Những ngày thu lịch sử...

(Baonghean) - Những ngày tháng 9 lịch sử này, ký ức về một thời cách mạng sôi nổi, về không khí của Tết độc lập đầu tiên lại ùa về với những người cựu binh già. Đó là ngày mà triệu triệu người dân Việt từ thân phận một người dân nô lệ trở thành công dân của một đất nước độc lập…

Tôi tìm đến nhà của nhà giáo già Nguyễn Danh Ba (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn) đúng vào lúc ông và những người bạn của mình đang cùng nhau theo dõi bài thơ của ông được phát trên sóng phát thanh. 94 tuổi nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm. Đón tôi, ông hào hứng “khoe” bài thơ vừa được phát: “Bảy mươi năm trọn đã trôi qua/Ký ức còn lưu chẳng nhạt nhòa/Đập nát gông cùm quân “phát xít”/Đập tan xiềng xích bọn sai nha/Rũ bùn đứng dậy dân làm chủ/Liềm búa dương cao dựng nước nhà/Hiện đại văn minh đời đổi mới/Tuyên ngôn độc lập mãi vang xa”…
Bài thơ đưa ông trở về với tuổi 20 đầy sôi nổi. Lúc bấy giờ, dưới gông cùm của giặc Pháp và phát xít Nhật, người dân trong làng phải chịu cảnh đói khát, khổ sở, cuối những năm 1944 đầu những năm 1945 phong trào cách mạng ở làng sôi sục hơn bao giờ hết. Ông chưa quên những ngày trong nạn đói năm 1945 khi giặc Nhật bắt nhân dân nhổ lúa, ngô trồng đay, nhân dân trong xã đã vùng lên đấu tranh và sự kiện 3 người nông dân Nguyễn Trọng Thiều, Bùi Danh Dật, Nguyễn Hữu Nghiêm làm đơn khiếu nại Tri huyện Nam Đàn gây chấn động vùng quê. Sau đó, họ bị bắt giam, bị tra khảo, đánh đập dã man nhưng nhất quyết không chịu khuất phục, không khai nhận người nào đứng ra chỉ đạo. Đây cũng là lúc Ban Mặt trận Việt Minh xã Thanh Thủy được thành lập và ông Ba khi ấy, dù chỉ mới ngoài 20 tuổi đã vinh dự là 1 trong 4 thanh niên được bầu vào làm Đội tuyên truyền tự vệ.
Cụ Bùi Danh Ba (bên phải) kể chuyện về những ngày tham gia  cách mạng.
Cụ Bùi Danh Ba (bên phải) kể chuyện về những ngày tham gia cách mạng.
Vinh dự đã làm thay đổi con người, nhận thức của chàng thanh niên Nguyễn Danh Ba vốn sinh ra trong gia đình có “của ăn của để” của làng. Ông được giao nhiệm vụ sáng tác và rải truyền đơn, vận động quần chúng tham gia các hội của Mặt trận Việt Minh. Thời điểm đó, trong làng  đi đến đâu cũng nghe vang lên bài hát “Thanh niên ơi quốc gia đến ngày giải phóng”. Ông và các thành viên còn dựng vở tuồng “Đội Cung” và đi công diễn khắp làng trên, xóm dưới để cổ vũ tinh thần cách mạng. Việc bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương cũng được giao cho thanh niên, đội du kích và đội tự vệ đảm nhiệm. Khí thế cách mạng sôi sục, chưa bao giờ người dân lại mong ngày giành chính quyền đến thế.
Chỉ 2 tháng sau ngày Ban Mặt trận Việt Minh huyện Nam Đàn phát truyền đơn kêu gọi giành chính quyền, Nam Thanh là xã đầu tiên trong cả tỉnh giành được chính quyền. Tiếp đó, dưới sự chỉ huy của Mặt trận Việt Minh, nhân dân trong xã cùng với người dân cả huyện nhất tề đứng lên giương cao cờ đỏ sao vàng kéo đến Thị trấn Sa Nam giành chính quyền ở huyện. Nhớ lại giờ phút lịch sử đó, ông Ba không giấu nổi niềm tự hào: Lúc đó tôi nằm trong Ban Chấp hành Thường vụ Thanh niên cứu quốc của huyện và được giao nhiệm vụ hô khẩu hiệu. Đoàn  người kéo dài 4 - 5 cây số, vũ khí chẳng có gì, chỉ có gậy gộc đơn sơ mà đi đến đâu như “sóng trào” đến đó. Tiếng hô “ Đả đảo phát xít!”, “Nhật là kẻ thù số 1 của Đông Dương!” vang vọng khắp vùng”...
Cũng dòng ký ức về những ngày tháng 8 lịch sử đó, ông Nguyễn Danh Châu, người anh em và cũng là người đồng chí của ông Nguyễn Danh Ba lại nhớ đến không khí của những ngày sau cách mạng thành công. Đặc biệt sau sự kiện Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình lịch sử, người dân Nam Đàn dâng lên niềm tự hào khi biết rằng người lãnh đạo cách mạng thành công lại là một người con của quê hương Nam Đàn. Tết Độc lập đầu tiên được tổ chức ngay tại đình Đức Nam, cũng chính là trụ sở Ủy ban cách mạng lâm thời xã Nam Thanh. Khi đó, thông tin chưa nhiều, cũng không có cờ, không có hoa… nhưng biết tin ở Thủ đô Hà Nội đang mít tinh người dân Nam Thanh hừng hực khí thế. Chỉ trong 1 ngày, bà con ra quân, san phẳng một ngọn đồi bên đình Đức Nam để cải tạo thành sân vận động, tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng của xã. Nói về ngày trọng đại này, cụ Bùi Danh Châu xúc động kể: Bố tôi chỉ vì tham gia chống Pháp mà bị bắn chết ở bến làng Sa Nam ngay trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Cách mạng thành công, đất nước hòa bình độc lập và  bố tôi ở dưới kia cũng thỏa được ước mơ, thỏa được chí hướng của mình….
Lễ duyệt Đội ở thôn Đông Kỷ B, xã Diễn Kỷ (Diễn Châu).
Lễ duyệt Đội ở thôn Đông Kỷ B, xã Diễn Kỷ (Diễn Châu).
Chia tay làng quê cách mạng Nam Thanh, trở về Thành phố Đỏ anh hùng, tìm gặp ông Hà Văn Tải, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An. Nói về ngày Tết Độc lập đầu tiên với giọng bồi hồi xúc động, ông gói gọn rằng: Sự kiện 2/9/1945 đã làm thay đổi vận mệnh đất nước và vận mệnh mỗi người dân đất Việt. Từ đây nước Việt Nam từ một nước bị nô lệ áp bức trở thành một nước độc lập, tự do được cả thế giới công nhận, dân mình làm chủ nước mình. Riêng tôi, nếu không có sự kiện trọng đại đó, chắc chỉ là một học sinh rồi trở về làm anh giáo làng mà không có cơ hội được cống hiến sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt thành cách mạng cho Đảng, cho đất nước...
Điều đặc biệt, thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử dân tộc đã 70 năm trôi qua, cũng là ngần ấy thời gian các cụ Bùi Danh Châu, cụ Bùi Danh Ba, cụ Hà Văn Tải được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Những ký ức hào hùng về mùa Thu lịch sử 70 năm trước không chỉ còn nguyên vẹn trong tiềm thức của những cán bộ tiền khởi nghĩa mà đối với mỗi người con đất Việt, đó là động lực, là sức mạnh để mỗi chúng ta quyết tâm xây dựng đất nước, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và thực hiện được Di huấn thiêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng, to đẹp hơn.
Mỹ Hà

Tin mới