Nghệ An: Quán triệt chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho hơn 15.000 hộ nghèo, khó khăn về nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sáng 14/4, Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt các văn bản triển khai thực hiện.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu chính Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu chính Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Hội nghị được kết nối 433 điểm cầu từ tỉnh xuống cấp huyện, cấp xã (trong đó có 410 điểm cầu cấp xã) với 9.950 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, xã, tổ công tác thôn, bản tham dự.

HƠN 551 TỶ ĐỒNG ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ

Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 55.348 hộ nghèo (6,41% dân số) và 53.571 hộ cận nghèo (6,2% dân số), trong đó có trên 15.000 hộ có nhu cầu về xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Ngày 4/2 vừa qua, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ phát động vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023 - 2025. Đến nay, hệ thống các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn đã được Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai đồng bộ, chi tiết.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An quán triệt Chỉ thị số 21-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 01 của Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Chương trình vận động, hỗ trợ. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An quán triệt Chỉ thị số 21-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 01 của Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Chương trình vận động, hỗ trợ. Ảnh: Thành Duy

Hội nghị được tổ chức nhằm quán triệt tinh thần, nội dung, nhiệm vụ, phương pháp, thống nhất nhận thức và hành động trong việc thực hiện chương trình nhằm mục tiêu phấn đấu kêu gọi, vận động hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà theo lộ trình.

Trong đó, năm 2023 hỗ trợ 5.500 nhà (xây mới 5.000 nhà, sửa chữa 500 nhà); năm 2024 hỗ trợ 5.000 nhà (xây mới 3.500 nhà, sửa chữa 1.500 nhà) và năm 2025 hỗ trợ 5.200 nhà (xây mới 700 nhà, sửa chữa 4.500 nhà).

Cấp tỉnh và 100% đơn vị cấp huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, nhiều đơn vị đã bắt tay triển khai thực hiện chương trình rất quyết liệt, hiệu quả, tiêu biểu như: Công an tỉnh, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.

Tính đến ngày 12/4/2023, tổng đăng ký hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà theo chương trình vận động là 10.782 căn, tương đương 551,093 tỷ đồng. Sau hơn 2 tháng kể từ ngày phát động, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 1.200 nhà (gồm xây mới 1.194 nhà, sửa chữa 6 nhà).

Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An quán triệt Hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An quán triệt Hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: Thành Duy

Hội nghị đã nghe đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh quán triệt Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 10/02/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở và Kế hoạch số 01 của Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Chương trình vận động, hỗ trợ.

Tiếp đó, đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh quán triệt Hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

Đại tá Nguyễn Đức Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Đại tá Nguyễn Đức Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Tại hội nghị, lãnh đạo một số địa phương cấp huyện, xã, thôn, bản và Công an tỉnh đã phát biểu thảo luận, trao đổi công tác triển khai, tiến độ thực hiện, một số kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình thực hiện chương trình…

TRIỂN KHAI PHẢI PHÙ HỢP LÒNG DÂN

Phát biểu kết luận hội nghị, dẫn số liệu hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là 15.300 hộ gặp khó khăn về nhà ở đang rất mong mỏi an cư lạc nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh nhấn mạnh yêu cầu phải xem chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025, để triển khai thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

Với tâm thế đó, người đứng đầu Tỉnh ủy yêu cầu phải vào cuộc với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, cụ thể, bài bản, nghiêm túc. Đặc biệt hiện nay toàn tỉnh mới có 173/460 đơn vị cấp xã thành lập ban chỉ đạo, 563/3.801 khối, xóm, thôn, bản thành lập tổ công tác, do đó phải sớm thành lập để thực hiện chương trình có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc này; góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh rõ quan điểm, chương trình được triển khai phải hợp lòng dân. Qua đó, trong tổ chức thực hiện không được chạy theo thành tích, dẫn đến nhà chất lượng kém, không sử dụng được lâu dài; mà phải đảm bảo chất lượng của nhà ở hỗ trợ theo tiêu chí “3 cứng” (nền, móng cứng; khung, tường cứng; mái cứng) và tuổi thọ cao. Đồng thời, tuyệt đối không tạo thêm gánh nặng cho người nghèo, hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở được thụ hưởng.

Cùng với mức hỗ trợ xây mới là 50 triệu đồng/nhà, ban chỉ đạo các cấp cần vào cuộc quyết liệt, vận động thêm sự đóng góp của cộng đồng, dòng họ, địa phương; không được để các hộ được thụ hưởng phải mang thêm gánh nặng vay nợ khi làm nhà.

Các đại biểu tham gia hội nghị ở các điểm cầu. Ảnh: Thành Duy

Các đại biểu tham gia hội nghị ở các điểm cầu. Ảnh: Thành Duy

Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh cũng lưu ý trong quá trình thực hiện phải tuyệt đối không để xảy ra nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các hộ được thụ hưởng; tuyệt đối không được trục lợi; không để xảy ra sai phạm.

Đặc biệt, việc lựa chọn mẫu nhà được hỗ trợ xây dựng phải lắng nghe nguyện vọng của người dân. Hiện nay, mô hình nhà lắp ghép đang triển khai ở các huyện miền núi, vùng cao biên giới khó khăn rất hiệu quả; qua ghi nhận người dân rất phấn khởi đón nhận vì phù hợp với điều kiện.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý không tuyệt đối mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh, mà phải lắng nghe nguyện vọng người dân, nhất là khi triển khai tại các huyện vùng đồng bằng. Các hộ gia đình có thể lựa chọn phương án nhà ở lắp ghép hoặc các mẫu thiết kế định hình do Sở Xây dựng thẩm định, ban hành hoặc tham khảo các mẫu nhà ở thông dụng tại địa phương để lựa chọn quy mô và hình thức nhà ở phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hộ.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý chia vui với một hộ dân xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn được hỗ trợ làm nhà: Ảnh tư liệu: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý chia vui với một hộ dân xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn được hỗ trợ làm nhà: Ảnh tư liệu: Thành Duy

Nêu dẫn chứng từ thực tiễn sinh động làm nhà cho hộ nghèo ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… thời gian qua đã trở thành ngày hội, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh lưu ý không chỉ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, mà còn phải phát huy sức mạnh toàn dân tham gia thực hiện để giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở.

Các cơ quan, đơn vị tham gia, nhất là ban chỉ đạo cấp huyện, xã; tổ công tác ở thôn, xóm, khối, bản cần phối hợp nhịp nhàng, phân công, phân nhiệm rõ ràng; đặc biệt các tổ công tác ở thôn, xóm, khối, bản cần phải phát huy được vai trò rất quan trọng trong việc bình xét, lựa chọn hộ nghèo được thụ hưởng; công tác triển khai, tiếp nhận nguồn lực; xây dựng kế hoạch để huy động, phân công, bố trí lực lượng, tổ chức thực hiện.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tích cực tham gia xây dựng, nhà cho người dân. Ảnh tư liệu: Minh Khôi
Cán bộ, chiến sĩ Công an tích cực tham gia xây dựng, nhà cho người dân. Ảnh tư liệu: Minh Khôi

Trước hàng ngàn đại biểu tham dự tại hơn 400 điểm cầu trong toàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý mong muốn, các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt, vào cuộc một cách bài bản, để chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này thành một phong trào, ngày hội của toàn dân hướng về chăm lo cho người nghèo, giúp họ có nơi an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo; qua đó góp phần xây dựng tỉnh Nghệ An vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an sinh xã hội.

Những ngôi nhà mới xây dựng đảm bảo 3 cứng gồm nền cứng; khung, tường cứng; mái cứng. Ảnh tư liệu: Thành Duy
Những ngôi nhà mới xây dựng đảm bảo 3 cứng gồm nền cứng; khung, tường cứng; mái cứng. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Từ sau hội nghị quán triệt này, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện.

Tin mới