Nhiều điểm du lịch tại Nghệ An đang phải đào tạo lại hướng dẫn viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cần được giải quyết, tháo gỡ của ngành Du lịch Nghệ An thời điểm hiện nay. Bởi nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này đang thiếu và yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút và phục vụ du khách...

Thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề

Mô hình du lịch cộng đồng ở làng Lung, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn) vừa được Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) thử nghiệm đã mang đến niềm hy vọng cho bà con dân tộc Thổ nơi đây.

Tuy nhiên, như người xưa nói “Vạn sự khởi đầu nan”, mô hình du lịch ở làng Lung bước đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn nhân lực, từ khâu đón tiếp, hướng dẫn, thuyết minh đến chế biến, phục vụ đều thiếu và chưa qua đào tạo, thậm chí chưa được tập huấn ngắn hạn nên chỉ phục vụ những gì “mình có”, chưa đáp ứng được thứ “khách cần”.

bna_1.jpg
Hướng dẫn viên Lê Minh Thùy giới thiệu về văn hóa, phong tục dân tộc Thổ ở làng Lung, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn). Ảnh: Công Kiên

Chị Lê Minh Thùy - hướng dẫn viên ở làng Lung cho biết: “Tôi chưa qua trường lớp đào tạo về nghiệp vụ du lịch, bước đầu đang sử dụng những hiểu biết về đời sống, văn hóa và phong tục của dân tộc mình để thuyết minh cho khách du lịch".

Mô hình du lịch cộng đồng vừa manh nha như làng Lung gặp khó khăn là chuyện dễ hiểu, bởi nhiều điểm đến đã hoạt động được nhiều năm vẫn đang gặp khó về nhân lực. Đơn cử, Khu du lịch sinh thái Hòn Mát (Nghĩa Đàn) đã được nhiều du khách biết đến, nhưng hiện vẫn gặp khó về nguồn lực lao động, nhất là bộ phận đầu bếp và lễ tân.

Ở lĩnh vực lưu trú cũng không khả quan hơn khi nguồn nhân lực đang khan hiếm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều lao động chuyển việc làm khác, trong khi các trường nghề không kịp đào tạo để đáp ứng. Điều đó buộc một số cơ sở lưu trú phải sử dụng lao động chưa qua đào tạo dẫn đến chất lượng phục vụ giảm sút.

bna_3.jpg
Hội thi chế biến các món ăn từ sen. Ảnh: Công Kiên

Bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc chi nhánh Vietravel Nghệ An cho rằng, mảng lữ hành luôn thiếu lực lượng lao động có chuyên môn sâu và giỏi ngoại ngữ để mở rộng đối tượng và nắm bắt nhu cầu khách hàng.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra đầu tháng 12/2023, ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nguồn nhân lực du lịch trong tỉnh được đào tạo giai đoạn 2021-2023 có hơn 8.100 người. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo còn hạn chế, trong tổng số được đào tạo có tới 70% người chỉ được đào tạo 3 tháng.

Đẩy mạnh đào tạo và tự đào tạo

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực ngành Du lịch còn thiếu và yếu, trong đó, phải kể đến tác động của đại dịch Covid-19. Trong thời điểm diễn ra đại dịch, các cơ sở du lịch phải tạm dừng hoạt động, buộc lực lượng lao động phải tìm công việc khác để mưu sinh.

Đến đầu năm 2022, khi thực hiện chủ trương mở cửa, khôi phục các hoạt động du lịch, ngành Du lịch Nghệ An thiếu khoảng 12.000-15.000 lao động.

bna_2.jpg
Hội thi chế biến ẩm thực tại thị xã Cửa Lò. Ảnh: Công Kiên

Bên cạnh đó, theo ông Phan Đăng Trường – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Du lịch – Thương mại Nghệ An, phần lớn sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đều đến resort nổi tiếng ở các tỉnh, thành phố trong nước làm việc và không có ý định trở về quê hương. Nguyên nhân bắt nguồn từ hoạt động du lịch ở Nghệ An chưa phát triển, mức thu nhập chưa cao và không phát huy được tay nghề.

Ở chiều ngược lại, các cơ sở du lịch phản ánh việc đào tạo nhân lực ở một số trường còn bất cập, học chưa gắn với hành, kiến thức được trang bị chưa gắn với thực tế. Đơn cử như ở Khách sạn Lam Giang (TP. Vinh), sau khi tiếp nhận sinh viên mới ra trường, cơ sở phải đầu tư kinh phí để đào tạo lại.

Dưới góc nhìn của người làm lữ hành, ông Nguyễn Huỳnh Sương – Giám đốc Công ty Du lịch Đông Dương cho rằng, cần phát triển, mở rộng mạng lưới đào tạo nghề, đào tạo nhân sự chất lượng cao tại địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Du lịch.

Các doanh nghiệp cần chung tay cùng cơ quan quản lý Nhà nước để nâng cao kiến thức nghiệp vụ. Riêng đối với hướng dẫn viên, cần tổ chức các khóa đào tạo định kỳ kiểm tra nghiệp vụ, xây dựng tiêu chí, cơ sở đánh giá và phân hạng nhân lực.

bna_4.jpg
Tập huấn nghiệp vụ lễ tân. Ảnh: Công Kiên

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Với vai trò quản lý Nhà nước, Sở Du lịch đã tổ chức các lớp tập huấn đào tạo ngắn hạn, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các cơ sở kinh doanh du lịch. Các lớp tập huấn về nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ buồng - bàn cho các cơ sở lưu trú và kỹ năng giao tiếp cho các khu, điểm du lịch đã được mở và thu hút đông đảo người lao động tham gia.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các trường đào tạo nguồn lực du lịch ở các tỉnh, thành phố lớn tổ chức các cuộc thi kỹ năng, nghiệp vụ. Nổi bật là cuộc thi hướng dẫn viên du lịch của các khu, điểm du lịch và các cơ sở đào tạo diễn ra sôi nổi hàng năm.

Sở Du lịch đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú tự huấn luyện, đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên. Ngay cả đội ngũ cán bộ quản lý du lịch từ tỉnh đến huyện, xã cũng cần được nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động du lịch. Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hy vọng thời gian tới chất lượng nguồn nhân lực sẽ được nâng cao, số lượng nhân viên được đào tạo tăng lên, đảm bảo chất lượng phục vụ.

ÔNG NGUYỄN MẠNH CƯỜNG - GIÁM ĐỐC SỞ DU LỊCH

Tin mới