Nghệ An: Đổi thay trên những tuyến đường chiến lược

(Baonghean) - Việc đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nâng cấp hơn 700 km từ tỉnh lộ thành quốc lộ ở  Nghệ An đã thu hút nguồn vốn lớn hàng năm của Trung ương để đầu tư sửa chữa công trình đường bộ, giảm tải áp lực về ngân sách cho tỉnh, góp phần kết nối giao thông, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Người dân được hưởng lợi

Quốc lộ 48E được điểm đầu Km0+00 tại Lạch Cờn, xã Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, điểm cuối xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc (Km 4+900/QL.46) có tổng chiều dài 213,35 km là tuyến giao thông huyết mạch nối các huyện từ huyện Nghi Lộc đến thị xã Hoàng Mai. Những năm trước nhiều đoạn trên tuyến đường này bị xuống cấp nghiêm trọng, trời nắng thì bụi, trời mưa thì thành những hố nước trên mặt đường gây mất an toàn giao cho người và các phương tiện khi lưu thông.  Mặc dù đường xuống cấp hàng chục năm trời nhưng do không có nguồn vốn để sửa chữa nên càng ngày càng hư hỏng nghiêm trọng. 

Sau khi được Bộ Giao thông Vận tải có quyết định nâng cấp thành Quốc lộ 48E, từ đầu năm 2017, tuyến đường này đã được đầu tư trên 82, 2 tỷ đồng từ nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương để sửa chữa hư hỏng, nền mặt đường, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông trên 49km. Đến nay, nhiều đoạn trên Quốc lộ 48E đã được nâng cấp sửa chữa xong, tạo điều kiện cho người và các phương tiện tham gia giao thông rất thuận tiện.  

“Đường bị hư hỏng nặng, đi lại khó khăn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân. Nhân dân kiến nghị với các cấp rất nhiều năm rồi, nhất là qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng không giải quyết được gì do không có nguồn vốn đầu tư. Giờ đây con đường “đau khổ” đã được nâng cấp đảm bảo lưu thông và vận chuyển hàng hóa an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bà con phấn khởi lắm”. - Anh Trần Văn Hải, xã Hoa Thành (Yên Thành) cho biết.

Đến các xã Nghĩa Khánh, Nghĩa An của huyện Nghĩa Đàn, con đường vận chuyển nguyên liệu mía và dứa xuống cấp trầm trọng, nay đã được nâng cấp mở rộng, mặt đường được rải nhựa cùng với hệ thống an toàn giao thông được lắp đặt hoàn thiện. Cũng cung đường này, năm 2016 trở về trước, tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng bởi do đường vận chuyển nguyên liệu, xe tải trọng lớn thường xuyên qua lại, hơn nữa nhiều đoạn được xây dựng từ năm 1998: Mặt đường đá dăm nước bị bong tróc, nền tuyến bị sụt, lún, lồi lỏm, gập ghềnh, ảnh hưởng rất lớn đến lưu thông của người dân.

Đường tỉnh lộ 538 qua địa phận huyện Yên Thành được chuyển thành quốc lộ 7B. Ảnh tư liệu
Đường tỉnh lộ 538 qua địa phận huyện Yên Thành được chuyển thành quốc lộ 7B. Ảnh tư liệu

Mặc dù đơn vị quản lý tuyến đã đề xuất với các cấp nhiều lần về việc bổ sung nguồn vốn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, nhưng rất khó khăn vì thiếu nguồn kinh phí. Và, khó khăn hàng chục năm trời đã được khắc phục, khi tuyến đường này được nâng cấp thành Quốc lộ 48E vào cuối năm 2016.  Bước đầu 7km đoạn qua các xã Nghĩa Khánh, Nghĩa An đã được mở rộng từ nền đường từ 3,5 lên 6,5m, mặt, nền đường hư hỏng được sửa chữa, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, sửa chữa gia cố  rãnh thoát nước...  

Ông Phan Văn Tý - Phó Giám đốc Cty CPQL&XD Cầu đường Nghệ An, đơn vị quản lý tuyến đường này cho biết:  “Sự chuyển đổi từ đường tỉnh thành quốc lộ có tác động rất lớn đến việc quản lý, nâng cấp các tuyến đường. Khi nâng lên đường quốc lộ có nguồn kinh phí phân bổ vốn hàng năm để thực hiện công tác  duy tu bảo dưỡng, chương trình, kế hoạch sửa chữa với nguồn vốn được tăng lên, nhất là đầu tư vào sửa chữa định kỳ. Một số đoạn do đơn vị quản lý đã được nâng cấp từ mặt đường đá dăm lên mặt đường láng nhựa đảm bảo. Đây là thuận lợi cho đơn vị quản lý bảo dưỡng, cũng như việc đảm bảo ATGT cho người dân”.  

Ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho rằng, các tuyến đường đoạn qua huyện Nghĩa Đàn được nâng lên thành quốc lộ và được nâng cấp sửa chữa đưa vào sử dụng đã đáp ứng mong đợi của người dân địa phương, giải quyết được bức xúc nhiều năm qua của cử tri địa phương. Đồng thời là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã trên tuyến cũng như huyện Nghĩa Đàn phát triển.

Một trong những thành công của Sở Giao thông Vận tải trong năm 2016 là tập trung rà soát, hướng tuyến và quy hoạch mới nhiều tuyến đường. Đồng thời Sở đã tham mưu cho Bộ GTVT phê duyệt, nâng cấp đường tỉnh lên quốc lộ, gồm: quốc lộ 16, 48D, 48E, 7B, 46C với tổng chiều dài gần 700 km.

Sau khi được nâng lên thành đường Quốc lộ, hiện nay các tuyến đường đã được đồng loạt triển khai nâng cấp, sửa chữa. Riêng trong năm 2017, Nghệ An được Trung ương hỗ trợ 176 tỷ đồng sửa chữa 64 km các tuyến đường quốc lộ. Các tuyến đường đều được khởi công sửa chữa từ tháng 2/2017 đến nay cơ bản đã thi công xong và bàn giao cho đơn vị quản lý đưa vào sử dụng.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Kết quả trên cho thấy, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, Sở Giao thông Vận tải đã chủ động, sáng tạo trong nắm bắt thời cơ để thu hút hàng năm từ 300-400 tỷ đồng nguồn vốn của Trung ương về với địa phương để đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường giao thông này.

Đây là những tuyến đường có tính chiến lược lâu dài, kết nối các trục tăng trưởng, tạo động lực để thúc đẩy thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế, đồng thời góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Hơn nữa, việc được nâng cấp gần 700 km đường tỉnh thành quốc lộ, chính là thuận lợi lớn nhất trong việc thu hút nguồn vốn từ Trung ương để đầu tư cho sửa chữa định kỳ, nâng cấp mặt đường, duy tu bảo dưỡng thường xuyên… mà trước đây không thể thực hiện được bằng nguồn ngân sách của tỉnh. Cùng với đó, ngành đã tham mưu UBND tỉnh chuyển một số tuyến đường huyện (với tổng chiều dài là 470 km) lên đường tỉnh, “gỡ khó” về nguồn vốn cho các địa phương. 

QL 48E đoạn qua huyện Nghĩa Đàn được nâng cấp. 	Ảnh: Thanh Lê
QL 48E đoạn qua huyện Nghĩa Đàn được nâng cấp. Ảnh: Thanh Lê

Theo ông Phan Hải Châu - Phó Giám đốc Ban Quản lý vốn sự nghiệp kinh tế giao thông (Sở Giao thông Vận tải): Sau khi chuyển đổi đường tỉnh thành quốc lộ, Bộ Giao thông Vận tải ủy thác cho Sở Giao thông Vận tải Nghệ An quản lý. Theo đó, trên các tuyến đường này có các đơn vị quản lý, duy tu bảo trì thường xuyên. Với chức năng, nhiệm vụ được giao phó, Ban Quản lý vốn sự nghiệp kinh tế giao thông thường xuyên phân công cán bộ bám hiện trường, chỉ đạo các đơn vị quản lý xây dựng kế hoạch, đề xuất kế hoạch sửa chữa các tuyến đường để trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam bố trí nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, đảm bảo giao thông đi lại an toàn.

Sở đã chỉ đạo đơn vị quản lý chặt chẽ nguồn vốn, đầu tư các vị trí phải hiệu quả, mang tính xã hội cao, nên công trình khi đưa vào sử dụng phải đạt được chất lượng, kỹ thuật và mỹ quan. Đồng thời, Sở cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra hướng dẫn công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống đường huyện, chỉ đạo phối hợp trong công tác đảm bảo giao thông các tuyến đường do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh.

Cách làm sáng tạo trong thu hút các nguồn vốn của Trung ương thông qua việc nâng cấp các tuyến quốc lộ sẽ tạo điều kiện về nguồn vốn để sửa chữa công trình đường bộ trên địa bàn tỉnh. Đây là nỗ lực của Nghệ An nhằm giảm áp lực ngân sách tỉnh cho kinh phí duy tu bảo dưỡng giao thông. Việc làm này đã mang lại hiệu quả rất lớn, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế- xã hội, mở ra hướng phát triển mới cho tất cả các vùng, miền trong thời gian tới theo hướng bền vững, có hiệu quả cao. 

Thanh Lê

TIN LIÊN QUAN

Tin mới