Nghệ An hoàn thành gần 4.000 nhà ở cho người nghèo trong vòng 6 tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Bằng tình cảm, trách nhiệm đối với những người nghèo, người khó khăn về nhà ở, cả hệ thống chính trị ở Nghệ An vào cuộc, sau 6 tháng đã huy động xây dựng gần 4.000 ngôi nhà cho người nghèo...

bna_ Thành Duy7.jpg
Lãnh đạo Bộ Công an, tỉnh Nghệ An và các đồng chí trong đoàn công tác thăm hỏi, trò chuyện với một chủ hộ ở xã Châu Khê được nhận nhà trong đợt này. Ảnh tư liệu Thành Duy

Những ngôi nhà được làm từ sự thấu hiểu, sẻ chia

Đầu tháng 8 vừa rồi, bốn mẹ con chị Hoàng Thị Hải, ở thôn 7, xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) được vào ở ngôi nhà mới kiên cố, khang trang.

Chị Hải chia sẻ: 5 năm chồng mất, một mình chị gánh vác cuộc sống 4 miệng ăn trong nhà, bởi 3 con đang tuổi học. Khi dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn, dù đất ở gia đình chỉ bị thu hồi một phần diện tích, nhưng do đất ở khu vực đồi núi, nhiều hộ gia đình sau khi đền bù đã di chuyển nơi ở mới; chị tủi vì nhà cửa xuống cấp, sạt lở và bốn mẹ con sinh sống nơi vắng vẻ cũng mong muốn di chuyển làm ngôi nhà mới, song “lực bất tòng tâm”, không ai san sẻ, “gánh vác” cùng mình trong những lúc thế này.

Cấp uỷ, chính quyền các cấp ở thị xã Hoàng Mai trao nguồn hỗ trợ xây dựng nhà cho chị Hoàng Thị Hải, ở thôn 7, xã Quỳnh Vinh  (1).jpeg
Cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc thị xã Hoàng Mai và xã Quỳnh Vinh làm lễ bàn giao nhà cho mẹ con chị Hoàng Thị Hải. Ảnh: CSCC

Thấu hiểu hoàn cảnh của mẹ con chị Hải, cấp uỷ, chính quyền xã Quỳnh Vinh và thị xã Hoàng Mai đã động viên, đồng thời cam kết hỗ trợ tiền làm nhà mới đã giúp chị có động lực làm ngôi nhà khang trang trị giá tổng 490 triệu đồng cùng với tiền hỗ trợ thêm từ nội ngoại, tiền tự có của mẹ con.

Ngày khánh thành nhà mới, mẹ con chị Hải xúc động khi được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể xã Quỳnh Vinh mua sắm thêm một số vật dụng gia đình như quạt điện, chăn màn, ấm chén…

Cũng trong tháng 8, tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, hai gia đình chị Vi Thị Lá, ở bản Thái Hòa và chị Ngân Thị Thuyến, ở bản Nam Sơn cùng vào nhà mới ở. Công trình ngoài kinh phí hỗ trợ của doanh nghiệp thông qua kêu gọi, kết nối của Đồn Biên phòng Môn Sơn (mỗi nhà 50 triệu đồng cộng với huy động anh em họ tộc), thì cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn trực tiếp thi công xây dựng nhà; cán bộ địa phương cùng người dân góp công san nền, đào móng, làm sân, vận chuyển từng viên gạch, xô cát, bao xi măng để xây dựng.

bna_ MH5.jpeg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn trực tiếp thi công làm nhà; cán bộ xã Môn Sơn động viên và tổ chức bàn giao nhà ở cho chị Vi Thị Lá, Vi Thị Lá, ở bản Thái Hòa. Ảnh: CSCC

Cùng với 3 hộ nghèo khó khăn về nhà ở nêu trên, trong vòng 6 tháng qua, toàn tỉnh đã có 3.940 gia đình được hỗ trợ về nhà ở mà ở cơ sở gọi là “nhà ở 21”. Gọi là “nhà ở 21”, bởi đây là những ngôi nhà được vận động, hỗ trợ xây dựng trên tinh thần chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo Chỉ thị số 21, ngày 17/01/2023 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Có thể nói, điều kiện kinh tế - xã hội ở từng vùng, địa phương và trên phạm vi toàn tỉnh Nghệ An đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng tiến bộ. Điều kiện sống của người dân theo đó ngày càng cải thiện và nâng lên. Song ở đâu đó vẫn còn những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn, éo le mà một ngôi nhà ở “kín trên, bền dưới” là mơ ước xa vời.

Từ sự thấu hiểu và bằng tình cảm, trách nhiệm, sự trăn trở làm sao giúp đỡ người nghèo cải thiện nhà ở, “an cư” để “lạc nghiệp”, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ nghèo đa chiều theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; trên cơ sở tham mưu của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 21 ngày 17/01/2023 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở”.

bna_ Thành Duy 1.jpg
Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp để làm nhà ở cho người nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Ảnh: Thành Duy

Triển khai thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp đã triển khai bài bản, trách nhiệm: Thành lập ban chỉ đạo ba cấp: Tỉnh, huyện và xã - do bí thư cấp ủy làm trưởng ban; ở khối, xóm, thôn, bản thành lập tổ công tác; tổ chức lễ phát động ở cấp tỉnh và nhiều địa phương; tiến hành tổng rà soát, phê duyệt đối tượng cần hỗ trợ làm nhà; đặc biệt là tuyên truyền, vận động hỗ trợ nguồn lực làm nhà cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Nghệ An huy động hơn 34.000 người tham gia ban chỉ đạo, tổ giúp việc từ tỉnh đến cơ sở phục vụ công tác vận động, hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh khẳng định: Điều đáng trân quý ở chương trình này là không có một tổ chức Đảng nào đứng ngoài cuộc; sự “dân vận khéo” của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã hiệu triệu được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Riêng ở cấp tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị đều đăng ký hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo với tổng 1.619 căn.

bna_ Thành Duy.jpg
Những ngôi nhà thực hiện từ nguồn vận động của lực lượng Công an đã hoàn thành bàn giao cho hộ nghèo bản Châu Sơn, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Duy

Tính đến ngày 10/8/2023, các tập thể, cá nhân trong, ngoài tỉnh đã đăng ký làm 12.568 căn nhà, tương ứng 637 tỷ đồng; trong đó số tiền thực tế đã vào tài khoản các cấp là 270 tỷ đồng (riêng cấp tỉnh là 137 tỷ đồng).

Trong tổng số 12.568 căn được các tập thể, cá nhân đăng ký, đã làm và bàn giao cho người dân vào ở là 3.940 căn, với tổng giá trị 197 tỷ đồng (nhiều hơn kết quả làm nhà của 2 năm 2021 – 2022 cộng lại). Trong tổng số nhà đã làm, trân trọng sự đóng góp nhiều nhất của ngành Công an với số lượng đăng ký 2.820 căn và đến nay đã làm xong cả 2.820 căn, hoàn thành trước mốc thời gian đề ra (19/8).

Không chỉ đóng góp về kinh phí, lực lượng Công an còn trực tiếp chủ trì thi công làm nhà lắp ghép cho người dân; cùng sự vào cuộc chung tay của cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở và người dân 6 huyện miền núi, tạo thành một “chiến dịch” đóng góp kinh phí, ngày công san nền, làm móng, đưa vật liệu vào xây dựng...

bna_ Cán bộ, công chức huyện Kỳ Sơn trực tiếp hỗ trợ ngày công làm nhà ở cho người nghèo.jpeg
Cán bộ, công chức huyện Kỳ Sơn và xã Bảo Nam, Nậm Cắn trực tiếp hỗ trợ ngày công làm nhà ở cho người nghèo. Ảnh: CSCC

Lồng ghép các nguồn lực làm nhà ở cho người nghèo

Qua rà soát của các địa phương, toàn tỉnh có khoảng 15.000 hộ cần hỗ trợ về nhà ở; trong đó làm mới khoảng 10.000 căn và sửa chữa 5.000 căn; yêu cầu đặt ra phải hoàn thành trong 3 năm 2023 - 2025.

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu này, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh, ngoài tập trung huy động nguồn xã hội hóa sẽ lồng ghép nguồn lực từ hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ làm nhà.

bna_ Minh Khôi .jpg
Công an vừa là lực lượng hỗ trợ nguồn lực, vừa trực tiếp thi công nhà ở lắp ghép cho người dân ở các xã biên giới. Ảnh: Minh Khôi

Đối với những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở mà không có nguồn đối ứng từ phía gia đình (bởi có thực tế có những hộ không thể có một đồng nào), không được nhận hỗ trợ từ nguồn vận động hoặc lồng ghép 2 chương trình, thì tỉnh chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ gia đình này nhận hỗ trợ nhà theo hình thức nhà lắp ghép “chìa khóa trao tay” như nhà của ngành Công an đã làm.

Phong trào làm nhà ở cho người nghèo theo Chỉ thị số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lan tỏa, trở thành cao trào, chiến dịch ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngoài giải quyết nhà ở cho người dân, cái được lớn hơn, theo phản ánh của cơ sở đã góp phần xây dựng khối đoàn kết, gắn bó, xích lại gần nhau giữa cán bộ với nhân dân, giữa người dân với người dân, thắt chặt tình làng nghĩa xóm “tối lửa, tắt đèn” có nhau; đặc biệt góp phần xây dựng hình ảnh cán bộ và các lực lượng vũ trang thật sự vì dân.

Tin mới