Nghệ An chủ động bố trí lại chức danh Phó Chủ tịch UBND xã theo quy định

(Baonghean) - Gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin Nghệ An “ thừa”  179  phó chủ tịch (PCT) UBND  cấp xã. Trên thực tế số cán bộ này không phải do bổ nhiệm “ thừa” mà họ thuộc diện phải bố trí, sắp xếp lại theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương (có hiệu lực từ 1/1/2016) và Nghị định 08/2016/NĐ-CP của Chính phủ...
Dôi dư do thực hiện theo Luật và Nghị định mới
Thực tế, từ trước đến nay, việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ cấp ủy, chính quyền các cấp đều phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định, hướng dẫn, nghị định, thông tư của Đảng, Nhà nước. Và việc bổ nhiệm hay sắp xếp, bố trí lại đối với chức danh phó chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn cũng không phải là ngoại lệ.
Cán bộ xã Yên Na ( Tương Dương) chia sẻ niềm vui được mùa với người dân, ảnh Nhật Lân
Cán bộ xã Yên Na ( Tương Dương) chia sẻ niềm vui được mùa với người dân, ảnh Nhật Lân
Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 việc bổ nhiệm các chức danh phó chủ tịch UBND cấp xã ở Nghệ An được thực hiện theo Nghị Định 107/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định số lượng phó chủ tịch và cơ cấu UBND các cấp. Theo đó UBND xã miền núi, hải đảo có dân số từ 5.000 người trở lên, xã đồng bằng, trung du có dân số 8.000 người trở lên sẽ được bố trí 2 phó chủ tịch.
 Tuy nhiên, bước sang nhiệm kỳ 2016 - 2021, đối với chức danh phó chủ tịch UBND cấp xã, Nghị định 08/2016/NĐ-CP (Điều 7, Chương II) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (Điều 34, 62, 69)  quy định: UBND xã, phường, thị trấn loại 2 và loại 3 chỉ bố trí 1 phó chủ tịch. Sự thay đổi này sẽ kéo theo một thực tế dôi dư người tại các phường, xã đã thực hiện bố trí 2 phó chủ tịch UBND xã theo Nghị định 107 trước đây.
Qua thống kê, rà soát, toàn tỉnh có 179 phường xã, thị trấn “dư” ra 1 phó chủ tịch thuộc diện buộc phải sắp xếp, bố trí lại theo quy định mới.
Lãnh đạo xã Hạnh Dịch ( Quế Phong)
Lãnh đạo xã Hạnh Dịch ( Quế Phong) hướng dẫn người dân về những lợi ích của việc tham gia dự án trồng mây xuất khẩu.
 Đây là vấn đề nảy sinh khi thực hiện nghị định và luật mới thay thế nghị định cũ và không riêng gì Nghệ An mà tất cả các tỉnh thành trong cả nước đều phải đối mặt với thực tế dôi dư này. Số lượng dôi dư nhiều hay ít phụ thuộc vào diện tích, dân số, địa giới hành chính của từng địa phương, vùng miền. Chẳng nói đâu xa, ngay các tỉnh lân cận như: Tỉnh Thanh Hóa qua thống kê, rà soát có 161 cán bộ thuộc diện bố trí, sắp xếp lại theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, tỉnh Hà Tĩnh cũng có 91 trường hợp thuộc diện này...
Mục đích của việc sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ nói chung, chức danh phó chủ tịch UBND cấp xã nói riêng là để tinh gọn dần bộ máy, tiến tới nâng cao năng lực, hoàn thiện chính quyền địa phương. Và việc rà soát, thống kê 179 phó chủ tịch UBND cấp xã thuộc diện tinh giản để có phương án bố trí, sắp xếp lại phù hợp là triển khai theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương chứ không phải “bỗng nhiên” phát hiện “thừa” hay do trước đây đã bổ nhiệm “thừa”, bổ nhiệm trái quy định. 
Chủ động các phương án sắp xếp, bố trí lại phù hợp
Ngay từ đầu tháng 4 năm 2016, Sở Nội vụ đã có Công văn số 470/SNV-XDCQ về việc bố trí cán bộ cấp xã sau đại hội Đảng và thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương gửi các huyện, thành, thị trong đó yêu cầu các địa phương căn cứ theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã của UBND tỉnh Nghệ An và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bố trí số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã theo đúng quy định.
Cán bộ xã Nam Tân ( Nam Đàn) kiểm tra mô hình trồng dưa hấu vụ xuân
Cán bộ xã Nam Tân ( Nam Đàn) kiểm tra mô hình trồng dưa hấu vụ xuân ( ảnh Thanh Lê)
 Đối với các xã loại 2,3 đã bố trí 2 phó chủ tịch UBND xã thì ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị căn cứ vào nghị quyết 02-NQ/TU ngày 15/3/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý giai đoạn 2016 - 2020; tình hình thực tế tại địa phương và trình độ đào tạo, năng lực công tác để có phương án bố trí, sắp xếp lại cán bộ.
Ông Đậu Văn Thanh - Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội Vụ cho biết: Với tinh thần chủ động nhưng thận trọng, Sở Nội vụ và chính quyền các huyện đã tích cực tham mưu cho tỉnh phương án bố trí hợp lý chức danh cán bộ là PCT xã theo quy định mới của luật nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với các chính sách của nhà nước và giữ ổn định tình hình tại các địa phương. Trong đó quan trọng nhất vẫn là làm tốt công tác tư tưởng để các cán bộ thuộc diện phải bố trí, luân chuyển, sắp xếp lại yên tâm công tác. Đến thời điểm này cơ bản mọi việc đều thuận lợi.
Căn cứ trên tình hình thực tế và đề xuất của các địa phương, các phương án sắp xếp, luân chuyển các phó chủ tịch thuộc diện phải tinh giản được thực hiện như sau: Thứ nhất, rà soát đánh giá năng lực, phẩm chất của cán bộ để bố trí vào các chức danh lãnh đạo phù hợp, tương đương như ( bí thư, phó bí thư, phó chủ tịch HĐND cấp xã...).
Thứ hai, đối với cán bộ có năng lực cơ bản có thể bố trí vào các chức danh thuộc các phòng ban cấp huyện. Số còn lại bố trí các chức danh thuộc công chức cấp xã  dựa trên năng lực, kinh nghiệm, sở trường và nhu cầu thực tế tại địa phương.
Cán bộ xã Nghi Trung ( Nghi Lộc) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, ảnh Thanh Lê
Cán bộ xã Nghi Trung ( Nghi Lộc) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, ảnh Thanh Lê
Thứ 3, đối với số cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu nếu có nhu cầu sẽ được tạo điều kiện giải quyết chế độ. Ngoài ra có thể tính đến phương án luân chuyển sang xã khác trong huyện nếu những xã đó còn khuyết các chức danh tương đương
Hiện nay, trong số 179 phó chủ tịch UBND xã cần sắp xếp, bố trí lại: có 125 người được chuyển sang làm công chức xã, 1 người lên làm bí thư đảng ủy xã; 5 người làm phó bí thư đảng ủy xã, 23 người có phương án bố trí làm phó chủ tịch HĐND xã, 4 người nghỉ việc chờ hưu, 21 người có phương án  bố trí các vị trí khác như: Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã, ủy ban MTTQ xã, hội nông dân...
Như vậy, việc Nghệ An chủ động thống kê, rà soát số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã để có phương án sắp xếp, bố trí lại theo yêu cầu mới được quy định tại Nghị Định 08 của Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015  là hoàn toàn bình thường và phù hợp với thực tiễn.
Đây cũng là tiền đề để cụ thể hóa Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức  từ nay đến năm 2021.
Gia Huy

Tin mới