Nỗ lực cho từng tiêu chí ở Tương Dương

(Baonghean) - Là một trong những huyện miền núi cao đặc biệt khó khăn, nhưng huyện Tương Dương đặt quyết tâm trong năm 2015 có 2 xã (Tam Thái và Thạch Giám) về đích nông thôn mới (NTM). Với mục tiêu đó, các cấp ủy, chính quyền và người dân đang tích cực chung sức thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu.

Đến xã Tam Thái (Tương Dương), cảm nhận được giá trị thiết thực của việc chung tay, chung sức xây dựng đường giao thông của bà con vùng cao. Theo kế hoạch 12.685m đường trục chính nối các bản cần được cứng hóa, đến thời điểm này, chính quyền và đồng bào xã đã làm được trên 13.045m, vượt 103% so với mục tiêu đề ra. Trước đây, giao thông ở xã Tam Thái thường xuyên sạt lở, xuống cấp. Chỉ sau 4 năm thực hiện phong trào NTM, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã điểm được đầu tư khang trang, sạch đẹp.
Ông Vi Văn Kiều - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái chia sẻ: “Đây quả thực là điều mà anh và nhiều người dân chưa hình dung ra khi mới bắt tay vào xây dựng NTM. Để đảm bảo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân vùng lòng hồ thủy điện Khe Bố, từ thực tế triển khai, xã đã linh hoạt, động viên thêm sức dân làm mới một số tuyến đường. Nhờ được người dân đồng thuận nên ngoài số xi măng do nhà nước hỗ trợ 1.064 tấn, còn lại tất cả kinh phí đều do người dân đóng góp”. 
Đường bê tông NTM ở bản Cam, xã Tam Thái (Tương Dương).
Đường bê tông NTM ở bản Cam, xã Tam Thái (Tương Dương).
Để có được kết quả trên là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của huyện và sự vào cuộc của ban chỉ đạo từ xã xuống bản. Ban đầu công tác tuyên truyền, “đả thông” tư tưởng cho bà con không hề đơn giản. Ông Vi Văn Kiều cho biết thêm: “Khi mới triển khai giải tỏa mặt bằng làm đường bê tông, để đi lại thuận lợi và an toàn, một số đoạn cua hẹp và khuất tầm nhìn, xã, bản phải thiết kế chỉnh nắn lại nhưng do quỹ đất ở ít, người dân cũng tiếc nên không muốn nhượng bộ. Thế nhưng, sau khi được vận động tuyên truyền, nhất là thấy lợi ích thiết thực do làm đường mới mang lại nên người dân đã hiểu và ủng hộ. Khi đã tin, người dân không chỉ góp công, góp tiền để mua cát sỏi mà còn tình nguyện hiến đất, hiến cây để mở đường. Trong vòng 4 năm, mặc dù đời sống còn khó khăn, thu nhập chưa cao nhưng người dân xã Tam Thái góp gần 5 tỷ đồng để làm các công trình hạ tầng”. 
Còn ở bản Chắn, xã Tam Thái là một trong những bản đi đầu trong phong trào làm giao thông NTM và đạt kết quả tốt nhất. Gần 4 km đường nội bản đã được đổ bê tông thay thế những đoạn đường dốc, lầy lội trước đây. Ông Lô Viết Thương – Trưởng BQL bản Chắn cho biết: “Bản có 113 hộ, khi được nhà nước hỗ trợ xi măng, chi bộ và ban cán sự bản đã lên kế hoạch vận động, được người dân đồng ý, mỗi hộ dân đóng gần 10 triệu đồng để làm đường. Mặc dù kinh phí đóng góp khá lớn nhưng bù lại người dân rất phấn khởi vì được hưởng lợi, đi lại thuận tiện hơn, bản làng đẹp hơn. Từ ngày làm xong đường, sinh hoạt đi lại của bà con rất thuận lợi, các phong trào của xã đều được bà con dân bản hưởng ứng rất nhiệt tình”. Thông tin do UBND xã Thạch Giám cung cấp làm chúng tôi nể phục là đồng bào các bản trên địa bàn xã đã đóng góp được trên 11 tỷ đồng để xây dựng NTM.
Không chỉ phát triển cơ sở hạ tầng đường sá, để các xã điểm về đích, huyện Tương Dương còn quan tâm, lồng ghép mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp hệ thống điện, trường, trạm; hỗ trợ xây dựng các mô hình, nâng cao thu nhập cho người dân. Với sự hỗ trợ tích cực từ các dự án, chương trình, nhiều mô hình phát triển kinh tế có giá trị từ 20 - 50 triệu đồng/năm lần lượt xuất hiện. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần và bình quân thu nhập đầu người cũng tăng lên. Từ đầu nhiệm kỳ, xã Tam Thái có trên 25% hộ nghèo, đến 2014 chỉ còn 13,99% hộ nghèo; xã Thạch Giám nay còn 11% hộ nghèo. 
Mô hình ươm giống theo chương trình 30 a xây dựng NTM tại bản Cam, xã Tam Thái
Mô hình ươm giống theo chương trình 30 a xây dựng NTM tại bản Cam, xã Tam Thái
Nhờ sự nỗ lực chung tay của người dân và phát huy vai trò lãnh đạo, đều hành của cấp ủy chính quyền, xã Tam Thái từ 5 tiêu chí ban đầu nay đạt 14 tiêu chí; xã Thạch Giám từ 6 lên 15 tiêu chí. Quá trình chỉ đạo thực hiện, các xã lựa chọn tiêu chí, lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện nguồn lực của mình, cái nào dễ làm trước, khó làm sau. Ví như tiêu chí vệ sinh môi trường hay tỷ lệ người dân dùng nước sạch hợp vệ sinh. Do địa bàn các xã miền núi, lượng rác thải ít và chưa có điều kiện làm bãi rác tập trung nên huyện chỉ đạo xã vận động nhân dân bằng cách đào hố rác chôn tại chỗ để xử lý; để có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, huyện kêu gọi một số dự án hợp tác đầu tư xử lý nước sạch tự chảy. Nhờ vậy, đến nay trên 90% số hộ dân tại các xã điểm NTM huyện Tương Dương đã được dùng nước sạch. 
Để hỗ trợ các xã xây dựng NTM, năm 2014, huyệnTương Dương huy động gần 500 tỷ đồng, trong đó nguồn lồng ghép và tín dụng trên 300 tỷ đồng; dân đóng góp 2,67 tỷ đồng; vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho chương trình 12,386 tỷ đồng. Nhờ được đầu tư về nguồn lực, toàn huyện đã làm mới được gần 40 km đường giao thông các loại; tổng số xi măng UBND tỉnh cấp là 3.750 tấn, làm được 25 km đường loại B, huy động 7.200 ngày công; số lượng cát sỏi dân đóng góp trên 5.200m3. Bên cạnh duy trì nhiều mô hình phát triển kinh tế, năm qua, trên địa bàn huyện hình thành thêm 47 mô hình, trong đó có 2 mô hình được đầu tư trực tiếp từ chương trình NTM mang hiệu quả rõ nét, được nhân rộng là mô hình trồng chuối tiêu hồng, làm rau sạch, ươm giống cây ở xã Tam Thái và mô hình chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Thạch Giám, mỗi mô hình có 15 hộ tham gia, bình quân thu nhập 10 - 15 triệu đồng/hộ.  Đến nay, trong số 17 xã quy hoạch NTM của Tương Dương, có 2 xã đạt từ 14 - 15 tiêu chí và phấn đấu về đích năm 2015, có 8 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở huyện 30a như Tương Dương vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Lô Vĩnh Tình – Chủ tịch UBND xã Tam Thái thẳng thắn: “Mặc dù lộ trình trong năm 2015, Tam Thái sẽ về đích nhưng có 2 tiêu chí xã rất khó thực hiện được ngay là tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và tỷ lệ hộ nghèo. Hiện tại, điều kiện cơ sở vật chất, trụ sở xã còn tạm bợ, thiết chế văn hóa (sân vận động xã) với vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng nhưng chưa tìm ra nguồn xây dựng. Năm 2014, Đảng bộ xã và các đoàn thể vẫn chưa đạt đơn vị trong sạch vững mạnh. Ngoài ra, tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo cũng thực sự là vấn đề đáng lo vì xã còn 13,99% hộ nghèo, có 47 nhà tạm tranh tre và ngay trong năm nay phải đưa về dưới 10% là công việc không dễ…”.
Tương tự như Tam Thái, mặc dù xã Thạch Giám dù không còn phải quá lo tiêu chí về hộ nghèo nhưng việc phát triển các mô hình kinh tế mang lại thu nhập cho bà con thực sự là mối băn khoăn lớn. Hiện tại, HTX đã ra đời nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, do diện tích tự nhiên xã Thạch Giám khá rộng, nhưng địa hình đồi núi dốc, xã chưa có thiết chế văn hóa cộng đồng, sân vận động,  các tuyến đường xương cá vào các bản xa trung tâm đang cần rất nhiều kinh phí đầu tư, trong khi đó, sự đóng góp của đồng bào cũng có giới hạn.
 Trước những thách thức đó, huyện Tương Dương đang tích cực cùng các xã thúc đẩy tiến độ chung, đồng thời cân đối nguồn lực và có kế hoạch đầu tư, tiếp tục huy động đồng bào và các doanh nghiệp chung tay hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao thu nhập và điều kiện sống cho người dân.
Nguyễn Hải 

Tin mới