Nghề đan thuyền nan ở Quỳnh Phương

(Baonghean) - Về xã vùng biển Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai), không khó khăn gì để chúng tôi tìm được những xưởng sản xuất thuyền nan còn sót lại nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc thuộc khối Quyết Tiến. Hòa trong tiếng đục đẽo làm khung thuyền, những người thợ vẫn cần mẫn ngồi đan phên nứa, quét nhựa đường chống thấm nước cho những chiếc thuyền nan.
Xưởng sản xuất thuyền nan ở xã Quỳnh Phương.
Xưởng sản xuất thuyền nan ở xã Quỳnh Phương.
Cách đây 20 năm, nghề đan thuyền nan rất thịnh hành ở làng Dừa, Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai. Theo những người trong nghề thì nghề đan thuyền nan xuất hiện ở đây cả trăm năm nay do những người thợ từ Sầm Sơn (Thanh Hóa) mang vào. Ở Quỳnh Phương thời ấy, người ta thường dùng những chiếc thuyền thúng để ra biển đánh cá, nhà nào sang hơn thì dùng những chiếc thuyền nan dài do đó cả làng Dừa nhà nào cũng có người làm thuyền nan. Từ khi nghề đóng thuyền gỗ phát triển, ngư dân ít dùng thuyền nan hẳn. Nguyên nhân là do tuổi thọ 1 chiếc thuyền gỗ thường cả chục năm trong khi 1 chiếc thuyền nan cao lắm chỉ được 5 năm. Hơn nữa, nếu như 1 chiếc thuyền nan dài chỉ chở được 1 người thì 1 chiếc thuyền gỗ to có thể chứa được 10-15 lao động. Vì thế, nghề làm thuyền nan truyền thống ở làng Dừa ngày càng mai một. Năm 1990, cả làng Dừa còn 5 hộ làm thuyền nan nhưng từ năm 2008 đến nay chỉ còn có 2 gia đình theo nghề, đó là gia đình ông Hoàng Đức Lợi và gia đình ông Nguyễn Văn Chung (đều ở khối Quyết Tiến, phường Quỳnh Phương).
Là người làng Dừa, lại theo nghề từ khi học xong lớp 10 nên khi thấy nghề thuyền nan truyền thống đứng trước nguy cơ thất truyền, ông Hoàng Đức Lợi (sinh năm 1960) đã sang khối Quyết Tiến, phường Quỳnh Phương dựng xưởng đan thuyền nan. Những ngày đầu mở xưởng nghề ở vùng đất mới, đơn đặt hàng nhiều nên ông cùng 10 nhân công làm việc không xuể. Khi ấy, ngư dân vùng biển Quỳnh Phương và các vùng phụ cận thường đặt hàng ông làm những chiếc thuyền nan dài và cả thuyền thúng. Nhận thấy ông Lợi làm ăn được, một số người thợ làm ở xưởng của ông tự đứng ra mở xưởng làm thuyền nan nhưng chỉ có xưởng gia đình ông Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1960) trụ được đến giờ.
Nguyên liệu làm thuyền nan cũng khá thông dụng, chỉ là những cây tre, cây nứa. Người ta dùng những thanh nứa đan thành phên rồi dùng những thanh tre già dài chẻ đôi và hình thành chiếc thuyền thúng như ý muốn. Còn với thuyền nan dài thì phải kỳ công hơn vì khung thuyền yêu cầu phải là những thanh gỗ để thuyền được chắc chắn và an toàn khi ra khơi. Sau khi hình thành chiếc thuyền, người thợ sẽ bắt đầu quét mặt ngoài chiếc thuyền bằng nhựa đường (hoặc dầu gômazut) để chống thấm nước vào khoang thuyền.
Để hình thành nên hình dạng chiếc thuyền nan, một người thợ lành nghề phải làm việc cật lực trong 2 ngày nhưng để hoàn thiện nó phải mất 5 ngày (với thuyền thúng) và 25 ngày với thuyền nan dài. Khi hoàn thiện, một chiếc thuyền thúng có giá từ 2-3 triệu đồng, còn giá chiếc thuyền nan dài từ 20-25 triệu đồng. Thuyền nan dài chỉ đánh cá được ở vùng gần bờ nên chỉ phù hợp với những hộ đánh bắt cá nhỏ lẻ, không phù hợp để vươn khơi đánh cá dài ngày.
Hiện nay, mỗi năm xưởng của ông Lợi, ông Chung sản xuất được 30- 40 chiếc thuyền nan dài (không kể thuyền thúng) tạo việc làm cho 3-4 lao động địa phương với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Vốn là người đi biển nhưng vì sức khỏe yếu nên 10 năm qua, ông Hoàng Văn Nguyên (sinh năm 1968) quyết định bỏ nghề cá và quay sang làm thợ sản xuất thuyền nan ở xưởng của gia đình ông Chung. Tuy tiền công không thể bằng nghề đi biển được nhưng công việc ổn định đã giúp ông nuôi 2 đứa con học đại học ở Hà Nội. 
Hầu hết số thuyền nan của 2 gia đình này sản xuất ra chỉ tiêu thụ trên địa bàn phường Quỳnh Phương, nhưng sau những chiếc thuyền thúng ở Phú Yên, Khánh Hòa, ở đây cũng đã có 1 chiếc thuyền thúng được… xuất ngoại. Vừa cùng công nhân hoàn thiện chiếc thuyền nan mới, ông Lợi khoe: “Nhà tui đã bán được 1 chiếc thuyền thúng ra nước ngoài cho một người Pháp đó. Cách đây 5 năm về trước có một kỹ sư người Pháp làm việc ở Công ty xi măng Hoàng Mai thấy thuyền thúng đẹp nên đã đặt tui một chiếc để mang về Pháp. Nghe mô ông ấy mua thuyền thúng về để chèo đi dạo ở chiếc hồ nhỏ trong vườn”.
 “Thuyền nan dài ít người chuộng nên sản xuất không được bao nhiêu, ai đặt thì tui mới làm. Không biết sau ni còn giữ được nghề thuyền nan nữa không vì giờ chỉ toàn người già làm nghề còn thanh niên, trai tráng thì không ai muốn theo nghề. Tui có mấy thằng con trai mà chẳng có đứa mô chịu nối nghiệp mình”, ông Lợi thở dài. 
                                                                                                  Bài, ảnh: Duy Ngợi

Tin mới