Người đi tìm ánh sáng cuộc đời

(Baonghean.vn) - Bên dòng sông Con hiền hòa thuộc địa phận thôn 16, xã Bình Sơn (Anh Sơn) có một người đàn ông mù cả hai mắt, nhưng hơn 50 năm qua luôn là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vươn lên đáng nể phục. Ông tên là Nguyễn Sỹ Hồng, 62 tuổi, quê gốc ở xã Nam Tiến, huyện Nam Đàn.

Chúng tôi đến thăm khi ông đang sửa xe đạp cho những người khách qua đường chẳng may bị hỏng xe. Nghe tiếng chào lạ, ông dừng tay mời chúng tôi vào nhà. Không muốn làm mất thời gian của ông, chúng tôi đề nghị ông vừa sửa xe vừa trò chuyện. Ông kể, cha mẹ sinh ông lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng năm 1954, khi lên 6 tuổi, một trận lũ lớn tràn qua Nam Đàn làm ngập nhiều ngôi nhà, cậu bé Hồng và gia đình phải leo lên trần nhà để tránh lũ. Những ngày sống chung với lũ, chẳng may cậu bị đau mắt đỏ, do gia đình quá nghèo, không có điều kiện chạy chữa kịp thời, mắt của cậu ngày càng đau nặng và đến lúc không còn nhìn thấy ánh sáng nữa.

Ông Nguyễn Sỹ Hồng đang chơi đàn Viôlông


Sau đó, nhờ sự động viên của gia đình, anh em, ông tự mò mẫm tập luyện làm những việc nhỏ như: tự vệ sinh cá nhân, rồi quét nhà, rửa bát, giặt đồ, cho gà ăn giúp bố mẹ. Lớn dần lên, ông học đan lát và làm nhiều việc khác phụ giúp gia đình.

Đến năm 1964, thực hiện chủ trương của Nhà nước di dân đi khai hoang, phát triển vùng kinh tế mới, ông Hồng theo gia đình lên sống tại xã Bình Sơn (Anh Sơn). Sống trên miền đất mới với bao khó khăn vất vả, ở tuổi 15, ông suy nghĩ và tự hứa với lòng mình "quyết tâm không để bản thân là gánh nặng cho gia đình". Mắt mù nhưng dạ không tối, ngày qua ngày, ông cặm cụi đan tranh bán cho các xí nghiệp vật tư phục vụ chiến tranh và giúp gia đình chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế.

Năm 18 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Sỹ Hồng bắt đầu học làm nghề mộc. Dùng bàn tay thay cho đôi mắt, tự mình tưởng tượng, mày mò và sáng tạo, ông đã làm nên những chiếc bàn, ghế, xe bò... cho gia đình sử dụng. Sản phẩm ông làm ra hình thức chưa đẹp nhưng bù lại đảm bảo sự chắc chắn. Anh em, bà con láng giềng thấy vậy liền đến đặt hàng.

Nhờ siêng năng, mỗi tháng ông đóng được hàng chục sản phẩm bàn, ghế... đổi về cho gia đình rất nhiều lúa. Cảm thông với nỗi thiệt thòi của ông, năm 1979, cô Phan Thị Vân đã gạt những lời can ngăn để về làm vợ ông. Một năm sau, vợ sinh cho ông một bé trai kháu khỉnh. Có vợ con, ông có thêm nghị lực. Bấy giờ, ở Bình Sơn, bà con trong xã sản xuất rất nhiều lúa, cối xay lúa thủ công đang là vật dụng mọi người cần dùng. Xuất phát từ thực tế ấy, ông Hồng tự học và làm cối xay bán cho bà con trong làng. Mỗi tháng ông làm được 10-15 chiếc.

Thu nhập từ việc làm cối đã giúp gia đình ông ổn định cuộc sống. Năm 1982, gia đình ông xây dựng được một căn nhà mới khá vững chãi. Những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, khi máy xay ra đời ông đành phải gác nghề làm cối và chuyển sang sửa chữa xe đạp, làm chổi đót cho đến tận bây giờ. Ông bảo, người đến sửa xe chỗ ông rất đông, những năm trước khi người dân còn sử dụng xe đạp nhiều, trung bình mỗi ngày ông kiếm được 100 ngàn đồng, đó là chưa kể về ban đêm ông lại làm thêm chổi để bán. Gặp gỡ, trò chuyện và tận mắt chứng kiến những việc làm của ông, chúng tôithật sự đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ông sửa xe, bện chổi bằng đôi tay nhanh nhẹn thuần thục. Vừa qua, Hội Người mù huyện Anh Sơn đã giới thiệu ông về dạy nghề bện chổi cho người mù, khuyết tật ở huyện Diễn Châu.

Không chỉ là người tật nguyền giàu nghị lực và tài năng, ông Hồng còn là một người sống yêu đời, nhiệt tình và tốt bụng. Mỗi khi rảnh rỗi, ông thường đánh đàn viôlông và hát dân ca cho mọi người cùng thưởng thức. Hàng xóm hễ có việc cần nhờ đến, ông luôn sΩn sàng giúp đỡ. Nhắc đến ông, người dân trong xóm ai cũng quý mến.

Ông Lê Văn Sỹ , Bí thư chi bộ thôn 16 cho biết: "Ông Hồng là người sống gần gũi, hòa đồng và tốt bụng. Trong thôn chúng tôi, cứ đến mùa thu hoạch mía, ông lại đốn cây tre non về chẻ hàng ngàn dây lạt cho bà con bó mía. Các vật dụng trong gia đình hễ hư hỏng không sửa được chúng tôi lại mang đến nhờ ông sửa giúp".

Năm 2008, xã Bình Sơn phát động phong trào tiếng trống học bài, ông xung phong đánh trống để giúp các cháu học sinh chăm lo việc học. Cứ 7 giờ tối và 5 giờ sáng hàng ngày, tiếng trống học bài của ông lại vang lên nhắc nhở các cháu ngồi vào bàn học. 4 năm qua, chưa bao giờ ông ngưng đánh trống dù chỉ một ngày. Ông tâm sự: "Sinh ra ở mảnh đất Nam Đàn, quê hương Bác Hồ, tôi học ở Bác tinh thần vượt khó vươn lên chiến thắng mọi khó khăn, trắc trở. Lời Bác từng dạy "Tàn nhưng không phế" đã trở thành phương châm sống cho những người khuyết tật. Nó thôi thúc tôi vượt qua mọi rào cản để trở thành người có ích cho gia đình, cộng đồng".

Có thể nói bằng sự mẫn cảm thiên phú, bằng trái tim tha thiết yêu đời, ông Hồng đã nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt qua bóng đêm tật nguyền để mang lại nguồn ánh sáng cho cuộc đời mình.

Diệp Anh

Tin mới