Mỗi người dân hay mỗi nhóm làm nghề thường rải ghế trong một khu vực nhất định để dễ trông coi, quản lý. Ảnh: Huy Thư

Nghề 'rải ghế thu tiền' mùa lễ hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Mỗi dịp lễ hội truyền thống, người dân các địa phương trong tỉnh làm nghề cho thuê ghế xem hội lại hoạt động tích cực dù kiếm thu nhập từ dịch vụ này cũng khó nhọc, vất vả, không đơn giản như người ta nói là “rải ghế thu tiền”.

Nghệ An mỗi năm có hàng chục lễ hội lớn, tập trung chủ yếu vào mùa Xuân, với nhiều hoạt động văn hóa, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian, sôi nổi, hấp dẫn, thu hút hàng vạn người tham gia. Dịch vụ ăn theo lễ hội như bán hàng ăn, hàng quần áo, đồ chơi, trò chơi có thưởng cũng nở rộ… trong đó có dịch vụ cho thuê ghế ngồi xem hội.

Giải đấu bóng chuyền luôn hấp dẫn người xem ở các lễ hội truyền thống. Ảnh: Huy Thư

Giải đấu bóng chuyền luôn hấp dẫn người xem ở các lễ hội truyền thống. Ảnh: Huy Thư

Ngược xuôi theo lễ hội

Theo những người làm nghề, khi lễ hội truyền thống được khôi phục gắn liền với các giải thi đấu thể thao, đặc biệt là các giải bóng chuyền nam, nữ, các hội thi người đẹp, thanh niên thanh lịch thu hút lượng người xem rất lớn, nhu cầu về ghế ngồi tăng cao, đã phát sinh dịch vụ cho thuê ghế ngồi xem hội.

Lúc đầu, chỉ một số người dân quanh khu vực diễn ra lễ hội, như Lễ hội Đền Cuông (Diễn Châu), Lễ hội Đền Đức Hoàng, Lễ hội Đền chùa Gám (Yên Thành)… nhân buổi nông nhàn theo nghề kiếm thêm thu nhập. Họ chủ yếu di chuyển số ghế nhựa, ghế gỗ mà gia đình mình có sẵn ra đặt quanh sân thể thao phục vụ người xem.

Sau đó, thấy làm ăn thuận lợi, nhiều người mua sắm thêm ghế nhựa, ghế inox để cho thuê chuyên nghiệp. Các gia đình theo nghề sắm từ 100 đến 250, 300 chiếc ghế mang đi khắp các lễ hội trong tỉnh từ miền xuôi lên miền núi để cho thuê. Số lượng người dân làm dịch vụ này ở huyện Yên Thành và huyện Diễn Châu ngày càng đông. Hiện nay, trong các lễ hội thường có cả người dân cho thuê ghế chuyên nghiệp, lẫn người dân gần di tích mang ghế đi “tranh thủ”.

Người dân rải ghế cho thuê quanh các sân thi đấu thể thao ở Lễ hội Đền Cuông 2023. Ảnh: Huy Thư

Người dân rải ghế cho thuê quanh các sân thi đấu thể thao ở Lễ hội Đền Cuông 2023. Ảnh: Huy Thư

Bà Đinh Thị Hòa (52 tuổi), quê ở xã Phúc Thành (Yên Thành) có mặt tại Lễ hội Đền Cuông, xã Diễn An (Diễn Châu) cho biết, dịp này, bà mang 100 chiếc ghế nhựa đến đền Cuông để cho khách thuê. Theo bà Hòa, để giành được dằm (chỗ) đặt ghế quanh các sân thể thao, người có ghế phải đến sớm, trước khi lễ hội chính thức diễn ra. Nói đúng hơn là khi các giải đấu thể thao khởi tranh, mặc dù chưa có người thuê, nhưng các chủ ghế phải rải ghế để giữ chỗ.

Tại Lễ hội Đền Cuông năm 2023, trên 4 sân thi đấu thể thao có hàng chục người dân làm dịch vụ cho thuê ghế, trong đó chủ yếu là phụ nữ, một số gia đình đi làm nghề cả vợ lẫn chồng. Họ đến từ nhiều huyện, trong đó hơn 2/3 số người làm nghề cho thuê ghế đến từ huyện Yên Thành.

Những chiếc ghế được ghi tên hoặc ký hiệu nhằm khẳng định chủ sở hữu. Ảnh: Huy Thư

Những chiếc ghế được ghi tên hoặc ký hiệu nhằm khẳng định chủ sở hữu. Ảnh: Huy Thư

Cũng theo bà Hòa, Lễ hội Đền Cuông diễn ra cùng thời điểm với Lễ hội Đền chùa Gám, nhưng năm nay lễ hội ở quê lúa, ban tổ chức hạn chế lượng ghế đưa vào sân, do đó, người dân làm dịch vụ này đã tập trung về đền Cuông. Từ sáng sớm, quanh các sân thể thao khu vực đền Cuông, ghế nhựa, ghế inox đã được bà con rải dày.

Những người cho thuê ghế ở đây tuân thủ nguyên tắc “ai đến trước thì đặt ghế trước”. Các chủ ghế quản lý ghế của mình bằng cách xếp ghế theo vùng nhất định. Trên ghế đã ghi tên hoặc ghi ký hiệu của từng người. Ngoài số ghế đã rải trên sân, các chủ ghế thường dựng các chồng ghế dự phòng quanh sân.

Mỗi người dân hay mỗi nhóm làm nghề thường rải ghế trong một khu vực nhất định để dễ trông coi, quản lý. Ảnh: Huy Thư

Mỗi người dân hay mỗi nhóm làm nghề thường rải ghế trong một khu vực nhất định để dễ trông coi, quản lý. Ảnh: Huy Thư

Theo bà con làm nghề, các trận bán kết, chung kết bóng chuyền, khách đến xem đông, số ghế trên sân thường được thuê hết, có khi không có ghế để phục vụ, đặc biệt là những lễ hội, khách xem hội được chồng ghế lên nhau, được đưa nhiều vật dụng vào sân để cơi nới chỗ đứng. Khách dùng ghế để ngồi hoặc đứng sẽ phải trả tiền cho chủ ghế. Chủ ghế thường thu tiền khi trao ghế cho khách. “Nếu trả ghế mới lấy tiền thì tan trận đấu bóng không thể lấy tiền nổi” – bà Hòa cho hay. Một số chủ ghế còn kèm dịch vụ bán thêm nước uống, sữa…

Anh Trần Văn Hòa (19 tuổi), ở xã Diễn Mỹ (Diễn Châu) đi cổ vũ cho đội bóng chuyền xã nhà tại Lễ hội Đền Cuông chia sẻ: Đi xem bóng chuyền chỉ mất 10.000 đồng là có ghế ngồi cả buổi, khỏi đứng mỏi chân, rất thuận tiện.

Kết thúc các buổi thi đấu thể thao, người dân làm nghề cho thuê ghế thường ngồi quanh sân trông ghế. Ảnh: Huy Thư

Kết thúc các buổi thi đấu thể thao, người dân làm nghề cho thuê ghế thường ngồi quanh sân trông ghế. Ảnh: Huy Thư

Vất vả nhọc nhằn từ nghề "rải ghế"

Suốt buổi thi đấu thể thao, chủ ghế phải khiêng ghế, đổi ghế, sắp xếp ghế, thu tiền. Năm nay, tại Lễ hội Đền Cuông, ban tổ chức không cho chồng ghế lên nhau, tránh tai nạn rủi ro, do đó, người đứng vòng ngoài không thuê thêm ghế, lượng ghế còn dư nhiều so với những năm trước. Những người làm nghề cho rằng, đã đưa số lượng ghế lớn đến lễ hội, có khi mất ăn, mất ngủ, mong nhiều người thuê. Cho thuê ghế ban đêm để xem khai hội, hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi thanh niên thanh lịch là phức tạp nhất, có khi không thu được tiền mà còn bị mất ghế.

“Những người địa phương ở gần di tích, đến buổi thi đấu họ chở ghế tới sân, trưa, tối họ về nhà ăn cơm, còn bọn tui ở xa đến khá vật vờ. Ban ngày ăn uống qua loa, trưa lo ngồi canh ghế, sợ mất ghế, đêm xếp ghế lại ngủ hoặc ngủ ké trên bạt với người bán hàng rong” – bà Hòa chia sẻ.

Những người dân làm nghề cho thuê ghế đến từ huyện Yên Thành tranh thủ chợp mắt trên những chiếc xe kéo, trên bờ tường tại Lễ hội Đền Cuông. Ảnh: Huy Thư

Những người dân làm nghề cho thuê ghế đến từ huyện Yên Thành tranh thủ chợp mắt trên những chiếc xe kéo, trên bờ tường tại Lễ hội Đền Cuông. Ảnh: Huy Thư

Để di chuyển được cả trăm chiếc ghế trên quãng đường hàng chục km, thậm chí cả trăm km, họ chồng ghế vào nhau, cột thành dây dài và sắp lên xe máy. Theo bà con, nếu thuê ô tô chở ghế đến lễ hội, chưa biết có cho thuê được hay không, có khi “tiền cưa lại to hơn tiền gỗ”.

Ông Nguyễn Văn Đương quê ở huyện Yên Thành cho thuê ghế tại đền Cuông cho hay, gia đình ông làm nghề này đã gần chục năm. Hai vợ chồng sắm và chở hơn trăm chiếc ghế nhựa đi khắp các lễ hội trong tỉnh để cho thuê. Những ngày qua, sau khi rời đền Bạch Mã ở huyện Thanh Chương, vợ chồng ông lại đưa nhau về Khu Di tích Làng Vạc (TX. Thái Hòa). Ngay sau khi kết thúc lễ hội, hai vợ chồng chở ghế về cả đêm, 12h đêm mới có mặt tại xã Phúc Thành.

Chồng ghế xem thi đấu thể thao ở Lễ hội Đền Đức Hoàng (Yên Thành). Ảnh: Huy Thư

Chồng ghế xem thi đấu thể thao ở Lễ hội Đền Đức Hoàng (Yên Thành). Ảnh: Huy Thư

Ông Đương cho biết, giải đấu bóng chuyền ở các lễ hội luôn thu hút đông người xem, một số lễ hội, dân làm nghề không đủ ghế để cho thuê. Phía trong sân, khách ngồi trên ghế. Ở ngoài sân, khách chồng 2 thậm chí chồng 3 ghế lên nhau. Ngoài ghế nhựa, ghế inox, ghế xếp, người dân các địa phương còn mang dàn giáo, xe bò lốp, xe công nông, xe ô tô… đến lễ hội để cho thuê “dằm đứng”. Lễ hội Đền Đức Hoàng ở xã Phúc Thành (Yên Thành) có muôn kiểu đứng xem hội, tất cả các loại ghế cho thuê đều đắt khách.

Tùy vào vị trí đặt ghế, giá cho thuê ghế giao động trên dưới 10.000 đồng. Một số lễ hội, ban tổ chức khống chế giá cho thuê ghế, khiến chủ ghế không thể lấy tiền theo ý muốn. Trong các lễ hội, giải đấu thể thao thường kéo dài từ 3 – 4 ngày cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con làm nghề. Anh Nguyễn Văn Đức ở xã Diễn An (Diễn Châu) chia sẻ: Nếu lễ hội đông, với hàng trăm chiếc ghế, mỗi buổi thi đấu, cũng kiếm được tiền triệu.

Người dân mang các vật dụng đến lễ hội tạo dằm đứng cho thuê. Ảnh: Huy Thư

Người dân mang các vật dụng đến lễ hội tạo dằm đứng cho thuê. Ảnh: Huy Thư

Nghề “rải ghế thu tiền” hấp dẫn nhiều người mùa lễ hội. Họ đi phục vụ khách xem hội hết nơi này đến nơi khác, bất chấp khó khăn, vất vả. Thời gian gần đây, các địa phương tăng cường việc chấn chỉnh các hoạt động lễ hội, nhằm đảm bảo an toàn cho người đi xem hội, đặc biệt là quy định không cho chồng ghế lên nhau, không cho mang vác dàn giáo vào sân… khiến bà con làm nghề “rải ghế” phải thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Tin mới