Ngôi nhà tình thương ở Nam Thượng

(Baonghean) - Sau ba tháng tạm bợ dưới những tấm bạt che tạm sau khi nhà sập, vợ chồng Nguyễn Văn Đông (SN 1985) xóm 1 Nam Thượng (Nam Đàn) đã được ở trong ngôi nhà cao, thoáng trên nền đất bằng phẳng. Ngôi nhà không chỉ che mưa, tránh nắng mà ở đó còn chứa đựng những tình cảm yêu thương của Đảng, chính quyền và bà con chòm xóm dành cho người thiếu may mắn...

Mồ côi mẹ từ nhỏ, Đông được bà ngoại mang về nuôi. Đông sinh ra không biết mặt bố, thiếu tháng nên còi cọc, đau ốm liên miên, đã vậy lại tật nguyền. Bà ngoại sinh được hai con trai, hai con gái, mẹ Đông thì vậy, người dì cũng vì nghèo phải vào Nam làm thuê, lấy chồng trong đó.

Đang thời chiến, chồng dì ra trận và không trở về. Hai bác của Đông theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đều lần lượt tòng quân ra trận. Bao nhớ thương, đợi chờ, nhưng về với bà không phải là những đứa con bằng xương bằng thịt, không phải là người chiến sỹ giải phóng quân khỏe mạnh mà là những tấm giấy báo tử...

Sự hy sinh của 2 con trai và con rể làm cho bà tê dại, nỗi đau lắng lại trong tim. Bà không được gục ngã, đứa cháu tật nguyền là Đông rất cần có chỗ dựa cả về tình cảm lẫn vật chất. Bà lầm lũi sớm hôm mò cua, bắt ốc để nuôi cháu ngoại, động viên tinh thần và hỗ trợ thêm cho đứa cháu đích tôn duy nhất con của liệt sỹ Nguyễn Văn Châu là Nguyễn Văn Chất. Ngôi nhà gỗ mối mọt ăn mòn từ lâu nhưng đành để vậy, hy vọng hai con trai sau khi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trở về sẽ cùng nhau xây dựng lại, đàng hoàng, to đẹp hơn đã tan biến...

Vợ chồng trước ngôi nhà tình thương.
Vợ chồng Nguyễn Văn Đông trước ngôi nhà tình thương.

Rồi Đông lấy vợ, bà ngoại về ở với Chất để lại ngôi nhà nhỏ cho vợ chồng Đông. Tạo hóa sinh ra Đông vậy, thấp nhỏ nên vợ của Đông là Bạch Thị Nguyệt (SN 1983) cũng bé nhỏ, dù vậy chị vẫn là lao động chính, thu vén nhà cửa, ruộng vườn để nuôi chồng.

Hai con một trai, một gái ra đời để tổ ấm gia đình Đông thêm hoàn hảo, nhưng cơm áo, gạo tiền và những sinh hoạt thường ngày, nuôi các con ăn học đè nặng lên vai. Ngôi nhà bà ngoại cho nằm chênh vênh trên đồi, núi dựng đứng sau lưng, đá sỏi nham nhở đến nước ăn, uống, sinh hoạt hàng ngày cũng phải nhờ đến hàng xóm. Tháng 10/2013, bão số 4 làm tốc mái, UBND xã đã huy động các lực lượng đến để sửa chữa lại, tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi lo...

Tháng 8/2015, mưa dai dẳng khiến cho nền đất yếu rồi sụt dần, ngôi nhà vốn đã bị mối mọt ăn cho ruỗng mục, chịu không nỗi một cơn gió bị đổ sập, may vợ chồng Đông đang ở ngoài đồng, hai con đang đi học. Sập nhà, hai con phải sơ tán sang nhà ngoại, được họ hàng giúp đỡ, túp lều căng bạt tạm bợ dựng lên, hai vợ chồng sống trong đó được ít tuần thì chính quyền biết chuyện đã kêu gọi mọi tổ chức, đoàn thế đóng góp tùy tâm, có thể là gạo, hay vật liệu.

May sao, Nam Thượng đang nỗ lực chung tay xây dựng nông thôn mới, nhà Bưu điện cũng nằm trong diện phải làm mới, Đảng ủy, chính quyền quyết định cho Đông ngôi nhà đó để lấy vật liệu. Mặt trận Tổ quốc huyện hỗ trợ cho 10 triệu đồng, UBND xã, các tổ chức, đoàn thể đều xúm vào, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên huy động nhân lực chở cát, xã huy động máy húc san mặt bằng. Trong xã ai có tay nghề xây, tay nghề mộc... đều xúm vào. Bà con xóm làng người ít cân gạo, người bì xi măng, xe sỏi... Ba tháng sau, ngôi nhà xiêu vẹo chênh vênh trên đồi đã được thay thế bằng ngôi nhà xây lợp ngói chắc chắn, khang trang trong niềm vui, xúc động vô bờ bến của vợ chồng Đông và nhân dân cả xã.

Không chỉ vậy, Đảng ủy, chính quyền xã đã hoàn tất thủ tục để đầu năm 2016, bà ngoại Đông là cụ Nguyễn Thị Đợi (đã mất tháng 1/2011) được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đưa lại niềm tự hào cho gia đình Đông và người anh họ Nguyễn Văn Chất.

Nói về việc huy động mọi nguồn lực kinh tế để làm nhà cho Nguyễn Văn Đông, ông Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch UBND xã cho biết: hộ nghèo, khó khăn ở xã vẫn còn nhưng Nguyễn Văn Đông là người thiếu may mắn nhất, chịu nhiều thiệt thòi, lại bị tàn tật, không có sức lao động nên lãnh đạo xã xác định cần phải ưu tiên. Hơn nữa, nhà bị sập thì không thể chờ đợi vậy nên xã đã vận dụng bằng nhiều cách để vợ chồng Đông không phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, ngôi nhà Đông ở được bà con gọi là nhà tình thương là đúng trên mọi phương diện...

Khi chúng tôi đến thăm nhà, vợ chồng Đông rất xúc động khi nhắc đến việc để có được ngôi nhà, từ huyện, xã đến anh em, bà con xóm làng ai cũng xúm tay vào. Vợ Đông còn nói: nhiều đêm ngủ trong nhà cứ tưởng mình nằm mơ, khó để tưởng tượng đến ngôi nhà xiêu vẹo trên đồi, không có đường vào nay cả gia đình được ở trong ngôi nhà khang trang trên kín dưới bền. Điều mà hai vợ chồng Đông mơ ước bao lâu nay đã thành hiện thực.   

                 Hà Linh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới