Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng

(Baonghean) - Trên tuyến đường 15A qua địa bàn xã Nam Lộc (Nam Đàn), có một ngôi đền nhỏ tựa vào núi Quải Bái, thuộc dãy Thiên Nhẫn. Phía trước là dòng sông Lam uốn lượn và tưới mát cho ruộng đồng, bờ bãi. Đó là đền Thống Chinh có lịch sử hàng trăm năm, là nơi thờ Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng người đã làm rạng danh cho vùng đất xứ Nghệ bởi tài năng và ân đức của mình...
 
Theo các tư liệu lịch sử đang được con cháu dòng họ Tống ở Nam Đàn lưu giữ, Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng (1487-?) quê ở làng Nam Hoa Thượng, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn). Cha mẹ ông sinh được 2 người con, ông là con thứ 2. Mặc dù gia cảnh nghèo, mồ côi cha năm 13 tuổi nhưng mẹ ông vẫn quyết tâm nuôi con ăn học thành tài. Không phụ tấm lòng người mẹ tảo tần và người cha đã khuất, Tống Tất Thắng luôn giữ vững ý chí, quyết tâm dùi mài kinh sử, luyện tập võ nghệ để trở thành người văn võ song toàn. Nhờ đó, năm 15 tuổi ông đã thi đỗ Hương Cống. Và 3 năm sau, Tống Tất Thắng có tên trong danh sách bảng vàng của khoa thi năm Ất Sửu (1505) dưới thời Vua Lê Uy Mục, được phong chức Thống Chinh nguyên súy bình Man trước khi lên đường vinh quy bái tổ. Sau đó, ông tiếp tục được giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình như Lại bộ Thượng Thư, Đông Các Đại học sỹ và được phong tước Nghĩa Quận công.

Sinh thời, Tống Tất Thắng tính tình cương trực, thông minh và văn võ song toàn nên luôn được triều đình Hậu Lê tin dùng. Mỗi khi có giặc Ai Lao, Chiêm Thành và Bồn Man quấy nhiễu biên thùy, nhà vua thường cử Tống Tất Thắng thống lĩnh ba quân vào trấn giữ vùng biên cương xứ Nghệ - cũng là mảnh đất quê hương ông. Bên cạnh đó, với những chức trách được giao, ông còn có công lớn trong việc củng cố triều chính, xây dựng niềm tin với muôn dân trăm họ. Một lần, giặc Bồn Man sang quấy rối vùng đất miền Tây xứ Nghệ, Tống Tất Thắng tiếp tục được nhà vua tin tưởng giao phó việc cầm quân đánh giặc. Với tài thao lược của Tống Tất Thắng, nghĩa quân Đại Việt nhanh chóng giành được thắng lợi và sớm ca khúc khải hoàn. Nhưng ông đã bị lâm bệnh và mất trên đường trở về. Sau khi ông mất, thi hài ông được an táng tại quê hương, nay thuộc làng Trung Cần, xã Nam Trung (Nam Đàn). Cảm phục trước tài năng, đức độ và công trạng của một người con quê hương, bà con làng Nam Hoa Thượng (nay là xã Nam Trung) quanh năm chăm sóc phần mộ của Tống Tất Thắng và tôn ông làm Thành hoàng. Từ đó, mỗi lần có giặc sang quấy nhiễu vùng biên cương xứ Nghệ, các vị tướng lĩnh được triều đình cử cầm quân đi dẹp giặc đều tìm đến làng Nam Hoa Thượng thắp hương trước mộ và ban thờ Tống Tất Thắng ở đình làng, cầu xin anh linh ông phù hộ giành chiến thắng. Năm 1995, đình Trung Cần và mộ Tống Tất Thắng ở xã Nam Trung được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Riêng đình Trung Cần được giới nghiên cứu đánh giá là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất Việt Nam.

Sắc phong của đền Thống Chinh đang được lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu (xã Nam Tân - Nam Đàn).

Đến năm 1553, trước công đức của Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng đối với triều đình, đất nước và nhân dân, Vua Lê Trang Tông đã xuống chỉ cho các làng ở vùng đất "Chín Nam" ngày nay lập đền thờ và hàng năm tổ chức tế lễ vào dịp 15- 2 Âm lịch theo nghi thức quốc tế (lễ tế mang tầm quy mô quốc gia). Theo ông Tống Xuân Hùng (xóm 5, Khánh Sơn)- hậu duệ đời thứ 19 của Tống Tất Thắng, đền thờ Nghĩa Quận công được dựng dưới chân núi Quải Bái và được con cháu cùng nhân dân trong vùng hương khói quanh năm. Vào dịp trung tuần tháng 2 Âm lịch hàng năm, người dân khắp vùng đất "Chín Nam" và các vùng lân cận cùng nhau tề tựu về núi Quải Bái tham gia lễ hội. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, lễ rước diễn ra cả dưới sông (bằng thuyền) và trên bộ tạo nên không khí vừa linh thiêng, vừa náo nức. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, do chiến tranh ác liệt, người dân địa phương không có điều kiện chăm sóc, tu bổ thường xuyên nên đền Thống Chinh bị xuống cấp nghiêm trọng. Khoảng 10 năm trước, một người con của dòng họ Tống đã đầu tư kinh phí phục dựng lại đền.

Về ngôi đền Thống Chinh và sự nghiệp của Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng, theo ông Tống Xuân Hùng, hiện đang chứa đựng một vài điểm đặc biệt. Trước tiên, con cháu dòng họ Tống ở Nam Đàn (Nghệ An) và Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẫn còn lưu giữ được tổng số hơn 60 sắc phong của triều Hậu Lê và triều Nguyễn phong cho ông Tổ của mình. Trải qua nhiều thập kỷ vì chiến tranh, binh lửa, việc lưu giữ được chừng ấy sắc phong của một danh nhân không phải là chuyện dễ, có thể nói rất hiếm có ở vùng đất Nghệ.

Điều đặc biệt thứ hai, là trong cảnh mưa bom bão đạn, đền Thống Chinh bị xuống cấp, con cháu dòng họ Tống và người dân địa phương buộc phải sơ tán các đồ thờ tự, tế khí về nhà thờ họ Nguyễn Hữu ở xã Nam Tân, cách vị trí đền khoảng hơn 5km. Chúng tôi thật sự may mắn khi được tận mục sở thị các loại báu vật này, bao gồm long ngai, triều phục, mũ, hia, lọng, cờ, lao đao, bảo kiếm, chuông, khánh... vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, tại đây hiện còn lưu giữ hơn 20 sắc phong của các đời vua Cảnh Trị, Dương Đức, Chính Hòa, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Khánh, Cảnh Hưng, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái và Khải Định. Nội dung của các sắc phong kể trên đều tập trung ghi nhận và suy tôn công đức phò vua, giúp nước, an dân của Thống Chinh Chiêu Nghĩa Đại vương Tống Tất Thắng. Đó là những lời ca ngợi về đạo đức, tấm lòng khoan dung độ lượng, tính tình cương trực, trí thông minh, lòng quả cảm, uy danh lừng lẫy, danh tiếng vang đến muôn đời. Khi mất, anh linh của ông vẫn tiếp tục phù trợ các triều đại giữ vững giang sơn, thu phục bờ cõi, nên được phong bảo quốc trung thần, thượng thượng đẳng thần và rước vào đền để đời đời thờ phụng.

Thêm một điều đặc biệt nữa, tại đền Thống Chinh hiện còn lưu giữ được một tấm bia đá với tổng số gần 400 chữ Hán. Theo các dữ liệu ghi lại thì tấm bia này được khắc và dựng vào năm 1853, nhân dịp hoàn thành việc trùng tu đền. Tác giả của bài văn bia là Thám hoa Nguyễn Văn Giao và Giải nguyên Nguyễn Hữu Lập - các bậc đại khoa sinh ra và lớn lên trên vùng đất "Chín Nam". Nội dung văn bia (nguyên bản chữ Hán, tạm dịch) có đoạn: "Các danh sĩ, thi nhân đã từng đề thơ ca tụng lòng trung nghĩa và công đức to lớn không bao giờ phai của Ngài. 350 năm đã trải qua mà chính khí vẫn vang danh khiến lòng người càng mến mộ, khiến chúng ta vẫn cảm thấy như Người còn ở trên đời, chúng ta vẫn còn được gặp Người ở đây, trên bảng vàng khoa cử có tên Người ở hàng đầu.

Để tỏ lòng thương nhớ Người, đầu triều vua Tự Đức, nhà vua đã giao cho dân vùng quê cũ tôn tạo di tích ở Đàm Thủy, làm miếu, dựng bia đá đặng thể hiện tấm lòng tôn phục, thương nhớ kẻ hiền tài, đến mùa Thu năm Qúy Sửu rước anh linh Ngài về đền để tỏ lòng ngưỡng vọng.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tấm gương trung liệt của Ngài vẫn mãi mãi trong xanh như nước hồ Đàm Thủy".

Ông Tống Xuân Hùng cho biết thêm: "Hiện tại, con cháu dòng họ Tống đang tích cực sưu tầm tư liệu và phối hợp với chính quyền địa phương để lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cho đền Thống Chinh. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục trùng tu, nâng cấp đền thật sự xứng đáng với công đức của Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng; đồng thời, "kết nối" với hệ thống các Di tích lịch sử trên địa bàn huyện để phát triển du lịch, góp phần giúp du khách gần xa hiểu sâu hơn về mảnh đất Nam Đàn - một vùng quê địa linh nhân kiệt".

Công Kiên

Tin mới