Phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng

Chiều 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp.
Tại phiên họp buổi chiều, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp; cho rằng việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng tạo công cụ pháp lý, chỗ dựa cho cơ quan bảo vệ pháp luật và toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Tuy nhiên qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu nhận định, hiện nay tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn đang diễn biến phức tạp; quy định pháp luật còn nhiều kẽ hở; công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả; việc phát hiện, tố giác tham nhũng còn vẫn còn hạn chế.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, nhiều vụ việc, hành vi tham nhũng được phanh phui, xử lý phần lớn là nhờ sự phản ánh, báo cáo của nhân dân và các tổ chức truyền thông, báo chí. Do vậy, đại biểu đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần khẳng định rõ nét vai trò của công dân và báo chí trong công cuộc phòng, chống tham nhũng nhằm tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng. 

Các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát hiện, tố giác tham nhũng còn hạn chế là do quy định về bảo vệ công dân trong tố giác các vụ việc, hành vi tham nhũng còn chung chung, chưa cụ thể.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân- tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến.

Theo Điều 5 của dự thảo luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng, công dân có quyền phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng và được bảo vệ theo quy định của pháp luật; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chí Tài - tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc báo cáo, phản ánh các vụ việc, hành vi tham nhũng có nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người phản ánh và thân nhân của người phản ánh. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định về nội dung này cụ thể hơn, nêu rõ cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ và bảo vệ như thế nào.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc quy định công khai bản kê khai tài sản, thu nhập như Điều 41 dự thảo Luật là rất cần thiết. Theo đó, Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ- tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại phiên họp
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại phiên họp.

Đồng tình với quy định này của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - tỉnh Bạc Liêu khẳng định, công việc khai bản kê khai thu nhập, tài sản một cách minh bạch như vậy để nhân dân giám sát và phát hiện là hợp lý và cần thiết.

Liên quan đến quy định về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước quy định tại Điều 100 và Điều 103, các đại biểu cho rằng, vấn đề này cần phải được cân nhắc hết sức thận trọng để tránh nguy cơ lạm quyền. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc giao cho các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoạt động các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội nêu trên mà không có cơ chế giám sát hiệu quả thì khả năng lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền là hoàn toàn có thể xảy ra, gây ra tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, giao dịch dân sự, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức - tỉnh Cao Bằng cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm thu hẹp phạm vi thanh tra phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo quy định chặt chẽ căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra để tránh bị lạm dụng, gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp.

Tin mới