Ngổn ngang trăm mối!

(Baonghean) - Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (BCH VFF) đã nhóm họp và đưa ra những thống nhất trước khi mùa giải mới 2015 diễn ra. Thế nhưng, vẫn có những lo ngại bởi tình hình kinh tế khó khăn và từ giờ cho đến khi V.League khai mạc, chưa biết trong lòng các đội bóng còn “có biến” nữa không,? trường hợp của CS. Đồng Tháp là một ví dụ cụ thể cho tình hình tài chính hiện tại ở nhiều CLB...

Ngày 28/10 vừa qua, BCH VFF đã nhóm họp trong vòng nửa ngày để bàn về những vấn đề quan trọng trước thềm mùa giải mới. Thế nhưng, theo ghi nhận, cuộc họp chỉ thành công ở việc chốt các phương án chứ chưa có những giải pháp cụ thể, đặc biệt là cách “ứng phó” với các tình huống phát sinh phức tạp, mà theo dự đoán của nhiều người, rất dễ xảy ra ở mùa giải tới.
Đến thời điểm này, dù còn khoảng 3 tháng nữa, mùa giải 2015 mới chính thức khởi tranh, nhưng những lo ngại đã thường trực. CS.Đồng Tháp kêu trời vì tài chính hạn hẹp và có trên 90% đại diện của ĐBSCL này sẽ xin rút. Mong muốn V.League có 14 đội tranh tài đang gặp phải những thử thách và nhiều khả năng, VPF phải có những điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu.
Chưa hết, HV.An Giang sau khi xuống hạng cũng tuyên bố giải tán. Bên cạnh đó, có vài đội đang thuộc biên chế hạng Nhất cũng bày tỏ ý định xin nghỉ vì những khó khăn hậu trường, mà cái chính ai cũng biết là thiếu tiền. So với mùa giải 2013- 2014, với rất nhiều những “cú sốc”, nhưng những “nguy cơ tiềm ẩn” ở mùa giải sắp tới thậm chí còn lớn hơn. Thế nên, dù có thể mùa giải vẫn được khởi tranh theo đúng kế hoạch, nhưng những “quả bom nổ chậm” là điều khó tránh khỏi và thực sự đang làm đau đầu những nhà quản lý. Cuộc khủng hoảng sâu rộng của bóng đá Việt Nam dường như chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trước tình cảnh đó, rất nhiều người chờ đợi cuộc họp của BCH VFF và hy vọng đưa ra được những giải pháp tích cực nhằm cứu vãn tình thế. Nhưng điều bất ngờ là ở cuộc họp vừa mới diễn ra, không nhiều người tỏ ra trăn trở với thực trạng đáng buồn ấy. Thay vào đó, người ta đưa ra những phương án khắc chế theo kiểu “củ chuối”. Nghĩa là tôi không quan trọng anh chơi hay không chơi, nếu không thích thì nghỉ, kiểu “Vắng cô thì chợ vẫn đông…” và phương án “tuỳ cơ ứng biến”. Khi có những vấn đề phát sinh thì nhóm họp và cùng nhau giải quyết, còn kế hoạch và những gì đã lên phương án thì không thể thay đổi.
CS.Đồng Tháp vừa được lên hạng đã có ý định xin rút vì không có tiền.
CS.Đồng Tháp vừa được lên hạng đã có ý định xin rút vì không có tiền.
Bất kể CS.Đồng Tháp có nguy cơ bỏ giải, cuộc họp cũng không thảo luận phương án, tìm cách duy trì đội bóng này. Các đại biểu sau cùng đã thống nhất phương án: “Dự kiến tại giải V.League 2015 sắp tới sẽ có 13 đội góp mặt và 2 đội xuống hạng. Một đội hạng Nhất sẽ được thăng hạng”. Lộ trình, đến năm 2016, sẽ có 12 đội tham dự V.League và 10 đội tranh tài ở giải hạng Nhất.
Cũng tại cuộc họp này, số lượng ngoại binh ở các đội bóng cũng đã được chốt. Theo đó, mỗi CLB tại V.League sẽ được đăng ký 2 cầu thủ ngoại, 1 cầu thủ nhập tịch. Các CLB ở giải hạng Nhất chỉ được sử dụng cầu thủ ngoại và điều đó cũng được áp dụng cho Cúp Quốc gia.
Cuộc họp nói trên diễn ra tại Cần Thơ và theo nhiều người hiểu là để các đại biểu “tranh thủ” dự khán trận chung kết U.21 quốc tế Báo Thanh Niên. Vì theo kiểu “tranh thủ” nên cuộc họp của BCH chỉ có thể đưa ra được những phương án chứ không bàn kỹ các giải pháp để tránh được những nguy cơ tiềm tàng, như việc các CLB sẵn sàng bỏ giải vì tài chính hạn hẹp, thậm chí bỏ vì bất mãn với BTC như trường hợp của Sài Gòn Xuân Thành trước đây chẳng hạn.
Thế nên, bức tranh mùa giải mới, dù đã đến rất gần, nhưng vẫn đang rất ngổn ngang và những ai tâm huyết với bòng đá nước nhà thì không thể không lo lắng.
Vĩnh Liêm

Tin mới