Người thi hành công vụ phải bồi thường hoàn toàn cho người bị oan sai

(Baonghean.vn) - Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị hại.

Đó là ý kiến được thảo luận tại hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức chiều 7/4.

Đồng chí Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị
Ông Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị; Ông Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham dự hội nghị. Ảnh: Mai Hoa.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước gồm 9 chương, 78 điều, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường Nhà nước.

Trên cơ sở dự thảo Luật, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ về phạm vi điều chỉnh và phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự; nguyên tắc bồi thường và xác lập bồi thường, giải quyết bồi thường cả về vật chất và tinh thần...

Luật sư Hồ Bá Hải
Ông Hồ Bá Vọ, Phó Chủ tịch Hội Luật gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa.

Ông Hồ Bá Vọ, Phó Chủ tịch Hội Luật gia cho rằng, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính trong các trường hợp ra quyết định xử phát vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính, biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật.

Liên quan đến kinh phí bồi thường thiệt hại, theo luật sư Trần Quốc Thành, Nhà nước có trách nhiệm bô trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường và sau đó người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị hại, chứ không phải một phần, bởi khi được giao quyền mà không thực hiện đúng quyền đó thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Một phiên xét xử vụ án mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy ở Tòa án thành phố Vinh. Ảnh tư liệu
Một phiên xét xử vụ án mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy ở Tòa án thành phố Vinh. Ảnh tư liệu.

Nhiều đại biểu cũng góp ý kiến vào việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, gồm cơ quan điều tra; Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dânhoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. Ngoài bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người trực tiếp oan sai, thì theo nhiều đại biểu cũng cho rằng, thân nhân của những người bị oan sai cũng bị tổn thất về tinh thần ghê gớm, bởi vậy cho nên cần phải có quy định bồi thường cho thân nhân...

Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu và tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào kỳ họp thứ tới.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới