'Phải quản lý hiệu quả thương lái nước ngoài thu mua nông sản'

(Baonghean.vn) - Đặt vấn đề về hiện tượng thu mua nông sản, vật phẩm với những mục đích phi thương mại, làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và đời sống của nông dân, bà Nguyễn Vân Chi, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị phải thiết kế được những biện pháp và chính sách quản lý hiệu quả, thậm chí là phải thu được thuế nhà thầu.
Phát biểu tại phiên thảo luận hội trường về dự thảo Luật Quản lý Ngoại thương ngày 7/11, đại biểu tỉnh Nghệ An, bà Nguyễn Vân Chi - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét, nhiều biện pháp trong dự thảo luật còn quy định ở mức rất chung nên chưa thể hiện được cơ chế áp dụng trên thực tế và chủ yếu sẽ do Bộ Công Thương hoặc Chính phủ quyết định. 
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao đổi với đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Do đó, bà Chi lo ngại, việc áp dụng trên thực tế sau này hoàn toàn phụ thuộc vào các văn bản hướng dẫn dưới luật. Ví dụ, biện pháp tạm ngừng xuất, nhập khẩu ngoài nội dung về phạm vi mặt hàng thì về cách thức áp dụng có quy định trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền và thẩm quyền ở đây sẽ do Bộ Công Thương quyết định trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành. Như vậy sẽ không rõ được biện pháp tạm ngừng xuất, nhập khẩu sẽ được thực hiện theo cơ chế nào, khi nào thì áp dụng, khi nào thì sẽ kết thúc.

Dự luật cũng không làm rõ được các tiêu chí để xác định những mặt hàng nào thì phải quản lý theo giấy phép, tổ chức nào được cấp phép và số lượng hàng hóa được cấp phép là bao nhiêu. 
Theo bà Vân Chi, có thể để môi trường kinh doanh được rõ ràng, thông thoáng và nhất là để công bằng cho các doanh nghiệp thì chỉ quy định những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, nhưng trong những trường hợp ngoại lệ cần phải được xuất, nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất, nhập khẩu theo hạn ngạch thì mới cần giấy phép xuất, nhập khẩu. 
Còn những mặt hàng khác đã được cấp phép kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư, như tại Phụ lục số 4 về danh mục ngành nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện sẽ được Quốc hội cũng thảo luận trong kỳ họp này thì sẽ không nhất thiết sẽ phải quản lý một lần nữa theo giấy phép xuất, nhập khẩu. 
Bên cạnh đó, bà Chi cũng đề cập đến vấn đề quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu của các thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam (tức là không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam), được quyền thu mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu hoặc bán hàng hóa vào thị trường trong nước thông qua các đại lý. 
Nội dung này đang được quy định ngắn gọn tại Điều 6 về quyền tự do kinh doanh xuất, nhập khẩu và Điều 48 về hoạt động đại lý cho thương nhân nước ngoài. 
Theo nhận xét của bà Chi, trên thực tế hiện nay đang xảy ra tình trạng thương nhân nước ngoài thông qua các đại lý hợp pháp cũng như không hợp pháp thu gom hàng nông sản của Việt Nam để xuất khẩu và cạnh tranh đáng kể với các doanh nghiệp trong nước, trong nhiều trường hợp là cạnh tranh không lành mạnh. Hay có những hiện tượng thu mua nông sản, vật phẩm với những mục đích phi thương mại, làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và đời sống của nông dân như đã được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Mặt khác, theo cam kết mở cửa của Việt Nam, thương nhân nước ngoài cũng có bị những hạn chế nhất định về quyền bán lẻ. Song, trên thực tế thông qua những đại lý này hoặc thương nhân nước ngoài có thể lưu trữ hàng ở kho ngoại quan để phân phối trực tiếp cho khách hàng trong nước. 
Bà Chi đánh giá, các thương nhân nước ngoài này mặc dù không có hiện diện thương mại tại Việt Nam nhưng họ đã tiến hành những hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và theo đó phải nộp thuế với lợi nhuận phát sinh tại Việt Nam. Vì vậy, ở đây cũng đặt ra vấn đề phải quản lý thu thuế nhà thầu đối với các đối tượng này. 
"Vì vậy, tôi đề nghị ban soạn thảo có đánh giá cụ thể hơn về toàn bộ các hoạt động kinh doanh của thương nhân nước ngoài, nhất là những thương nhân nước ngoài trong các trường hợp không có hiện diện tại Việt Nam. Phối hợp với các cơ quan quản lý để thiết kế được những biện pháp và chính sách quản lý hữu hiệu", đại biểu tỉnh Nghệ An đề nghị.
nguyen-van-chi.jpg
Đại biểu Nguyễn Vân Chi phát biểu thảo luận.
Bà Chi cũng đánh giá, nội dung về xuất nhập khẩu, quản lý xuất nhập khẩu sẽ liên quan trực tiếp tới toàn bộ công tác về quản lý hải quan và thu thuế xuất nhập khẩu. Vì vậy, bà đề nghị ban soạn thảo rà soát lại từ góc độ này, nhất là đối với các nội dung quy định về tạm nhập, tái xuất, về chuyển khẩu, về quản lý hàng hóa đối với khu hải quan riêng, để đảm bảo tính đồng bộ về mặt pháp luật và tạo cơ sở cho việc phối hợp phòng, chống gian lận thương mại và chống trốn lậu thuế.
Bàn về dự luật này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, dự luật đã "ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả".

Do vậy, vô hình chung, dự luật đã khoác thêm nhiều “tròng” quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ - ông Lộc quan ngại. Trong khi đó, theo đánh giá của ông thì những nội dung cần thiết, cốt lõi lại được quy định rất chung chung, "chẳng có sự tiến bộ gì hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành".

Với việc dự thảo luật trao quyền quyết định cho Bộ Công thương trong rất nhiều trường hợp nhưng trao quyền mà không kèm theo bất kỳ căn cứ hay tiêu chí nào, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ lo ngại điều này rất có thể dẫn tới sự lạm quyền. 
Đồng thời, dự thảo lại "đẻ" ra nhiều loại giấy phép mới mà không kèm theo bất kỳ quy định nào về điều kiện, căn cứ cấp phép (chỉ quy định duy nhất về cơ quan có thẩm quyền cấp phép là Bộ Công thương), theo ông Lộc, như vậy là không minh bạch!
Cụ thể, có một số loại giấy phép mới mà Dự thảo đặt ra là Giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất, Giấy phép quá cảnh hàng hóa; Giấy phép gia công hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, nhập khẩu tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; Giấy phép đại lý mua bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài nếu thanh toán thù lao bằng những hàng hoá loại này.
Trong phần giải trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, “quan điểm Chính phủ là kiến tạo, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển không mâu thuẫn với tên gọi của dự luật là quản lý ngoại thương”.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và làm rõ sự phân biệt, nguyên tắc hạn chế, cấm xuất, nhập khẩu hàng hoá theo hướng minh bạch, công khai. “Các nguyên tắc này sẽ công khai, tránh tình trạng lạm dụng cơ chế quyền lực tập trung vào các cơ quan quản lý Nhà nước”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh./.

Dương Gim - Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới