NSND Lê Huy Quang: Đam mê và dị biệt

(Baonghean) - Chiếc áo màu đen, vòng cổ, nhẫn bạc, vòng đeo tay bằng bạc, đôi guốc mộc, Thêm điếu thuốc nữa, và khói thuốc bay lên phả từng làn trắng mờ ảo bên cạnh gương mặt dạn dày với mái tóc hơi dài. Vậy là có một bức phác họa chân dung Lê Huy Quang khá đầy đủ. Không cần quá nhiều sắc màu, “bức chân dung” ấy gây ấn tượng bởi sự hòa sắc có chiều sâu và cảm giác về một sức mạnh nội lực nào đó. đó là cảm nhận của tôi khi gặp nhà thơ, họa sỹ, NSND Lê Huy Quang…

NSND Lê Huy Quang: Đam mê và dị biệt ảnh 1

“Tôi sinh ra để yêu và làm nghệ thuật”

Bố của Lê Huy Quang là một nghệ nhân tuồng cổ, nghệ nhân hát ví dặm, phường vải, quê Thạch Hà (Hà Tĩnh). Mẹ ông quê Đô Lương (Nghệ An), cả đời theo chồng đi cùng các gánh hát. Lên 5, 6 tuổi, Lê Huy Quang đã thích thú xem những vở tuồng cổ như “Đào Tam Xuân loạn trào” mà người bố đóng vai vua Triệu Khuông Dẫn. Sân khấu với những sắc màu lung linh lôi cuốn cậu bé. Bao nhiêu lần cậu thầm ước mình được là một nhân vật trong vở diễn kia, hoặc được vẽ lên tấm vải phông hậu sân khấu những dòng sông, cánh đồng, những cung điện nguy nga, những bông hoa, bầu trời, mặt nước… Giấc mơ ngày đó, với cậu bé Lê Huy Quang, đẹp và cao vời như chỉ trong mơ ước…

Song, như Lê Huy Quang tự nhận xét về mình, “chất một gã nhà quê” trong ông “khá đậm đặc”. Đó là phẩm chất “ham học hỏi, phấn đấu đến cùng không quản khó khăn” của người Nghệ Tĩnh. Tiếp nối truyền thống yêu nghệ thuật của gia đình, ba anh em ông đã vươn lên để trở thành những tên tuổi trong làng nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Anh ruột Lê Huy Hòa (1932 – 1997) là họa sỹ xuất sắc của khóa Mỹ thuật kháng chiến được đào tạo tại chiến khu Việt Bắc năm xưa, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.

Người em út của Lê Huy Quang là Lê Huy Hạnh cũng là họa sỹ, nhà điêu khắc, nhà thơ có tiếng. Từ những năm 1976, Lê Huy Quang làm báo, bắt đầu với Tạp chí Sân khấu. Giữa những năm 70 của thế kỷ XX, ông đã trở thành họa sỹ thiết kế mỹ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam, thực hiện ước mơ thời thơ bé của mình. Dọc dài theo suốt những năm tháng cuộc đời mình, ông vẽ để giải tỏa cảm xúc, vẽ như chơi, vẽ cho chính mình. Nhưng bằng cách riêng, các bức vẽ của ông đã để lại một dấu ấn rất riêng trong lòng công chúng. Nhà phê bình Đặng Trường Lưu từng nói về tranh của ông: “Qua những tác phẩm hội họa… cũng đủ cho ta nhận ra một bản lĩnh riêng, một mảnh hồn riêng Lê Huy Quang đằm thắm và bình thản trước ồn ào cởi mở, có khi thái quá của đời sống nghệ thuật hiện nay”.

Tuy vậy, mang lại cho Lê Huy Quang nhiều thành công hơn cả vẫn là công việc thiết kế trang trí sân khấu. Ông đã thiết kế mỹ thuật trên 300 vở diễn cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước. Đầu năm 2010, tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Lê Huy Quang đã đoạt giải Họa sĩ xuất sắc nhất (và duy nhất) cho thiết kế mỹ thuật vở "Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ" của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế... Ông là hội viên Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo Việt Nam; Hội viên ba Hội Mỹ thuật, Sân khấu và Nhà văn Hà Nội.

“Hội họa cho tôi trí tuệ, lý trí; thơ cho tâm hồn bay bổng, trữ tình; sân khấu - loại hình nghệ thuật tổng hợp - cho tôi một cái nhìn đầy đủ về cuộc sống, cái đẹp, cùng những nhân vật của xã hội; công việc làm báo cho tôi tính chính xác, cẩn trọng, bình tĩnh với tư cách của một công dân. Tất cả công việc tôi làm quy tụ lại chỉ ở hai phương tiện: bút lông và bút sắt”- Lê Huy Quang nói với tôi như thể ông đang đắm chìm trong một nỗi đam mê không dứt ra được và cũng không muốn dứt. Ông nói tiếp, vẫn bằng giọng điệu ấy: “Tôi hình như sinh ra để yêu nghệ thuật và làm nghệ thuật”. Trong từng từ từng chữ, từng ngữ điệu được thốt ra, Lê Huy Quang dường như đang quên đi chính mình để chỉ sống và cảm nhận về công việc của ông, công việc mà nếu không có nó, ông sẽ chỉ nhạt nhòa “lẫn trong màu tím của đường ngói đầu tiên”, như trong một bài thơ ông viết.

Sống và làm nghệ thuật: “Phải khác”!

Lê Huy Quang cười: “Tôi vẽ tranh, vẽ bìa sách, minh họa, làm thơ, làm báo, làm sân khấu…quá bận rộn như thế, để không còn thời gian đố kỵ, tranh giành, bon chen và không còn thì giờ để đi nói xấu người khác”. Và khi đã làm nghệ thuật, Lê Huy Quang quan niệm, mỗi nghệ sỹ phải tạo ra một phong cách riêng, “phải khác” người khác. Vì thế, 108 bài thơ, tập hợp các sáng tác của ông từ năm 1968 đến năm 2008, mang cái tên “Phải khác”, không những bày tỏ quan điểm sống mà còn thể hiện quan niệm nghệ thuật ấy. Ông tâm đắc đọc cho tôi nghe hai câu thơ lấy làm đề từ cho tập thơ: “Cuộc đời. Ai nhớ. Ai quên? Nhưng mà phải khác mới nên chữ NGƯỜI”.

Hai tác phẩm: Mẹ Việt Nam và tranh Tam Bạc - Hải Phòng

của NSND Lê Huy Quang

Ông ăn mặc không giống ai, áo chỉ có hai màu đen hoặc đỏ, kèm theo những “đạo cụ” không thể thiếu như nhẫn và vòng. Lê Huy Quang còn tiết lộ có đến 7 đôi guốc mộc thay nhau cùng ông đi khắp các chặng đường, từ nhà đến cơ quan, và bất cứ đâu kể cả những buổi họp trịnh trọng, những chuyến công tác dài ngày. Với bộ dạng chẳng giống ai, Lê Huy Quang xuất hiện ở nơi làm việc, bên giá vẽ, ở quán cà phê hay quán bia rượu với bạn bè… không thể lẫn vào ai.

Trong nghệ thuật, ông lao động hết mình, vắt kiệt sức như thể sợ bị rảnh rỗi, sợ bị lười biếng, sợ phải tranh giành... NSND Lê Huy Quang đoạt nhiều giải thưởng về hội họa, đồ họa, trang trí sân khấu. Đặc biệt, ông đoạt hơn 20 Huy chương Vàng, Bạc tại các Hội diễn sân khấu toàn quốc.

Tròn 10 năm nay, ông là Trưởng Ban nghệ thuật tuần báo Văn nghệ; ngoài ra, ông còn tham gia các công việc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Trang trí (Hội Mỹ thuật Việt Nam); Ủy viên Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn Hà Nội). Nhưng điều quan trọng nhất với Lê Huy Quang, là ông vẫn dành riêng cho mình những khoảng thời gian để viết, để vẽ… Sau ly rượu buồn vui, sẻ chia cùng bạn hữu,  Lê Huy Quang lại vẫn say sưa bên bảng màu để tung hoành cây cọ trên mặt toan, vẫn ngâm nga những vần điệu của thơ và lúc nào đó vơ vội lấy cây “bút sắt” mà làm một bài báo. Rồi ông vẫn nghĩ về những vở diễn trên sân khấu, với niềm vui dường như vẫn trọn vẹn và trong vắt từ thuở ấu thơ, khi xem người cha của mình diễn tuồng cổ. Tôi bỗng có cảm giác, cuộc đời NSND Lê Huy Quang giống như một vở diễn sân khấu, mà ở đó, ông sắm vai một kẻ sĩ ngang tàng “bốn mùa quăng quật những rong chơi”. Kẻ ngang tàng đó rong chơi khác người, rong chơi để trọng hơn cái đẹp, để yêu hơn cuộc đời, để sống hết mình với nghệ thuật, trong quỹ thời gian quá hạn hẹp. Và trên sân khấu của cuộc đời mình, Lê Huy Quang viết hai chữ “Phải khác” như tuyên ngôn cho lẽ sống và cho cả đời lao động nghệ thuật của ông!

Kẻ ngang tàng đó sẽ còn dan díu mãi với nghệ thuật, chừng nào còn sống, còn chơi!

Phạm Quỳnh An (Hà Nội)

Tin mới