Nghệ An đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật phòng cháy, chữa cháy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đoàn giám sát Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được và ghi nhận những bất cập, vướng mắc mà tỉnh Nghệ An nêu lên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Chiều 10/7, đoàn giám sát Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong giai đoạn 2020-2022 tại Nghệ An.

Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí: Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội; Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An...

Làm việc với đoàn, về phía UBND tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành.

bna_IMG_6763.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát với UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

NGƯỜI DÂN HĂNG HÁI, TÍCH CỰC THAM GIA CÔNG TÁC PCCC

Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội, Phó Giám đốc Công an Nghệ An cho biết, giai đoạn 2020 - 2022, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành 3 Nghị quyết, 3 Kế hoạch; ban hành 39 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 99.

Bám sát chỉ đạo và các nhiệm vụ được giao, cấp ủy Đảng, UBND các cấp đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện nghiêm túc; qua đó, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân đối với công tác PCCC và CNCH; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

bna_IMG_6809.jpg
Đại tá Nguyễn Duy Thanh - Phó Giám đốc Công an tỉnh trình bày báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Nghệ An đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH; Thường xuyên quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn tỉnh… tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 19.000 hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tạo lối thoát nạn thứ 2 theo quy định; xây dựng được 809 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC; 386 mô hình Khu dân cư an toàn PCCC; 16 mô hình Trường học an toàn PCCC; 6 mô hình Rừng an toàn PCCC; 5 mô hình Chợ an toàn PCCC và 1.987 điểm chữa cháy công cộng...

bna_IMG_6821.jpg
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Tỉnh đã tổ chức 9 đợt kiểm tra liên ngành và 58 đợt kiểm tra chuyên đề; tổ chức 182.472 lượt kiểm tra định kỳ. Qua kiểm tra, đã ban hành 16.433 văn bản kiến nghị cơ sở khắc phục; lập 1.423 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt, thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền hơn 4 tỷ đồng; tiến hành tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với 211 lượt cơ sở có vi phạm nghiêm trọng trong công tác PCCC và CNCH.

Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy và CNCH, qua đó, góp phần hiệu quả kéo giảm số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra trên địa bàn tỉnh.

bna_IMG_6827.jpg
Đồng chí Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Kết quả từ năm 2020 đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 252 vụ cháy, làm chết 10 người, thiệt hại về tài sản khoảng 22 tỷ đồng, so với cùng kỳ giai đoạn 2017 - 2019, giảm 13 vụ cháy, giảm hơn 14 tỷ đồng thiệt hại.

Tỉnh Nghệ An cũng thắng thắn đánh giá, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC tại một số địa bàn chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng; Việc xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC còn gặp một số khó khăn. Một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, chưa chủ động trong triển khai các mặt công tác PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”.

bna_IMG_6885.jpg
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Tuấn Dũng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Phạm Bằng
bna_IMG_6847.jpg
Ông Trần Anh Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An nêu lên những vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định về PCCC đối với doanh nghiệp, người dân. Ảnh: Phạm Bằng

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác đồng tình với những kết quả, tồn tại trong báo cáo của tỉnh; đồng thời, đề nghị làm rõ những chính sách cụ thể của tỉnh cho công tác PCCC; việc xử lý các cơ sở vi phạm; chủ trương xã hội hóa về PCCC; việc phối hợp của lực lượng tại chỗ với lực lượng PCCC chuyên ngành; vướng mắc, bất cập trong thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC...

Lãnh đạo các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đã giải trình, làm rõ các nội dung mà đoàn giám sát nêu; đồng thời, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC.

HUY ĐỘNG CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC TRONG CÔNG TÁC PCCC

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trao đổi một số kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023; làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đề nghị Trung ương tháo gỡ các bất cập cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện Quy chuẩn 06:2022 của Bộ Xây dựng.

bna_IMG_6790.jpg
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Xác định các vụ cháy gây ra hậu quả, tổn thất lớn, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, có hiệu quả công tác PCCC. Trong giai đoạn 20202-2022, với một địa phương còn gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nghệ An đã thực hiện trên 70% nội dung trong Nghị quyết số 99 mà Quốc hội quy định.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thực hiện tốt, hiệu quả Nghị quyết số 99, công tác PCCC, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

bna_IMG_6690.jpg
Đoàn giám sát tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Kết luận cuộc làm việc, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện 9 nội dung trong Nghị quyết số 99 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng đánh giá cao ý kiến của tỉnh Nghệ An liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các quy định về PCCC. Đoàn giám sát sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, nghiên cứu, tổng hợp để báo cáo với Quốc hội nghiên cứu sửa đổi các quy định sát với thực tiễn, góp phần đảm bảo công tác PCCC hiệu quả.

bna_IMG_6760.jpg
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Thời gian tới, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản của Trung ương về công tác PCCC; tăng cường công tác tuyên truyền; quan tâm việc phân công trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương để huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong công tác này.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhà nước về PCCC; tiếp tục thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép trong công tác PCCC; xác định vai trò, trách nhiệm, xử lý các bất cập và các vi phạm trong thẩm quyền; xử lý các cơ sở trên địa bàn không đảm bảo về yêu cầu PCCC.

bna_IMG_6883.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tham gia cuộc làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

UBND tỉnh Nghệ An cũng cần tiếp tục quan tâm đến lực lượng cảnh sát PCCC và lực lượng dân phòng chuyên trách với quan điểm xây dựng lực lượng đủ sức, cùng với toàn dân thực hiện nhiệm vụ PCCC.

Tin mới