Nhà ở cho công nhân: Đợi đến bao giờ?

(Baonghean) - Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 13.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, vì chưa có chính sách thu hút đầu tư thỏa đáng cũng như chế tài bắt buộc… dẫn đến thực trạng hầu hết công nhân đang phải thuê nhà với điều kiện ăn ở không đảm bảo.

Nhếch nhác, chật chội...
5h chiều, con đường Đặng Thai Mai chạy qua KCN Bắc Vinh đông cứng người. Từ các cổng nhà máy, từng tốp công nhân ùa ra, tất bật dừng lại bên những quán cóc, chợ xép mua thức ăn, rồi tản về những khu nhà trọ. Chị Nguyễn Thị Mùi, công nhân công ty Matrix sau khi ghé chợ tạm ven đường mua bó rau muống, quả trứng và vài ba quả xoài rồi vội về phòng trọ ngay gần đó. Chúng tôi theo chân Mùi, cô gái 19 tuổi quê ở Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) về khu nhà trọ ở xóm Đông Hưng, xã Hưng Đông (TP.Vinh). Dãy nhà trọ có chừng gần 20 phòng, mỗi căn rộng 10m2, mái lợp proximăng. Trong cái nắng hè oi nồng, căn phòng trở nên ngột ngạt. Phòng của Mùi không ti vi, không giường, chỉ có chiếc quạt nhỏ. Mùi cho biết, nóng và cũng chật chội quá nên em nhờ người tháo giường, lau chùi nền phòng trọ để ngủ mát hơn. “Sau khi học xong cấp 3 em xuống Vinh xin làm công nhân để có thêm thu nhập đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Công việc may gấu bông không nặng nhọc, phù hợp với nữ giới nhưng lương thấp. Nếu không làm thêm thì chỉ đạt 3 triệu đồng/tháng. Sau giờ làm ở nhà máy, bọn em về nhà trọ nấu ăn, và ngủ. Không ti vi, không văn nghệ thể thao, may có chiếc điện thoại còn nghe được nhạc đỡ buồn”, Mùi chia sẻ.
Dãy nhà trọ ở xã Nghi Xá (Nghi Lộc) (ảnh lớn).
Dãy nhà trọ ở xã Nghi Xá (Nghi Lộc) (ảnh lớn).
Cạnh phòng của Mùi, là phòng của anh Trần Văn Quang, lái xe taxi và chị Đậu Thị Hằng, công nhân Công ty may Minh Anh. Căn phòng nhỏ hơn 10m2 nhưng là nơi trú ngụ của 4 người, ngoài vợ chồng chị Hằng, còn có con gái nhỏ và mẹ anh Quang ở huyện Quỳ Hợp xuống trông cháu. Để có đủ chỗ ngủ cho cả nhà, anh Quang dựng thêm gác xép ngay phía trên khu vệ sinh. “Vất vả, chật chội nhưng biết làm sao, thu nhập thấp nhưng với nhiều khoản phải chi tiêu nên không thể có được chỗ trọ tốt hơn. Tằn tiện mới đủ sống chứ bọn em không dám mơ tích cóp được tiền để mua nhà. Mỗi tháng cả 2 vợ chồng thu nhập khoảng 7 - 10 triệu đồng nhưng tiền thuê nhà, điện nước hết gần 1 triệu đồng rồi”, chị Hằng cho biết. 
Nhếch nhách, chật chội là thực trạng phổ biến ở nhiều nhà trọ công nhân tại các khu công nghiệp. Trở ra KCN Nam Cấm, ở các xóm 8, 9, 11, xã Nghi Xá có tới hàng chục dãy trọ công nhân. Các khu nhà được xây dựng lợp proximăng nóng nực. Mục sở thị khu nhà trọ ở xóm 8, Nghi Xá, cảm giác ngột ngạt. Hai dãy nhà nằm hun hút úp mặt vào nhau, 1 hành lang nhỏ hẹp chưa đầy 1m nhưng được công nhân tận dụng tối đa diện tích để xe, phía trên là dây phơi quần áo chằng chịt. Chị Nguyễn Thị Hà ở Diễn Trung (Diễn Châu) - công nhân Công ty điện tử BSE cho biết: “Bọn em biết là ở trong những căn phòng như vậy không đảm bảo sức khỏe nhưng công nhân thu nhập thấp không có lựa chọn khác. Bọn em cũng chưa biết sẽ làm bao lâu nên chưa tính được chuyện nhà ở, trước mắt vẫn phải ở nhà trọ”. 
Do nhu cầu về nhà ở cho công nhân thuê lớn, đặc biệt từ khi nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử viễn thông Hitech BSE Việt Nam của Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam đi vào hoạt động (với số công nhân hiện có 4.549 người và khoảng 2.000 người có nhu cầu thuê nhà), nên hiện dân cư xung quanh KCN Nam Cấm đã và đang đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê khá phổ biến, tập trung chủ yếu ở các xóm 8, 9, 11, xã Nghi Xá huyện Nghi Lộc, với tổng số phòng trọ đã xây dựng khoảng gần 700 phòng, đáp ứng cho khoảng hơn 1.422 công nhân thuê ở. Đặc biệt có những hộ dân xây dựng tới 40 phòng trọ, cho khoảng 80 người và hiện tại việc xây dựng nhà cho công nhân thuê ở của người dân ven KCN vẫn đang tiếp tục được thực hiện.
Thực tế cho thấy, hiện nay chỗ ở của công nhân bấp bênh, ngoài lý do thu nhập thấp, phần đông lao động chưa có tư tưởng ổn định gắn bó lâu dài với công việc, họ vẫn còn tâm lý làm vài năm về quê. Nhà ở không đảm bảo chứ chưa nói tới các dịch vụ khác như y tế, văn hóa, nhà trẻ, mẫu giáo, các khu vui chơi giải trí khác. Việc công nhân thuê nhà của dân cư xung quanh các KCN đang nảy sinh những bất cập. Do có sự khác biệt về lối sống, giờ giấc sinh hoạt nên thời gian qua đã xảy ra một số trường hợp mất an ninh trật tự và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Điều này không đảm bảo an toàn cho công nhân, đặc biệt là đối với công nhân nữ đi làm ca về muộn.
Đến khi nào công nhân có nhà ở?
Hiện trên địa bàn tỉnh có 13.000 công nhân lao động, trong đó, nhiều nhất là KCN Nam Cấm với gần 7.000 công nhân, KCN Bắc Vinh hơn 6.000 công nhân… Không phải bây giờ mà nhiều năm trước, UBND tỉnh đã có những tính toán cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Ngoài KCN Bắc Vinh, nhu cầu lớn về nhà ở của công nhân KKT Đông Nam hiện nay tập trung chủ yếu tại KCN Nam Cấm. KCN này được UBND tỉnh phê quyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 2555/QĐ-UB.CN với diện tích hơn 327 ha và được phân thành 3 khu A, B, C. Đến nay, KCN được mở rộng theo quy hoạch chung KKT Đông Nam với tổng diện tích sau mở rộng là gần 2.000 ha. Hiện nay có hơn 140 ha của khu C - KCN Nam Cấm đã được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và cơ bản lấp đầy, một phần khu A và Khu B đã thu hút được một số dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề nhà ở cho công nhân tại KCN Nam Cấm hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập.
Với mức lương 3 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Thị Mùi, công nhân Công ty Matrix phải tằn tiện mới đủ sống.
Với mức lương 3 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Thị Mùi, công nhân Công ty Matrix phải tằn tiện mới đủ sống.
Trưởng phòng Quy hoạch KKT Đông Nam cho biết, năm 2012, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại KCN Nam Cấm, sau đó ban đã phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình, vị trí xây dựng được lựa chọn tại xã Nghi Long (Nghi Lộc) thuộc quy hoạch khu vực phía Nam - Đông Nam KKT Đông Nam, với quy mô 5 tầng, xây dựng 5 đơn nguyên hình chữ nhật ghép lại thông qua hành lang nối với các hạng mục công trình phụ trợ khác, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 500 công nhân. Tuy nhiên, hiện vị trí quy hoạch lập dự án nằm trong ranh giới khu vực II (giai đoạn 1) của một dự án khác và khó khăn trong bố trí nguồn vốn nên đến nay chưa triển khai các bước tiếp theo. Hiện nay, ban đã khảo sát được 2 điểm mới tại xã Nghi Hợp với tổng diện tích đất xây dựng khoảng 7,2 ha cho khoảng 10.000 công nhân thuê ở. Đến nay, chủ đầu tư là công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Nghệ An đang triển khai lập báo cáo đầu tư quy hoạch chi tiết cho dự án này.
Hiện KCN Nam Cấm có 58 dự án đầu tư, trong đó có 29 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh với khoảng 6.650 người, trong số này có khoảng 3.000 người có nhu cầu cần thuê nhà ở (hiện đang ở tạm trong nhà máy và thuê trọ trong dân). Theo tính toán, khi các doanh nghiệp này hoạt động hết công suất thì tổng số công nhân khoảng 10.000 người và dự báo có khoảng 6.000 người có nhu cầu cần thuê nhà ở. Và khi 58 dự án đầu tư hoạt động, KCN Nam Cấm được lấp đầy, sẽ có khoảng 17.000 công nhân cần thuê nhà ở. Như vậy, nhu cầu thuê nhà ở của công nhân làm việc tại KCN Nam Cấm hiện tại và thời gian tới là rất lớn.
Vì Nhà nước không đầu tư vốn xây dựng nhà ở cho công nhân lao động trong các KCN, trong khi đó, các chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư xây nhà ở cho công nhân lại chưa đủ sức hấp dẫn, chưa có quy định bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân… là những lý do khiến hầu hết công nhân - lực lượng quan trọng của doanh nghiệp, đang phải sống trong các nhà trọ với điều kiện ăn ở rất kém. Bao giờ công nhân có nhà thuê ở đảm bảo cuộc sống, câu trả lời không phải ngày một ngày hai. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho công nhân khi chưa có khu nhà ở tập trung, các doanh nghiệp cần quan tâm và đầu tư kinh phí bố trí đưa đón đối với những công nhân có nhà ở cách nơi làm việc không quá xa; bố trí các tuyến và trạm dừng xe buýt tại các KCN để công nhân có thể đi về trong ngày, đồng thời có giải pháp hỗ trợ về giá cho công nhân khi áp dụng những hình thức vận tải này. 
Thu Huyền

Tin mới