Nghệ An: Gần 100 lễ hội chưa được cấp phép tổ chức

(Baonghean.vn) - Thông tin này được nêu ra tại cuộc làm việc của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh với Sở Văn hóa – Thể thao theo chương trình khảo sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh chiều 29/3.
Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan chủ trì tại cuộc làm việc.
Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan chủ trì tại cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Theo báo cáo từ Sở Văn hóa - Thể thao, trên địa bàn tỉnh có 126 lễ hội, trong đó có 29 lễ hội được cấp phép tổ chức. Như vậy, hiện tại, toàn tỉnh còn có 97 lễ hội chưa được cấp phép hoạt động tổ chức lễ hội.

Nhìn chung, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đã tạo được những chuyển biến tích cực. Về  phần lễ được tổ chức trang nghiêm và phần hội sôi động; gắn với đó là không gian lễ hội được quy hoạch quy cũ, đảm bảo an ninh trật tự và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, thông qua hoạt động khảo sát thực tế một số lễ hội ở huyện Kỳ Sơn, Yên Thành, Thanh Chương, Hưng Nguyên…Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng nêu lên một số băn khoăn về việc quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay.

Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, thành viên đoàn khảo sát nêu vấn đề, hiện tại, các lễ hội thường gắn với các di tích lịch sử - văn hóa và theo quy định, tại các lễ hội phải được bố trí hướng dẫn viên giới thiệu các giá trị lịch sử - văn hóa di tích. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được chú trọng tại các lễ hội, trong khi đó, đối tượng thu hút ở các lễ hội chủ yếu là người trẻ, nhưng lại không hiểu về truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương, của dân tộc.

Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng cho rằng, chủ trương trả lễ hội về cộng đồng, nhân dân là chủ thể các lễ hội, song các lễ hội thường được tổ chức theo truyền thống, trùng vào ngày làm việc. Điều này vô hình chung tách một lực lượng là cán bộ, công chức, viên chức và học sinh ra khỏi lễ hội.

Vì vậy có nên đặt vấn đề cần nghiên cứu điều chỉnh thời gian tổ chức lễ hội phù hợp, tạo điều kiện cho tất cả người dân được tham gia vào các hoạt động trên chính địa bàn.

Dịch vụ vui chơi của trẻ em được bố trí ngay trên hành lang ATGT tại lễ hội đền Bạch Mã (Thanh Chương)
Dịch vụ vui chơi của trẻ em được bố trí ngay trên hành lang ATGT tại lễ hội đền Bạch Mã (Thanh Chương)

Một số thành viên đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng nêu một số hạn chế, như việc quy hoạch tại lễ hội đền Quả Sơn (Đô Lương) chưa khoa học; hướng dẫn phần hội tại Đền Hoàng (Yên Thành) chưa đảm bảo văn minh; ở lễ hội Đền Hoàng Mười vẫn còn tình trạng chèo kéo du khách, gây phản cảm…

Đặc biệt  vẫn còn tình trạng thương mại hóa trong các trò chơi và chưa quản lý tốt các dịch vụ tâm linh tại các lễ hội… Ngoài ra còn có một số vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý giá cả các dịch vụ tại lễ hội cũng được một số thành viên nêu. Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh cũng băn khoăn về việc vẫn còn gần 100 di tích chưa được cấp phép tổ chức hoạt động lễ hội.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh thừa nhận một số tồn tại, hạn chế tại các lễ hội
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh thừa nhận một số tồn tại, hạn chế tại các lễ hội. Ảnh: Minh Chi

Thừa nhận thực trạng một số dịch vụ tâm linh chưa được quản lý chặt chẽ, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, cho rằng, hiện tại Bộ cũng chưa ban hành quy định quản lý hoạt động này và ở cấp tỉnh cũng chỉ mới ban hành quy định quản lý, sử dụng công đức.

Cũng theo bà Mỹ Hạnh, để quản lý tốt các hoạt động tại lễ hội, đảm bảo an toàn, văn minh thì không chỉ riêng trách nhiệm của ngành văn hóa – thể thao mà cần sự quan tâm vào cuộc phối hợp của liên ngành trong quản lý giá cả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an toàn giao thông…

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh cũng cho biết, hiện tại gần 100 lễ hội chưa được cấp phép thuộc quy mô nhỏ làng bản và xã, tuy nhiên, Sở cũng rất quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo các lễ hội này,

Kết luận tại cuộc làm việc, bên cạnh đánh giá cao những chuyển biến công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan, cũng nhấn mạnh: Toàn tỉnh có tổng số lễ hội lớn, vì vậy đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao cần rà soát lại tổng thể, nhất là các lễ hội do cấp huyện, xã, làng, bản quản lý, tổ chức để đưa ra một giải pháp quản lý thống nhất toàn tỉnh.

Thực phẩm bày bán tại lễ hội đền Bạch Mã. Ảnh: Minh Chi
Đoàn khảo sát tại khu vực bán thực phẩm tại lễ hội đền Bạch Mã. Ảnh: Minh Chi
Quá trình tổ chức, cả phần lễ và phần hội, Sở Văn hóa - Thể thao cần chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khai thác và phát huy nét văn hóa đặc trưng và đặc sắc của từng lễ hội; gắn với đó là phối hợp tốt với các địa phương kiểm soát chặt chẽ các trò chơi, tránh tình trạng đánh bạc trá hình; quan tâm công tác quy hoạch đảm bảo văn minh, lịch sự và trật tự, an toàn; chú trọng công tác tuyên truyền để người dân và du khách hiểu, từ đó lan tỏa những giá trị lịch sử văn hóa của di tích, của lễ hội trong cộng đồng.
Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở chủ động nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương quản lý tốt các dịch vụ tâm linh tại các lễ hội; đồng thời phối hợp tốt với các ngành, các địa phương, đảm bảo quản lý toàn diện các hoạt động tại lễ hội một cách hiệu quả nhất.

Tin mới