Nỗ lực cao nhất, không để dư âm Tết ảnh hưởng đến công việc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, cán bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp thực hiện tốt những nhiệm vụ đề ra.

Chuyển động từ cơ sở

Trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (mùng 6 Tết), lãnh đạo huyện Thanh Chương đã thành lập các đoàn công tác đến các địa phương, doanh nghiệp và nhiều xứ đồng để động viên, đốc thúc doanh nghiệp và người dân đẩy nhanh tiến độ các phần việc. Đó là đẩy nhanh việc hoàn thành gieo cấy vụ xuân 2023 với mục tiêu cơ cấu giống mới, năng suất, chất lượng cao.

Đồng thời, lãnh đạo huyện thăm các công trình xây dựng, làm việc với nhà đầu tư để phối hợp giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng… để sớm đưa dự án vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Từ mùng 3 Tết, bà con nông dân nhiều địa phương đã xuống đồng gieo cấy lúa vụ xuân. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Từ mùng 3 Tết, bà con nông dân nhiều địa phương đã xuống đồng gieo cấy lúa vụ xuân. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Sau khi thị sát một số địa phương, doanh nghiệp, ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương vui mừng cho biết: “Lĩnh vực nông nghiệp, trong những ngày Tết, bà con nông dân các địa phương đã ra đồng, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật để thâm canh cho năng suất hiệu quả cao. Cùng đó, huyện đang tích cực cùng đối tác Nhật Bản, sớm đưa nhà máy may ở xã Thanh Liên đi vào hoạt động trong tháng Giêng năm 2023. Nhà máy này khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và giai đoạn 2 có thể giải quyết việc làm cho 1.500 lao động. Huyện cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Đò Cung kết nối với huyện Đô Lương; đồng thời đẩy nhanh xây dựng tuyến đường từ xã Ngọc Sơn đi Nam Hưng- Nam Đàn, kết nối Khu di tích lịch sử Truông Bồn với đền Bạch Mã và Cửa khẩu Thanh Thủy. Đặc biệt, quyết tâm lớn đặt ra cho huyện Thanh Chương là xây dựng nông thôn mới. Bởi năm 2023, cả tỉnh Nghệ An có 9 xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới thì huyện Thanh Chương có 6 xã…”.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương xuống đồng động viên bà con sản xuất trong ngày mùng 6 Tết. Ảnh: Hùng Trần

Lãnh đạo huyện Thanh Chương xuống đồng động viên bà con sản xuất trong ngày mùng 6 Tết. Ảnh: Hùng Trần

Còn tại thị xã Hoàng Mai, một trong những địa bàn được xác định trọng điểm của tỉnh, cấp ủy, chính quyền cùng doanh nghiệp và người dân cũng đặt quyết tâm cao thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đặc biệt, năm 2023, thị xã kỷ niệm 10 năm thành lập. Chính vì vậy, thị xã phối hợp chặt chẽ các cấp, ngành, nhà thầu đẩy nhanh các công trình trọng điểm.

Ông Nguyễn Hữu An - Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết thêm: Hiện tại, Khu công nghiệp Hoàng Mai I đã thu hút được các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), như Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô giai đoạn 1 của Tập đoàn quốc tế Ju Teng (Đài Loan) và Dự án Sản xuất gia công giày, dép xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Lợi (Đài Loan). Cả 2 dự án đầu xây dựng từ tháng 9/2022 và dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong quý III/2023. Điều đó góp phần tích cực nâng tầm cho thị xã Hoàng Mai nói riêng và cả tỉnh nói chung trong thu hút đầu tư nước ngoài. Thị xã cũng đang tích cực kết nối với các sở, ngành và nhà đầu tư để đẩy nhanh khởi động xây dựng Khu công nghiệp Hoàng Mai II. Trên cơ sở đó, tinh thần hoạt động của cán bộ, đảng viên và các cấp, ngành của thị xã là phải khẩn trương hơn, hiệu quả hơn…”.

Sau những ngày nghỉ Tết, trưa mùng 4 Tết, nhiều chủ tàu cá ở TX. Hoàng Mai đã chuẩn bị ngư cụ cho chuyến mở biển đầu năm. Ảnh tư liệu: Thanh Yên

Sau những ngày nghỉ Tết, trưa mùng 4 Tết, nhiều chủ tàu cá ở TX. Hoàng Mai đã chuẩn bị ngư cụ cho chuyến mở biển đầu năm. Ảnh tư liệu: Thanh Yên

Đốc thúc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra

“Không để dư âm Tết ảnh hưởng đến công việc!”. Khẩu hiệu đó đã được các cấp, ngành cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động ngay từ đầu năm (dịp trước Tết Nguyên đán). Cùng đó, lãnh đạo các sở, ngành luôn quan tâm quán triệt, siết chặt kỷ cương hành chính, yêu cầu công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc các quy định về ý thức trách nhiệm, quy trình làm việc, tác phong, thái độ, giờ giấc làm việc để phục vụ tốt các yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp, người dân.

Điển hình nhất ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, dịp trước và sau Tết, duy trì nghiêm việc trực xử lý thủ tục hành chính với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, đơn vị. Ngay sau Tết, tất cả các cán bộ được phân công đảm nhận các vị trí đều có mặt, hướng dẫn, giải quyết tận tình chu đáo các thủ tục hành chính cho người dân. Bên cạnh phân công cán bộ trực hướng dẫn, Trung tâm còn cắt cử cán bộ phục vụ việc photocopy miễn phí các giấy tờ liên quan cho người dân, doanh nghiệp đến làm việc.

Cán bộ các sở, ngành trực làm thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Nguyên Nguyên

Cán bộ các sở, ngành trực làm thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Nguyên Nguyên

Hoạt động của trung tâm đã trở thành nề nếp từ lâu nay. Tất cả cán bộ của trung tâm cũng như các sở, ngành đều xây dựng tinh thần, thái độ phục vụ niềm nở, lấy hiệu quả công việc làm thước đo và hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ…”.

Ông Nguyễn Đình Mỹ - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Để tăng tốc phát triển, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (ngày 19/1/2023, tức 28 Tết), Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập 5 Tổ công tác chỉ đạo, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế năm 2023 theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Nguyên Nguyên

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Nguyên Nguyên

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao Tổ trưởng các Tổ công tác chỉ đạo triển khai lập Kế hoạch hoạt động cụ thể của Tổ trong năm 2023 gắn với danh mục các sản phẩm (đối với sản phẩm công nghiệp cần có địa chỉ từng nhà máy cụ thể), địa bàn cần tổ chức kiểm tra, đốc thúc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 15/02/2023.

Các Tổ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra Giám đốc các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra tại Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 18/01/2023 của UBND tỉnh về ban hành nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra Giám đốc các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm chủ lực, trong đó xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công chỉ đạo cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã được UBND tỉnh thông qua.

Một góc khu vực trung tâm thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Một góc khu vực trung tâm thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy

UBND tỉnh giao các Tổ công tác, định kỳ hằng quý, phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê, các sở, ngành, đơn vị có liên quan để cập nhật số liệu thực hiện theo tình hình thực tế, đề ra kịch bản tăng trưởng cho các quý tiếp theo đối với ngành, lĩnh vực được phân công để kiến nghị, đề xuất các biện pháp, giải pháp để tập trung chỉ đạo, điều hành đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cả năm đã đề ra; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư); giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đôn đốc, tổng hợp và báo cáo tình hình hoạt động của các Tổ công tác tại phiên họp UBND tỉnh. Với tinh thần đó, cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp và người dân, tỉnh Nghệ An kỳ vọng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2023./.

Tin mới