Phát huy bản sắc văn hóa trong vui Xuân, đón Tết

(Baonghean) - Tết Ất Mùi đang cận kề, ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã và đang tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao mừng Đảng - mừng Xuân, phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Mậu Thanh, Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở VH-TT&DL xung quanh vấn đề này.
P.V: Tết luôn gắn liền với các lễ hội, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao. Để chuẩn bị cho nhân dân vui Xuân, đón Tết, đến thời điểm này tỉnh ta đã có chủ trương gì và triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Mậu Thanh: Tổ chức cho nhân dân đón Tết yên vui, an lành, tiết kiệm, văn minh, văn hóa là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị. Riêng ngành Văn hóa được tỉnh phân công chăm lo đời sống tinh thần cho người dân, tổ chức các hoạt động vui chơi cho nhân dân. Để thực hiện tốt việc này, UBND tỉnh đã có Hướng dẫn số 07. Nội dung gồm:
- Trách nhiệm của các huyện, các xã, các thôn, xóm đối với việc tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết: Xác định điểm trung tâm để tổ chức các hoạt động vui Tết, đón Xuân; tập trung trang trí tuyên truyền, cổ động tạo không khí mừng Đảng, mừng Xuân.
- Làm tốt công tác thăm hỏi các gia đình chính sách, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người nghèo, đảm bảo mọi người, mọi nhà đón Tết an lành, vui vẻ; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian để người dân vui chơi trong những ngày Tết; đảm bảo an ninh trật tự và chống các biểu hiện tiêu cực xảy ra trong ngày Tết như cờ bạc, rượu chè, đốt pháo; tổ chức tốt việc mừng thọ cho các cụ cao tuổi, gắn với Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác... 
Đánh đu - trò chơi truyền thống độc đáo tại Lễ hội Làng Vạc. Ảnh: Sỹ Minh
Đánh đu - trò chơi truyền thống độc đáo tại Lễ hội Làng Vạc. Ảnh: Sỹ Minh
P.V: Vừa qua Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch phối hợp với huyện Tương Dương tổ chức thành công “Đêm hội sắc Xuân miền Tây xứ Nghệ”, có thể nói đây là hoạt động đón chào Tết rất đặc sắc. Ngoài ra, sở còn tổ chức được những chương trình nào tương tự, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Mậu Thanh: Việc tổ chức “Đêm hội sắc Xuân miền Tây xứ Nghệ” là hoạt động thường niên nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Sắp tới, chúng ta sẽ tổ chức Đêm hội Giao thừa ở Quảng trường Hồ Chí Minh gắn với bắn pháo hoa. Hiện nay, Thành phố Vinh đã làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động bằng các cụm pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, các thảm hoa, các dải đèn đường ở tất cả các đường chính trong thành phố. Chúng ta sẽ có những hoạt động như đêm hội Giao thừa; tổ chức Hội báo Xuân, tổ chức chợ hoa Xuân; tổ chức triển lãm các thành tựu kinh tế, văn hóa, kỹ thuật ở Trung tâm Văn hóa tỉnh; tổ chức đêm thơ; tổ chức gặp mặt người nước ngoài công tác ở Nghệ An, Việt kiều về quê ăn Tết, gặp gỡ các nhà đầu tư... tổ chức các trò chơi dân gian, văn nghệ cho nhân dân ở những điểm trung tâm của thành phố.
P.V: Thời gian qua, ngành đã quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho nhân dân trong dịp Tết, tuy nhiên các trò chơi dân gian dịp Tết thưa vắng dần. Đồng chí suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Đồng chí Hồ Mậu Thanh: Tôi cho rằng các trò chơi dân gian thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của mỗi vùng quê. Do đó, trong các hoạt động vui Xuân, đón Tết, các địa phương nên tổ chức các trò chơi dân gian vừa nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng và gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Hiện nay, một số địa phương đã lồng các trò chơi dân gian vào chuỗi các hoạt động mừng năm mới như: Thành phố Vinh tổ chức đánh cờ tướng, chơi cờ người, tổ tôm; ở các huyện miền núi thi đánh đu, ném còn; một số địa phương khác tổ chức nấu cơm niêu; làm bánh cà; tổ chức đêm thơ…
P.V: Đi lễ chùa là một nét văn hóa tinh thần, tâm linh. Tuy nhiên, ở các đền, chùa hiện nay vẫn có những biểu hiện mang tính thương mại. Vậy để các hoạt động văn hóa diễn ra lành mạnh, theo đồng chí cần những giải pháp gì? 
Đồng chí Hồ Mậu Thanh: Mỗi năm ở tỉnh ta có 25 lễ hội. Thời điểm diễn ra từ ngày 6 tháng Giêng đến hết mùa Xuân. Đây là những hoạt động tinh thần gắn với tâm linh, gắn với giáo dục truyền thống và là nhu cầu không thể thiếu của người dân. Trong nhiều năm qua, việc quản lý hoạt động lễ hội vẫn còn thiếu sót: an ninh trật tự chưa tốt; việc nâng giá, ép giá các dịch vụ, lệ phí vẫn còn xảy ra; tình trạng người ăn xin, hoạt động mê tín dị đoan gia tăng…  khiến lễ hội kém sức hấp dẫn và thiếu sự lành mạnh. 
Để khắc phục tình trạng này, tại hội nghị tổng kết lễ hội các ngành chức năng đã phân tích rõ những tồn tại trong công tác quản lý lễ hội để khắc phục; mời ban quản lý của 25 lễ hội triển khai công tác chuẩn bị lễ hội năm 2015; đồng thời, có văn bản hướng dẫn về tổ chức lễ hội năm 2015; phân công phòng thanh tra ngành đi kiểm tra tình hình thực tế, hướng dẫn cách tổ chức lễ hội ở cơ sở; thanh tra ngành kết hợp với phòng di sản phải trực tiếp đến tận nơi để kịp thời chấn chỉnh những sai sót. Hiện nay, một số lễ hội đã được phân cấp quản lý, vì vậy phải tuân thủ theo nguyên tắc là xã tổ chức lễ hội; về phần kịch bản phải được huyện thẩm định, lễ hội do huyện tổ chức phải có thẩm định của Sở. Còn những lễ hội mới do Sở Văn hóa tổ chức thì kịch bản phải xin ý kiến của UBND tỉnh. 
P.V: Trong dịp Tết, ở Nghệ An có những lễ hội nào đặc biệt thu hút đông đảo du khách? 
Đồng chí Hồ Mậu Thanh: Ở Nghệ An có 25 lễ hội, nhưng có 4 lễ hội theo tôi là rất ấn tượng, thu hút du khách muôn phương về đây. Đó là Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Ông Hoàng Mười, Lễ hội Đền Bạch Mã và Lễ hội Đền Quả Sơn. Du khách thập phương có thể tìm đến với những lễ hội này để thoản mãn nhu cầu tâm linh!
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
P.V (Thực hiện)

Tin mới