Nỗi đau một gia đình quân nhân và tấm lòng đồng đội

(Baonghean) - Anh là người Thái, còn chị người Kinh, cả hai đều là quân nhân công tác tại Ban CHQS huyện Quỳ Hợp- Nghệ An. Anh chị đến với nhau xây dựng tổ ấm trong sự mừng vui khôn xiết của hai bên nội ngoại, cùng sự ủng hộ nhiệt tình của cả đơn vị. Càng hạnh phúc hơn khi lần lượt 2 đứa con "vừa nếp, vừa tẻ" ra đời. Thế nhưng, bất hạnh đã ập xuống gia đình bé nhỏ này khi cả hai đứa con đều mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác.

Nỗi đau một gia đình 
Chúng tôi đến nhà anh Vi Đình Khuyên (SN 1971) và chị Nguyễn Thị Oanh (SN 1976) tại bản Còn, xã Châu Quang (Quỳ Hợp), trong một chiều cuối tháng 7, khi cơn mưa rừng vừa thoảng qua. Trong căn nhà đồng đội do đồng đội và hai bên gia đình xây tặng năm 2009, chị Oanh trầm tư khi kể về nỗi bất hạnh mà gia đình mình đang phải ngày đêm đối mặt.
 
Năm 2000 anh chị lập gia đình, niềm vui được nhân lên khi năm 2001 con gái đầu lòng Vi Phương Quỳnh ra đời trong sự chờ đón của cả hai bên nội ngoại. Tuy nhiên, ngay từ khi mới sinh ra, cháu Quỳnh thường xuyên ốm đau, người gầy yếu, xanh xao. Ban đầu anh chị cứ nghĩ con bị rối loạn tiêu hoá bình thường nên đã chạy vạy khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc về chữa trị cho con. Thế nhưng, dùng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng bệnh tình của con vẫn không thuyên giảm. Mãi đến khi Quỳnh được 2 tuổi, anh chị đưa con ra Hà Nội khám thì bác sỹ mới phát hiện Quỳnh mắc căn bệnh thiếu máu huyết tán (còn gọi là ung thư máu; hay bệnh máu trắng). Đây là loại bệnh hiểm nghèo, muốn duy trì sự sống, người bệnh không còn cách nào khác là phải được tiếp máu thường xuyên, nếu không, sẽ làm phát sinh thêm nhiều bệnh khác.

Ngay khi biết bệnh tình của con, anh chị phải lần lượt thay nhau đưa con ra Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TƯ để truyền máu. Mỗi lần đi như vậy khoảng 15 ngày, chi phí cho mỗi lần đi về không dưới 5 triệu đồng. Được tiếp máu đúng định kỳ, sức khoẻ của Quỳnh đã được cải thiện, thế nhưng đây không phải là căn bệnh dễ chữa, nên việc tiếp máu phải được tiến hành định kỳ và trong một thời gian dài ít nhất là từ 15 đến 20 năm. Không chỉ có vậy, khi Quỳnh càng lớn thì nhu cầu máu lại càng nhiều hơn. 
 
Đầu năm 2010, chị Oanh sinh cháu thứ hai Vi Đình Tùng. Không thể tả hết niềm vui sướng của gia đình và những người thân khi một bé trai bụ bẫm ra đời. Thế nhưng, mới được 3 tháng, Tùng cũng có những triệu chứng giống với người chị, người xanh xao, ốm yếu. Linh cảm thấy điều không bình thường, anh chị đã đưa con ra Bệnh viện nhi TƯ để khám. Và thật đau lòng khi Tùng cũng mắc phải căn bệnh mà chị mình đang mang trong người. Đem thắc mắc vì cả hai đưa con đều bị căn bệnh hiểm nghèo giống nhau, chị Oanh được bác sĩ cho biết, nguyên nhân là do di truyền khi cả bố và mẹ đều mang nhóm máu O, khi sinh con đều mang nhóm máu O, vì thế nguy cơ đột biết gen sinh ra các bệnh hiểm nghèo thường rất cao. Muốn điều trị dứt điểm thì phải cấy tuỷ, và tuỷ phải được lấy từ anh, chị em ruột. Thế nhưng cả 2 chị em đều mang bệnh, và chi phí cho mỗi ca như vậy lên đến hơn 2 tỷ đồng, một số tiền quá lớn vượt qúa tầm tay anh chị. Vì thế mà bây giờ anh Khuyên chị Oanh cũng chỉ còn biết trông chờ vào những đợt truyền máu và một phép màu để duy trì sự sống cho hai con.
 
Một đứa con bị bệnh phải thường xuyên truyền máu đã khiến cho gia đình khó khăn, nay cả đứa thứ hai cũng bị bệnh càng làm cho gia đình anh chị trở nên khánh kiệt. Với đồng lương quân nhân ít ỏi của hai vợ chồng anh chị mỗi tháng cũng không đủ để lo tiền viện phí và truyền máu cho con.

...Và những giọt máu đồng đội
 
Trong những năm tháng điều trị cho con, không phải lúc nào anh chị cũng kịp thời đưa con đi truyền máu, phần vì điều kiện công tác, lại thêm hoàn cảnh gia đình ngày càng khó khăn. Rất may là trong những lần như vậy hai chị em Quỳnh và Tùng đã nhận được sự tiếp máu kịp thời của nhiều cán bộ, chiến sĩ có cùng nhóm máu O đang công tác tại Ban CHQS huyện Quỳ Hợp. Mỗi lần các cháu có dấu hiệu xanh xao, đau ốm là các đồng chí có nhóm máu O lại tự nguyện xuống bệnh viện huyện lấy máu và truyền trực tiếp cho các cháu.

Chị Oanh còn cho biết thêm rằng, cũng may mà trong hoàn cảnh khó khăn, anh chị còn có sự kề vai sát cánh của các đồng đội, lãnh đạo trong đơn vị, nếu không một mình anh chị cũng không biết phải xoay xở ra sao. Khi biết các cháu mắc phải bệnh hiểm nghèo, cần phải tiếp máu thường xuyên, các đồng chí trong Ban CHQS Quỳ Hợp đã tình nguyện đi thử máu để truyền cho các cháu. Hiện nay đã có 7 người trùng nhóm máu với Quỳnh và Tùng, sẵn sàng cho máu khi cần thiết.
 
Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh của anh Khuyên, chị Oanh, Thượng tá Lê Đình Cương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Quỳ Hợp cho biết: Ngoài việc tổ chức hiến máu để truyền cho hai cháu, với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Ban CHQS huyện còn tham mưu cho Đảng ủy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh trích Quỹ người nghèo hỗ trợ cho gia đình 50 triệu đồng để xây dựng nhà đồng đội. Năm 2010, Ban CHQS huyện đã trích từ phong trào "Tiết kiệm bản thân để phần người khó"  hỗ trợ giúp đỡ gia đình hơn 7 triệu đồng.
 
Khi chị Oanh sinh cháu Tùng, theo Luật Lao động, sau 4 tháng phải đi làm nhưng trong điều kiện các cháu ốm đau, Ban CHQS huyện cũng đã đề nghị với Bộ CHQS tỉnh tạo điều kiện cho chị Oanh chăm sóc và đưa các cháu đi điều trị ở bệnh viện...
 
Những nghĩa cử cao đẹp của tình đồng đội đã trở thành động lực để gia đình anh Khuyên, chị Oanh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời với nguồn máu tại chỗ đã giúp giảm áp lực của việc phải kịp thời đưa con ra Hà Nội. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, khi mà ở đây, dù có sẵn nguồn máu, nhưng do thiếu thốn trang thiết bị cần thiết khiến cho nguy cơ các cháu mắc các bệnh khác trở nên cao hơn. Vì thế, anh chị vẫn phải mỗi tháng một lần đưa hai con đi Hà Nội để được khám và truyền máu.Cuộc sống gia đình chị Oanh trước mắt rất nhiều khó khăn, mong rằng những nghĩa cử cao đẹp như nghĩa cử của BCH QS huyện Quỳ hợp sẽ được nhân lên, để góp phần hỗ trợ gia đình chị chữa bệnh cho các cháu./.
 

Đặng Nguyễn

Tin mới