Niềm tự hào của Điện ảnh Việt Nam

(Baonghean) - Nghệ sỹ nhân dân (NSND) Hải Ninh là đạo diễn có tên tuổi, cây đại thụ của nền Điện ảnh Việt Nam. Ông là thế hệ nghệ sỹ Điện ảnh đầu tiên được nhận danh hiệu NSND (1984), Giải thưởng Hồ Chí Minh (2007) và Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva cho bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.

Đạo diễn Hải Ninh (SN 1931) tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Tốt nghiệp khóa Biên kịch - Đạo diễn đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam, năm 1959, ông về công tác ở Xưởng phim truyện (nay là Hãng phim truyện Việt Nam) và trở thành đạo diễn chính của 12 phim truyện nhựa, 3 phim tài liệu nghệ thuật nổi tiếng, như: Một ngày đầu Thu, Người chiến sỹ trẻ, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du, Đất Mẹ và Thành phố trước lúc rạng đông...

NSND Hải Ninh

NSND Hải Ninh từng là Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1996.

Những thước phim của Hải Ninh không chỉ ghi lại những chặng đường hào hùng của đất nước, mà còn mang niềm tự hào cho điện ảnh dân tộc với hàng loạt giải thưởng quốc tế. Đó là phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” giành Giải thưởng Hội đồng hòa bình thế giới cùng giải tại Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) Mátxcova (NSND Trà Giang nhận Giải diễn viên nữ xuất sắc nhất của phim này); Phim “Em bé Hà Nội” Giải thưởng đặc biệt của Hội đồng Giám khảo LHPQT Mátxcơva; “Mối tình đầu” được trao giải Nhất UNESCO và giải Bạc LHPQT tân hiện thực, và giải thưởng lớn Bồ Câu Vàng tại LHPQT Laixích cho phim Tài liệu “Thành phố trước lúc rạng đông”... Ông được Hội Điện ảnh Việt Nam vinh danh “Thành tựu trọn đời” năm 2009.

Dù năm tháng đã qua các tác phẩm của Hải Ninh vẫn mang giá trị xuyên suốt thời gian, luôn nóng hổi thông điệp của cuộc sống. Trong mỗi bộ phim của ông đều tràn ngập lòng yêu nước, niềm đam mê nghề nghiệp cùng tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm cẩn, sự xả thân vì sáng tạo để đi đến thành công. Ông tâm sự: “Yếu tố quan trọng làm nên sức sống cho tác phẩm là sự phản ánh chân thật hiện thực. Điều này đòi hỏi vốn sống phong phú của người nghệ sỹ”. Phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” khởi nguồn từ những chuyến đi của ông và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ vào giới tuyến Vĩnh Linh, vượt qua bom đạn để thâm nhập thực tế. Câu chuyện cảm động về chị Diệu, một cơ sở cách mạng trong lòng địch đã trở thành nguồn cảm hứng để hai người viết nên kịch bản phim”. Với ông, vốn sống là đôi cánh huyền diệu và đầy ma lực để người nghệ sỹ bay lên trong không gian sáng tạo, đó chính là viên gạch để ông cùng các nghệ sỹ tài danh Trà Giang, Lâm Tới, Hồ Anh Thái... làm nên bộ phim sử thi hoành tráng, giúp bạn bè thế giới thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn với cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta.

Còn với bộ phim “Em bé Hà Nội” (1974), những chi tiết xúc động, giàu tính nhân văn sâu sắc một lần đưa Điện ảnh Việt Nam ra ngoài biên giới để bạn bè quốc tế khâm phục. Không chỉ giành giải thưởng lớn, bộ phim còn được trình chiếu ở nhiều nước, như một tờ báo Nhật lý giải: “Em bé Hà Nội” đến được với nhân dân Nhật bởi phim mang tiếng nói đồng loại”.

Trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975 có Hải Ninh. Bộ phim “Thành phố trước lúc rạng đông” thành công vang dội chính nhờ có những ngày tháng xông pha chiến trận cùng những đoàn quân tốc chiến, tốc thắng trong thời khắc lịch sử của dân tộc, đồng thời đi vào vấn đề xã hội quan trọng, định hướng tư tưởng cho lớp trẻ sau ngày giải phóng.

Lòng đam mê sáng tạo và bản lĩnh nghề nghiệp của người đạo diễn tài năng, một lần nữa được kết tinh vào bộ phim “Mối tình đầu” phản ánh chân thật và sống động xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Phim này, Đạo diễn Hải Ninh và NSND Thế Anh đã thêm một lần khẳng định tài năng sáng tạo thành công ở thể loại phim anh hùng ca và tâm lý xã hội. Trong nước, phim đạt kỷ lục người xem chưa từng có, để tên tuổi Hải Ninh mãi trở thành niềm tự hào của Điện ảnh Viết Nam.

Hải Ninh không phải là người Hà Nội, nhưng sự nghiệp sáng tác điện ảnh lại gắn với mảnh đất này. Ngoài những bộ phim được xem là kinh điển của Điện ảnh Việt Nam như: “Em bé Hà Nội”, “Đêm hội Long Trì”,... hiện nay, ông đã hoàn thành xong kịch bản “Người mẹ Hà Nội”, bởi theo ông, “Hà Nội đã cho tôi tâm hồn nghệ sỹ, đã nuôi lớn niềm đam mê sáng tạo và là người mẹ điện ảnh của tôi”. Ông muốn làm một bài ca đẹp về những người mẹ Hà Nội dịu dàng, tần tảo, hy sinh hết mình cho con cái, là hiện thân của phụ nữ Việt Nam. Trong phim của ông, Hà Nội luôn hiện lên đẹp đẽ, hào hoa, anh dũng. Một Hà Nội mang tính sử thi trong những thời điểm oai hùng nhưng cũng rất lãng mạn, cổ kính, thanh lịch và đầy chất thơ.

Đã bước vào tuổi 82, đạo diễn Hải Ninh giờ sống trong ngôi nhà vườn đầy ắp bao kỷ vật, hoài niệm về điện ảnh. Ông cũng rất mãn nguyện với 2 người con đang nối nghiệp mình đã thành danh. Con trai đạo diễn, NSƯT Nguyễn Thanh Vân với phim “Đời Cát”; Con dâu đạo diễn, NSƯT Phạm Nhuệ Giang với phim “Thung lũng hoang vắng”, đều giành được giải cao LHP trong nước và quốc tế.

Lê Lân (47, Đặng Thúc Hứa, Vinh)

Tin mới