Nhà báo - NSNA Sỹ Minh: "Nghề báo đã chắp cánh cho tôi"

 

(Baonghean) - Hồ Sỹ Minh (bút danh Sỹ Minh, Minh Yến) hiện là phóng viên của Phòng Thời sự - Quốc tế Báo Nghệ An. Là một nhà báo, Sỹ Minh còn là một nghệ sỹ nhiếp ảnh (hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam), “sở hữu” tới 81 giải thưởng từ Cúp Vàng quốc tế tới các giải lớn nhỏ trong khu vực. Anh vừa được Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam phong tặng tước hiệu E.VAPA/G- Nghệ sỹ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc, đồng thời cũng vừa nhận giải B toàn quốc cho tác phẩm ảnh “Vượt lên số phận” trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuộc trò chuyện dưới đây sẽ giúp bạn đọc hình dung phần nào “con đường” đến với nghề báo và những thành công của một nghệ sỹ nhiếp ảnh.

- Thưa anh Sỹ Minh, được biết, trước khi trở thành nhà báo, anh đã là một nhiếp ảnh gia có tiếng. Điều gì “dẫn dụ” anh đến với nghề báo? 
- Trước khi làm báo, tôi là một “thợ ảnh”. Vì nhà có anh trai làm ảnh, tôi cũng có đam mê với ảnh nên tôi đã quyết chí “đầu tư” cho đam mê ấy của mình. Được anh bày dạy, sau đó tôi đăng ký theo học nhiều lớp nhiếp ảnh, quay phim… tại Hà Nội rồi lập nghiệp bằng chính nghề ảnh. Tôi trở thành cộng tác viên cho Báo Nghệ An từ những năm 1990 - 1991. Khi ấy, nhà báo Văn Hiền của Báo Nghệ An có đến nhà tôi chơi, xem ảnh và ông lặng lẽ xin về… đăng báo một vài bức. Dần dần, tôi đã biết cách chụp những bức ảnh báo chí là như thế nào, nó khác với ảnh nghệ thuật ra sao, cần có tư duy thế nào để làm ảnh báo chí. Tôi cảm thấy thích thú, tìm hiểu sâu hơn về báo và cũng đã đăng ký theo học lớp đại học tại chức báo chí những năm 1996 - 2000. Năm 2001, tôi chính thức trở thành phóng viên ảnh của Báo Nghệ An và cuộc đời tôi cũng đã rẽ sang một hướng đi mới với rất nhiều thú vị…
- Vậy, nghề báo đã đem lại cho anh điều gì? Đặc biệt, nó ảnh hưởng như thế nào tới đam mê nhiếp ảnh của anh? 
Các cầu thủ  Nghệ An luôn có chỗ đứng ở các đội tuyển quốc gia. 	Ảnh: internet
Nhà báo Sỹ Minh nhận giải thưởng "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
- Nghề báo đã thực sự mang lại cho tôi rất nhiều thứ và có thể nói rằng, nghề báo đã chắp cánh cho giấc mơ nhiếp ảnh, cho đam mê và sự thành công mà tôi có bây giờ. Tôi nhận thấy, nghề báo, trước hết giúp mình tiếp cận được nhiều địa bàn, gặp gỡ được nhiều người; rất nhiều đề tài hay của nhiếp ảnh mà tôi nhận ra khi mình đi làm báo. Và nó rèn cho tôi kỹ năng phát hiện nhanh, nắm bắt kịp thời vấn đề, đề tài (với nhiếp ảnh, nếu không nhanh thì khoảnh khắc sẽ qua ngay). Phải nói, có rất nhiều bức ảnh quý, tôi có được nhờ những chuyến đi làm báo, ddđòi hỏi góc nhìn tác nghiệp của nhà báo.
Chẳng hạn bức “Rừng nguyên sinh Pù Mát” tôi có được sau lần theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Doãn Hợp vô Mỹ Lý (Kỳ Sơn), thuyền chạy dọc Nậm Nơn và tôi chợt thấy một khung cảnh hùng vĩ tuyệt vời khi cái nắng vừa lên đúng độ. Nhưng vì công việc, tôi phải theo sát đoàn, xong nhiệm vụ mới thuê thuyền quay lại đúng đoạn rừng ấy, chờ cái nắng lên đúng độ ấy để bấm máy. Bức ảnh sau đó được giải Nhất ASEAN cấp quốc gia. Hay những bức “Xuân Tây Bắc” được giải Huy chương Đồng cấp quốc gia, tôi có được trong chuyến đi sáng tác tập thể cùng nhiều nghệ sỹ. Khi tôi chụp bức này, hẳn nhiều nghệ sỹ trong đoàn ngạc nhiên vì sao tôi dừng bấm máy, khi mà họ đang cảm thấy cảnh vật bình thường, không có gì đặc sắc…
Bức ảnh được giải Cúp Vàng quốc tế Nhật Bản chụp sự kiện cháy chợ Vinh cũng do con mắt nghề báo “định hướng” cho tôi. Không chỉ có thế, nghề báo còn giúp tôi phải thường xuyên cập nhật thông tin, tự đổi mới vì tôi biết nếu dừng lại, tự thỏa mãn là lạc hậu. Vì thế, tôi khá thành thạo về công nghệ, chịu khó đầu tư thiết bị nhiếp ảnh mới, hiện đại. Có nhiều khoảnh khắc, để chiếm lĩnh được nó, ngoài cái nhanh, cái nhạy và tài năng, còn rất cần phải có thiết bị tốt. Tôi cũng thấy, nghề báo giúp tôi có con mắt tỉnh táo hơn, chỉn chu hơn, bởi với những người sáng tác rất dễ bị đam mê cuốn theo và luôn chiều theo nó. Nhờ báo, tôi biết quý trọng thời gian, lập đích đến cho mình và theo đuổi cái đích ấy. Thú thực, có được bức ảnh ưng ý, cái cảm giác hạnh phúc khó mà diễn tả, cũng như khi phát hiện ra đề tài hay và để theo đuổi nó, mình sẵn sàng quên ăn, quên ngủ…
- Anh có thể kể một chút về bức ảnh được trao tặng giải B trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vừa qua?
Tác phẩm “Vượt lên số phận” - Giải B toàn quốc.
Tác phẩm “Vượt lên số phận” - Giải B toàn quốc.
- Cũng lại là nghề báo đưa đến cho tôi đề tài quý này. Một anh bạn đồng nghiệp kể với tôi về một nhân vật điển hình ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Sinh ra đã liệt 2 tay, 2 chân khoèo ngược, vậy mà anh Sơn (tên nhân vật) vẫn tự mình học tập, làm nghề. Không chỉ tự giúp mình, anh còn mở được nhiều lớp đào tạo nghề mộc giúp thương binh, người tàn tật. Người ta tìm đến anh học nghề và còn tìm đến để học bài học về nghị lực nữa. Hơn 100 lao động có việc làm, cũng đồng nghĩa hơn 100 người đã tự mình vươn lên chiến thắng số phận, hơn 100 người có thêm niềm tin yêu cuộc sống.
Tôi đã xúc động khi đến nhà anh Sơn, chứng kiến những người khuyết thiếu ấy (người thiếu tay, người thiếu chân, người mất tiếng nói, đôi mắt…) đang đứng bên nhau, bổ sung cho nhau để cùng làm nên một sản phẩm. Loay hoay mãi, tôi chụp nhưng chưa được bức ảnh ưng ý, đủ để diễn tả nghị lực của anh Sơn và lòng ngưỡng mộ của tôi đối với anh ấy. Thế rồi, trong một phút anh Sơn ngồi vào bàn bày cho con mình học bài, tôi đã quá may mắn khi chộp được khoảnh khắc với ánh sáng diệu kỳ, cái ánh sáng mà tôi nghĩ, nếu mình thành công sẽ mang lại ẩn dụ về nghị lực, tấm lòng của con người ấy đem đến cuộc đời này. Bức ảnh “Vượt lên số phận” đạt giải, đó là vinh dự cho tôi, nhưng không chỉ có thế, nó còn mang đến cho tôi cảm hứng yêu người, yêu cuộc đời hơn. Tôi không nghĩ, chính “nhân vật” của mình lại mang đến cho mình nhiều điều đến thế!
- Thưa anh Sỹ Minh, tước hiệu E.VAPA/G- Nghệ sỹ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc có thể xem như là tước hiệu cao nhất mà một nghệ sỹ nhiếp ảnh mong muốn được đạt tới. Hẳn rằng, bây giờ, anh có thể mỉm cười “dừng lại”, có thể “nghỉ ngơi”?
Tác nghiệp ở Nhà máy Dệt may Nam Sung Vina
Tác nghiệp ở Nhà máy Dệt may Nam Sung Vina
- Như tôi đã từng nói, trong nghề báo hay nghề ảnh, dừng lại có nghĩa là chấp nhận sự tụt hậu. Có
nhiều người từng nói với tôi, Sỹ Minh nhiều giải ảnh quá rồi, dừng lại thôi. Nhưng sao lại “dừng lại” vì tôi làm ảnh, làm báo không phải để lấy giải mà là để mình được… sống. Nhiếp ảnh cùng với làm báo chính là lẽ sống của tôi. Chính nó đã ghi dấu tôi với cuộc đời này. Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê đến lúc nào cảm thấy sức mình thực sự đã cạn!
- Xin cảm ơn nhà báo Sỹ Minh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Thùy Vinh (Thực hiện)

Tin mới