"Nghệ sỹ phải luôn tìm cái mới, cái đẹp"

(Baonghean) - Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Bùi Xuân Lương đã có quãng đời gần 50 năm cầm máy. Ông là Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Nghệ An từ ngày đầu thành lập (2005) cho đến 2010. Nhân kỷ niệm Ngày Thành lập ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3), P.V đã có cuộc trò chuyện với Nghệ sỹ Bùi Xuân Lương tại nhà riêng của ông ( phường Quang Trung- Thành phố Vinh).

 

- Thưa Nghệ sỹ Bùi Xuân Lương, đã có gần 50 năm cầm máy, ông có thể nhớ lại vài nét về nhiếp ảnh Nghệ An "xưa" không ạ?


- Nghệ sỹ Bùi Xuân Lương (N.S BXL): Hiệu ảnh đầu tiên có mặt trên đất Nghệ là hiệu ảnh của ông Trần Đình Quán (người Yên Thành) được mở tại phố Hoa Kiều của Thị xã Vinh những năm thuộc Pháp. Sau đó mới có thêm các hiệu ảnh: Bình Minh, Bình An, rồi sau này là Bạch Thái Quý khai trương "Việt Nam ảnh quán". Cũng chính ông Quý đã dạy nghề cho khá nhiều người và mở nhiều hiệu ảnh tại các huyện, thị. Năm 1959, xưởng Mỹ thuật Nhiếp ảnh Nghệ An ra đời, tập hợp đông đảo đội ngũ nhiếp ảnh thời sự, tư liệu với những tay máy kỳ cựu: Văn Đồng, Lệ Chi, Khoa Quả, Xuân Trường, Đặng Bính... Đây chính là tiền thân của nhiếp ảnh nghệ thuật Nghệ An. Năm 1960, triển lãm ảnh nghệ thuật lần đầu tiên được tổ chức tại Thị xã Vinh, mở đầu cho việc thành lập các hợp tác xã nhiếp ảnh trong toàn tỉnh như HTX Nhiếp ảnh Thị xã Vinh, huyện Nam Đàn, Đô Lương... Có thể kể tên những nhiếp ảnh gia trưởng thành từ các HTX ấy như: Lê Văn Vĩnh, Hữu Vinh, Kim Thoa, Phan Duật...


  "Nghệ sỹ phải luôn tìm cái mới, cái đẹp" ảnh 1

                     Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Xuân Lương

- Vậy con đường nào đã dẫn ông tới "nghiệp" ảnh? Trong quãng thời gian sáng tác của mình, ông tâm đắc và có những kỷ niệm sâu sắc với tác phẩm nào?


- Tôi sinh trong một gia đình làm ảnh. Cha tôi là Nhiếp ảnh gia Bùi Xuân Chất. Thưở nhỏ, tôi mê vẽ và có ý định đi học ngành Mỹ thuật, nhưng cũng có một số lí do nên không thể theo đuổi điều mình mơ ước. Tôi trở về, mưu sinh bằng nghề ảnh, bắt đầu là anh thợ ảnh trong gia đình. Sau khi bố tôi tham gia HTX Nhiếp ảnh, tôi cũng vào theo ông cụ. Thế rồi sau này,Ty Thông tin tỉnh thành lập và xin tôi về làm phóng viên ảnh của Ty. Tôi gắn bó với nghề từ đó. Nhưng từ một thợ ảnh tới một nghệ sỹ nhiếp ảnh, tôi phải đánh đổi nhiều mồ hôi, hơn thế, phải thực sự đam mê. Trong quá trình sáng tác, tôi có nhiều kỷ niệm về sự lăn lộn, vất vả chỉ để cho một khoảnh khắc thăng hoa. Ấy là bức "Vinh- xưa và nay" với hàng tuần liền đi qua chùa Diệc, đăm đắm nhìn những vết tích hố bom Mỹ và bên kia là những công trình mới xây của một Thị xã vừa trải qua đau thương, đang vươn dậy. Hay bức ảnh "Tàu về cảng mới" tôi cũng chờ hàng tuần cho một giây bấm máy khi con tàu Hồng Lam 6 vào để khánh thành Cảng Cửa Lò. Rồi những bức như "Bản Huồi Đun", "Nơi gặp nhau", "Trưa hè"..., là những bức ảnh khiến tôi vẫn còn nguyên nỗi xúc động.


- Vậy theo ông, một bức ảnh đẹp phải hội tụ những gì? Phẩm chất quan trọng nhất của người nghệ sỹ nhiếp ảnh?


- Một bức ảnh đẹp trước tiên phải ở nội dung nó phản ánh, rồi ánh sáng, bố cục và những chi tiết khác, đặc biệt là điểm nhấn. Ví dụ như chụp chân dung của Chủ tịch Fidel Castro, có nhiếp ảnh gia đã đặc tả thành công bộ râu và điếu xì gà. Trong nghề ảnh, theo tôi, chụp chân dung là khó nhất. Cái khó ở chỗ, phải chụp được cái "hồn" của nhân vật, mà cái "hồn" thì bạn biết đấy, không phải lúc nào cũng dễ bộc lộ và không phải ai cũng nắm bắt được. Và như vậy, để theo đuổi "nghiệp" ảnh, người nghệ sỹ phải có niềm đam mê. Say mê tìm tòi, khám phá, nắm bắt, thậm chí phải chịu nhiều hy sinh, có người sΩn sàng xả thân cho một khoảnh khắc lịch sử.


- Ông thấy mình đã "được" gì khi đeo đuổi nghề ảnh? Và xin ông chia sẻ về những trăn trở của một nghệ sỹ cầm máy trong giai đoạn hiện nay?


- Cái "được" chính là mình biết thêm một ngành nghệ thuật, và lúc nào tâm hồn cũng hướng về cái đẹp. Mỗi nghệ sỹ có một sở trường, niềm đam mê. Riêng tôi, tôi luôn đi tìm cái mới, cái đẹp: phong cảnh đẹp, con người đẹp... mà con người đẹp thì đâu chỉ có mỗi gương mặt, thân hình, cả tâm hồn đẹp nữa...


Trong giai đoạn hiện nay, niềm trăn trở của người nghệ sỹ cầm máy thì nhiều lắm, vì cái nghề này nó đòi hỏi lớn kinh phí, sức sáng tạo, và sự tiếp nhận liên tục với cái mới để khám phá, tìm tòi. Vậy nên, có 2 câu hỏi, trong lòng tôi cũng như trong lòng bao nhiếp ảnh gia khác, ấy là: biết chụp gì đây, và làm thế nào để "nuôi" được đam mê?


- Xin cảm ơn Nghệ sỹ Bùi Xuân Lương và cuộc nói chuyện thú vị này!

T.V (Thực hiện)

Tin mới