Nhân viên tín dụng ngân hàng bị tố cáo "lợi dụng chiếm đoạt tài sản"

(Baonghean) - Đại diện ngân hàng tiếp xúc với khách hàng để tiếp nhận, thẩm định hồ sơ ban đầu, nếu nhân viên tín dụng có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì ngân hàng sẽ chịu tổn thất và ảnh hưởng uy tín. Xung quanh việc nữ nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Agribank Nghi Phú bị khách hàng viết đơn tố cáo… cần làm rõ hành vi lợi dụng tín nhiệm của khách hàng.

Anh Lê Viết Cương, trú tại K7, phường Quán Bàu (TP. Vinh) có đơn tố cáo gửi Báo Nghệ An, nội dung: Vào ngày 21/9/2015, Phạm Thị Huyền Chi – nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Agribank Nghi Phú (xóm 7, xã Nghi Phú, TP. Vinh) đã giới thiệu và đưa anh Cương cùng vợ là chị Vương Thị Bích Hà đến nhà ông Nguyễn Cảnh Hải (hiệu cầm đồ ở số nhà 63, đường Lê Hoàn, TP. Vinh) vay món tiền 3,5 tỷ đồng để thanh toán cho ngân hàng.

Sau khi được ông Hải giao tiền, Phạm Thị Huyền Chi đã vay toàn bộ số tiền trên với lý do “để đảo khế cho khách” và hẹn 2 ngày sau sẽ hoàn trả để vợ chồng anh Cương thanh toán cho ngân hàng. Vậy nhưng quá hẹn, nữ nhân viên tín dụng này vẫn không trả lại; khất lần ngày này qua ngày khác. Ngày 29/9/2015, Phạm Thị Huyền Chi cùng bố đẻ đến nhà ông Nguyễn Cảnh Hải viết giấy cam đoan trả nợ món tiền 3,5 tỷ đồng. Nữ nhân viên tín dụng này để lại 1 chiếc xe BMW trị giá 1,1 tỷ đồng, 1 căn nhà 2 tầng trị giá 800 triệu đồng và 100 triệu đồng tiền mặt; số tiền nợ ông Hải còn lại là 1,5 tỷ đồng.

1
Chị Vương Thị Bích Hà ( vợ anh Lê Viết Cương, trú tại K7, phường Quán Bàu trình bày sự việc với phóng viên). 

Đến ngày 13/10/2015, ông Nguyễn Cảnh Hải lại yêu cầu anh Cương và vợ đến để trao đổi về việc thanh toán số tiền 1,5 tỷ đồng mà Phạm Thị Huyền Chi đã viết giấy trả nợ. Bất ngờ trước sự việc này, anh Cương và vợ liên lạc với Phạm Thị Huyền Chi nhiều lần để giải quyết nhưng không được. Vì liên tục bị chủ hiệu cầm đồ dồn ép trả tiền nên anh Cương viết đơn tố cáo Phạm Thị Huyền Chi “Lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản” gửi đến các cơ quan chức năng…

Đặt ra câu hỏi tại sao có việc vay nợ kỳ quặc với số tiền lên đến 3,5 tỷ đồng như vậy? Chị Vương Thị Bích Hà đưa ra các loại giấy tờ liên quan đến việc vay nợ và cho biết, nhiều năm nay, vợ chồng chị là khách hàng vay vốn ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh thành phố Vinh; Phạm Thị Huyền Chi là cán bộ tín dụng thực hiện hồ sơ vay vốn. Số tiền hiện vay của anh chị với Agribank TP. Vinh là 3,5 tỷ đồng; thời điểm tháng 9/2015 là đến hạn trả nợ. Chị Vương Thị Bích Hà cho biết: Mỗi năm một lần, đến kỳ hạn trả nợ chúng tôi thực hiện việc đảo khế (trả nợ cũ và vay món mới). Năm nay đến kỳ hạn chúng tôi chưa có tiền và được cô Chi giới thiệu nơi vay tạm để thực hiện việc đảo khế. Nghĩ cô ấy là cán bộ tín dụng ngân hàng nơi mình vay nên chúng tôi đã nghe theo.

Khi đến gặp anh Hải, chúng tôi làm giấy vay nợ, cô Chi đứng tên người bảo lãnh (để lại giấy tờ xe ô tô BMW) và là người cầm tiền. Sau đó chồng tôi có việc về nhà, tôi cùng cô ấy đến ngân hàng để đảo khế. Ở đây cô Chi không thực hiện việc chuyển trả tiền vào ngân hàng mà nói “em vay số tiền này để đảo hồ sơ cho một chị quen trước, 2 ngày sau sẽ đảo khế cho vợ chồng chị”. Nghe cô Chi nói vậy tôi đã gọi điện cho chồng để hỏi ý kiến. Anh Cương trả lời “thì cứ để cô Chi làm” nên tôi đồng ý. Sự việc sau đó diễn ra như trong đơn chúng tôi đã nêu…”.

Để làm rõ những thông tin từ người có đơn tố cáo đưa ra, chúng tôi cố công tìm gặp nữ nhân viên tín dụng Phạm Thị Huyền Chi nhưng không thể. Cán bộ Ngân hàng Agribank thành phố Vinh và tỉnh đều khẳng định nữ nhân viên tín dụng này được Agribank Trung ương cho nghỉ việc trong thời gian 2,5 tháng (từ ngày 22/10/2015 đến 15/1/2016); khi tiếp nhận được đơn tố cáo, họ đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại nhưng không liên lạc được.

Về nhân thân của Phạm Thị Huyền Chi, theo ông Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Chi nhánh Agribank TP. Vinh, nữ nhân viên tín dụng này là một cán bộ xuất sắc về mọi mặt. “Cô SN 84, vào nghề năm 2004, có khoảng 5 năm công tác ở bộ phận tín dụng. Chồng Chi làm doanh nghiệp, gia đình hai bên có điều kiện kinh tế khá, trong công việc Chi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí còn vượt trội so với mọi người. Chi hiện đang quản lý 13 khách hàng. Khi sự việc xảy ra, chúng tôi xác minh các khoản vay của những khách hàng này thì đều đảm bảo, họ cũng cam đoan Chi không có vấn đề gì trong tiền nong…” - ông Ngô Anh Tuấn trao đổi.

1 1
Nội dung Phòng Kiểm tra nội bộ ngân hàng Agribank tỉnh làm việc với anh
Lê Văn Cương.

Về lá đơn tố cáo của anh Lê Văn Cương, ông Ngô Anh Tuấn xác định, đấy là vấn đề giao dịch “bên ngoài” giữa hai người chứ không liên quan gì đến ngân hàng. Như đơn tố cáo nêu, cô Chi có hành vi lợi dụng tín nhiệm của khách hàng để thực hiện chuyện vay mượn, đảo khế…

Những việc làm đó trái với đạo đức nghề nghiệp của một cán bộ tín dụng, chẳng lẽ ngân hàng không kiểm tra làm rõ?. Ông Ngô Anh Tuấn cho biết: Sự việc này Agribank tỉnh giao phòng Kiểm tra nội bộ nhiệm vụ xác minh đơn thư; ngày 1/12, Phòng đã tổ chức buổi làm việc giữa các bên liên quan nhưng do anh Cương đi làm ăn xa nên phải tạm hoãn… “Chúng tôi không liên lạc được với Chi nhưng thường hỏi thăm tình hình qua người thân và biết mọi người đang tập trung giải quyết vấn đề này. Sự việc xảy ra là đáng tiếc nhưng cô ấy mà vi phạm pháp luật thì ngân hàng sẽ xử lý theo quy định…” - ông Tuấn nói thêm.

Sáng 7/12/2015, Phòng Kiểm tra nội bộ Agribank tỉnh đã tổ chức buổi làm việc giữa các bên liên quan, tuy nhiên, chỉ có anh Lê Văn Cương dự còn Phạm Thị Huyền Chi vắng mặt. Lý do, theo ông Nguyễn Thế Hùng - Trưởng phòng Kiểm tra nội bộ Agribank tỉnh thì “chồng cô Chi nói cô ấy hiện đang chăm sóc con nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Thụy Điển (Hà Nội) không thể về được”.

Nội dung buổi làm việc thể hiện tại biên bản, theo đó, Agribank tỉnh ghi nhận nội dung đơn của anh Lê Văn Cương, nhưng xác định việc vay mượn tiền là sự thỏa thuận “tự nguyện” giữa hai bên; do Phạm Thị Huyền Chi đang nghỉ việc theo quyết định của Tổng giám đốc Agribank Trung ương cho đến ngày 15/1/2016, khi đi làm trở lại sẽ yêu cầu tường trình rõ sự việc; về nội dung anh Cương đề nghị Ngân hàng Agribank giải quyết để đảm bảo quyền lợi của công dân, do Phạm Thị Huyền Chi là cán bộ của ngân hàng nên Agribank thành phố Vinh và tỉnh trên quan điểm không bao che cán bộ làm sai, sẽ có trách nhiệm đôn đốc, giải pháp để cán bộ tín dụng này hoàn trả lại tiền...

Vậy, có hay không việc nữ cán bộ tín dụng Phạm Thị Huyền Chi lợi dụng sự tín nhiệm của khách hàng?, Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng trao đổi: “Đây là vấn đề xảy ra bên ngoài nên chúng tôi không thể xác định được. Dù không liên lạc được với cô Chi nhưng chúng tôi biết hiện nay gia đình đang tập trung khắc phục hậu quả; anh Cương qua làm việc cũng không còn căng thẳng. Hơn nữa, hiện anh ấy đã gửi đơn đi nhiều nơi, kể cả cơ quan pháp luật. Nếu các cơ quan này làm rõ cô Chi có sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý cán bộ…”.

1
Nhân viên ngân hàng tiếp xúc với khách hàng để tiếp nhận, thẩm định hồ sơ ban đầu (Ảnh Internet) .

Cán bộ tín dụng là người đầu tiên tiếp xúc, thẩm định hồ sơ khách hàng của ngân hàng; nếu thiếu đi đạo đức nghề nghiệp, vì tư lợi hoặc có hành vi cố ý làm trái thì ngân hàng sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường. Trong vụ việc nữ cán bộ Phòng giao dịch Agribank Nghi Phú bị khách hàng viết đơn tố cáo, do người bị tố cáo vắng mặt nên nội dung “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa thể xác định. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà Ngân hàng Agribank thành phố Vinh và tỉnh cần quan tâm làm rõ chứ không nên chờ đợi ở cơ quan pháp luật. Có làm được như vậy, bên cạnh thể hiện vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý, ngân hàng mới chấn chỉnh được đội ngũ cán bộ, nhân viên của mình!

 Hà Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới