Nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ

(Baonghean) - Một vấn đề đang được HĐND tỉnh và cử tri quan tâm là các nông, lâm trường (NLT), tổng đội TNXP - XDKT (TĐ) được giao quản lý và sử dụng số diện tích đất lớn, nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả; trong khi đó, người dân địa phương không có đất để sản xuất, dẫn đến tình trạng tranh chấp ở một số địa phương. 

Xí nghiệp chè Bãi Phủ (huyện Anh Sơn) được giao quản lý và sử dụng 524,46 ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó, có hơn 419 ha đất nông nghiệp; 32 ha đất rừng; số còn lại đất hoang, khe suối, ao, đập, đường giao thông, đất phi nông nghiệp. Hiện tại, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được xí nghiệp đưa vào sử dụng thông qua giao khoán cho hơn 1.000 hộ để trồng chè, mía, ngô, đậu, lạc; gần 7 ha đất phi nông nghiệp làm văn phòng cơ quan, xưởng chế biến chè... 
Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý và sử dụng đất tại  Xí nghiệp chè Bãi Phủ.
Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý và sử dụng đất tại Xí nghiệp chè Bãi Phủ.
Theo quy định, Xí nghiệp chè Bãi Phủ là chủ thể được Nhà nước giao quản lý và sử dụng đất phải có trách nhiệm lập quy hoạch sử dụng đất gắn với lựa chọn, đưa các cây, con vào sản xuất đảm bảo đúng quy hoạch; thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho các hộ... Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, xí nghiệp chủ yếu “khoán trắng” cho các hộ nhận khoán. Mối quan hệ giữa các hộ viên nhận khoán với xí nghiệp chỉ dừng lại ở việc hàng năm bên nhận khoán, có trách nhiệm nộp cho bên giao khoán nghĩa vụ tài chính phục vụ cho công tác quản lý là 3% trong tổng giá trị của 60% sản phẩm mà xí nghiệp giao của các hộ trên diện khoán. Điều này chính ông Nguyễn Văn Đông – Giám đốc Xí nghiệp chè Bãi Phủ cũng thừa nhận: Công tác quản lý đất được giao quản lý của xí nghiệp chưa thực sự chặt chẽ. Có một số hộ viên đã tự ý xây dựng nhà ở trên phần đất nhận khoán và tình trạng lấn chiếm đất vẫn xảy ra. Việc quy hoạch đất đai, bố trí cây trồng cũng như chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa thực sự được quan tâm, cho nên có một số hộ viên tự ý cơ cấu trồng một số loại cây khác ngoài quy hoạch của xí nghiệp như cây cam chẳng hạn. Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, có thể khẳng định, Xí nghiệp chè Bãi Phủ chưa làm tròn vai trò chủ thể quản lý và sử dụng đất mà Nhà nước giao.
Còn tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Con Cuông, qua khảo sát thực tế, đất đai do đơn vị quản lý không có tình trạng đất trống, đất bỏ hoang và tranh chấp, lấn chiếm, chỉ có một số diện tích đất bị cấp trùng bìa, chồng lấn. Ngoài chức năng quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đơn vị cũng đã thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn, định hướng lựa chọn cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật lâm nghiệp cho người dân sản xuất trên 698 ha diện tích rừng sản xuất được quản lý, bao gồm mét, bồ đề và keo. Hiệu quả bình quân mỗi héc ta trồng mét, bồ đề trong chu kỳ 6 năm đạt 40 triệu đồng (trừ tiền đầu tư ban đầu, tiền quản lý, bảo vệ, người dân lãi 31 triệu/ha/6 năm); cây mét, trừ chi phí, người dân thu 10 - 12 triệu/ha/năm. Ông Nguyễn Đức Sơn - Giám đốc Công ty khẳng định: Cho đến thời điểm này, tại Con Cuông, những diện tích đất lâm nghiệp chưa có loại cây nào cho hiệu quả kinh tế hơn các cây trồng mà đơn vị đã triển khai trồng. Vấn đề đặt ra là với việc được giao quản lý trên 5.000 ha rừng tự nhiên, nhưng đơn vị không có nguồn kinh phí nào để phục vụ bảo vệ, trong khi đó, Chính phủ đã chủ trương “đóng cửa rừng” trong nhiều năm nay. Không được khai thác rừng để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; lại không được cấp nguồn kinh phí hỗ trợ, nên khó khăn cho đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài những vấn đề ông Sơn nêu, qua khảo sát chúng tôi thấy, tại đây còn có 67 ha đất hiện do 36 hộ dân sinh sống, canh tác đến nay vẫn chưa có giải quyết thủ tục sở hữu đất đai theo quy định.   
Cùng với các vấn đề nêu trên, quá trình cùng với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát tình hình quản lý và sử dụng đất, chúng tôi nhận thấy, việc quản lý, sử dụng đất của các NLT, TĐ trên địa bàn tỉnh đang bộc lộ những bất cập. Tình trạng liên doanh, liên kết, chuyển nhượng trong việc khai thác, sử dụng đất còn tùy tiện. Trước đây, các NLT, TĐ được tỉnh giao đất trên giấy tờ, bản đồ, chứ không phải trên thực địa, nên lâu nay, các đơn vị quản lý không có mốc giới, dẫn đến chồng chéo, trùng lặp và  tranh chấp đất đai. Đơn cử, tại Xí nghiệp chè Bãi Phủ, qua rà soát đến ngày 31/12/2013, có 453,33 ha/524,46 ha trên giấy tờ được giao. Mặt khác, triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, ngày 16/6/2003 Bộ Chính trị “về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh” và Nghị định số 170/2004/NĐ-CP và 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các chính sách và giải pháp đổi mới NLT, các NLT đã chuyển đổi mô hình tổ chức thành các công ty TNHH một thành viên nông - lâm nghiệp, các công ty cổ phần và các Ban Quản lý rừng phòng hộ. Khi chuyển đổi thành các doanh nghiệp, bắt buộc các đơn vị phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất đối với các diện tích được giao quản lý, kể cả những diện tích không phát huy hiệu quả hay đường sá, khe, suối, hồ đập, núi đá. Vì vậy, thời gian qua, các đơn vị đã chủ động rà soát lại diện tích trên thực trạng và đang đề xuất phương án trả lại cho các địa phương quản lý các diện sản xuất không đúng nhiệm vụ của đơn vị; những diện tích sông, suối, khe, hồ, đường sá; những diện tích bị người dân xây dựng nhà ở ổn định từ 3 thế hệ nay. Việc tổ chức chuyển đổi các TĐ sang một hình thức quản lý và sản xuất mới như tại Tổng đội TNXP6 – XDKT cũng đang đặt ra những khó khăn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án mới...
Ông Vi Lưu Bình – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: Việc thành lập, các NLT, TĐ phù hợp với giai đoạn lịch sử nhất định, song ở giai đoạn này, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó ngày càng mờ nhạt. Đơn cử ở vai trò hạt nhân trong việc chuyển giao KHKT để hình thành từng vùng sản phẩm nông nghiệp có quy mô lớn ở từng địa bàn của các NLT, TĐ không còn rõ nét, bởi hiện nay, việc chuyển giao KHKT không phải duy nhất một phương pháp “tay chỉ việc”, xây dựng mô hình trình diễn, mà thực tế nó được chuyển tải qua rất nhiều kênh thông tin báo chí, truyền hình, tham quan và học tập mô hình... Và xét ở vai trò giữ đất và tổ chức sản xuất, kinh doanh trên diện tích đất được giao cho có hiệu quả, thì các NLT, TĐ chưa đạt đến. Từ những tồn tại đang đặt ra thì việc sắp xếp, tái cơ cấu các NLT, TĐ là cần thiết. Và Nghị quyết số 30/NQ-TƯ, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp”; Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 11/05/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính tri, đã thể hiện khá rõ nét viêc khắc phục các bất cập, hạn chế đang đặt ra trong các NLT, TĐ. Khó nhất hiện nay là làm rõ đất đai, vì quá trình có sự biến thiên. Khó thứ 2 là xử lý các vấn đề tồn tại như vấn đề nhà ở trên đất, hay việc thực hiện các cơ chế khoán theo các Nghị định 01, Nghị định 200 và Nghị định 135, vô hình trung làm cho người dân ngầm hiểu đó là đất của gia đình mình, vì thế hệ đời ông chuyển sang đời cha, rồi đời con... 
Từ thực tiễn khảo sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị các NLT, TĐ rà soát, kiểm kê lại diện tích đất được giao quản lý, trên cơ sở đó đề xuất cho các cấp chính quyền phương án quản lý từng loại đất; đồng thời, triển khai quản lý và sử dụng hiệu quả diện tích mình trực tiếp quản lý; một mặt phối hợp với chính quyền, các ngành để xử lý các vấn đề đang đặt ra. Về phía Sở NN & PTNT, cần nghiên cứu để đề xuất phương án nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp, trong đó, chú trọng đặt lợi ích của các nông trường viên, các hộ dân và đảm bảo quản lý, sử dụng, thuê đất hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất với tỉnh việc chuyển đổi các nông, lâm trường theo mô hình quản lý nào, đơn vị hoạt động công ích hay kinh doanh...
Bài, ảnh: Mai Hoa

Tin mới