âu và nước Nga cũng như CNXH hiện thực...Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917- 2012), PGS - TS Nguyễn Công Khanh dành thời gian trò chuyện với phóng viên Báo Nghệ An.

- Thưa PGS- TS Nguyễn Công Khanh! Ông có thể kể lại một vài kỷ niệm sâu sắc trong thời gian học tập, nghiên cứu trên đất nước Xô viết?

- Tôi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh khi đất nước thống nhất đã 10 năm. Nhưng khi đặt chân đến nước bạn, câu đầu tiên khi làm quen của các bạn Liên Xô và các nước anh em là: “Chúng tôi cảm phục đất nước và con người Việt Nam, một đất nước nhỏ bé dám đương đầu và chiến thắng đế quốc Mỹ”. Lúc ấy, tôi thật sự xúc động và tự hào. Sau đó, trong các cuộc giao lưu, trại hè, các bạn thường đề nghị tôi kể về “Cuộc chiến mười nghìn ngày” ở Việt Nam. Tôi kể về phong trào “Đồng khởi”, về Thành cổ Quảng Trị, về trận “Điện Biên phủ trên không”, về Đại thắng mùa Xuân 1975. Các bạn nghe một cách hết sức chăm chú. Do vậy, tôi càng có thêm nhiều người bạn mới.

- Ông thấy đất nước, con người Liên Xô và đất nước chúng ta có điểm nào tương đồng?

- Lúc ấy, ngoài thể chế chính trị, lý tưởng và niềm tin, tôi nhận thấy giữa hai đất nước có khá nhiều nét tương đồng, đặc biệt trên phương diện văn hóa. Con người của đất nước Xô Viết luôn cần cù và sáng tạo. Những làn điệu dân ca Nga cũng rất mượt mà và sâu lắng. Nền văn học Nga - Xô viết phát triển rực rỡ với những tác phẩm “kinh điển” như Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Thép đã tôi thế đấy... Những tác phẩm này được bạn đọc Việt Nam đón nhận nồng nhiệt, một thời trở thành sách gối đầu giường. Như vậy, chứng tỏ hai đất nước có nhiều nét tương đồng, tuy cách nhau khá xa về mặt địa lý.

- Năm 1991, Liên bang Xô viết tan rã, thể chế chính trị thay đổi, ông nhận thấy mối quan hệ giữa nước Nga và Việt Nam từ đó đến nay như thế nào?

- Dưới thời của Tổng thống En- xin, nước Nga phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có lúc dường như bị chao đảo nên không có điều kiện mở rộng quan hệ với các nước châu Á. Phải đến thời kỳ của Tổng thống Pu- tin và Met- vơ- đep, mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp truyền thống giữa Nga và Việt Nam mới được củng cố và phát triển. Hai vị tổng thống này đã từng sang thăm chính thức Việt Nam. Tới đây, ông Met- vơ- đep lại sang thăm nước ta trên cương vị thủ tướng. Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, mối quan hệ tốt giữa hai nước vẫn được duy trì và không ngừng nâng cao, hiệp ước đối tác chiến lược đã được lãnh đạo hai nước ký kết. Nền kinh tế thế giới đang trong xu thế vận động từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương, nước Nga cũng đang từng bước khẳng định sự hiện diện ở châu Á. Đây chính là cơ hội thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia. Theo tôi, biểu hiện sinh động nhất trong quan hệ  Việt - Nga hiện nay là Tổng Công ty dầu khí Việt-Xô Pê- tơ-rô. Dù thể chế chính trị nước Nga đã thay đổi nhưng tên gọi công ty này vẫn được giữ nguyên, trên biểu tượng vẫn là lá cờ Xô Viết.

- Vậy ông đánh giá vị trí của nước Nga hiện nay trên trường quốc tế như thế nào?

- Liên Xô tan rã, nước Nga kế tục vai trò nhưng không còn giữ được vị trí của một siêu cường. Thời gian gần đây, nước Nga đang từng bước khẳng định vai trò của một cường quốc, có tiếng nói trọng lượng trên trường quốc tế. Nước Nga có tiềm năng to lớn về dầu khí, khoa học kỹ thuật và chinh phục vũ trụ, nền kinh tế Nga ít chịu ảnh hưởng của những cơn bão suy thoái... Tất cả điều đó hứa hẹn một vị trí cao hơn của nước Nga trong tương lai.

-Xin cảm ơn ông!

Công Kiên (thực hiện)

Tin mới