Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cơ hội 'dân số vàng' để phát triển thanh niên

(Baonghean.vn) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các cấp, các ngành tận dụng thời cơ "dân số vàng", đón đầu cơ hội và thách thức để định hướng, giáo dục thanh niên về đạo đức cách mạng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu phát triển toàn diện thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, những công dân toàn cầu trong thời đại mới.

Sáng 19/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014-2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

BỒI DƯỠNG CHO 14.330 CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRẺ

Ngày 30/12/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2474/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của thanh niên và trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách phát triển thanh niên đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Với sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội, thanh niên ngày càng nhận thức sâu sắc rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước, với bản thân; nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập và lao động; nhiều thanh niên trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh trẻ, giỏi; Tỷ lệ trí thức trẻ chiếm lĩnh các đỉnh cao khoa học, công nghệ ngày càng gia tăng; sự tham gia của thanh niên vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ngày càng được tăng cường.

Tính đến tháng 12/2020, tổ chức bộ máy làm công tác thanh niên của cả nước có 13.242 người. Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ 41 người; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương 13.201 người.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Ảnh: Phạm Bằng
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Ảnh: Phạm Bằng

Trong 6 năm thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014-2020, đã có 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã thuộc 42 tỉnh trong phạm vi đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực. Từ đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được phát triển cả số lượng và chất lượng.

Việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở cơ sở và đưa sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ về xã, phường, thị trấn công tác đã từng bước trẻ hóa và nâng cao trình độ về các mặt của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Kết quả của đề án đã  góp phần quan trọng vào việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Chính phủ, giúp bà con nhân dân tin tưởng vào cán bộ, công chức trẻ và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính ở xã.

Về Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi, tính đến ngày 31/12/2014, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương hoàn thành công tác tuyển chọn đội viên Đề án của 34 tỉnh với tổng số 500 đội viên.

Anh Cao Duy Khôi - Bí thư Chi đoàn Minh Kính, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (trái) được tuyên dương là điển hình phát triển kinh tế của thanh niên dân tộc thiểu số năm 2020. Ảnh: Thanh Quỳnh
Anh Cao Duy Khôi - Bí thư Chi đoàn Minh Kính, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (trái) được tuyên dương là điển hình phát triển kinh tế của thanh niên dân tộc thiểu số năm 2020. Ảnh: Thanh Quỳnh

Bộ Nội vụ đánh giá, qua hơn 5 năm thực hiện, các đội viên đã phát huy được năng lực trên cương vị công tác và nhiệm vụ được giao, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính và tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các đội viên đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, yên tâm công tác; nhanh chóng tiếp cận với công việc được phân công, chịu khó học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo được sự tin tưởng của cấp ủy và chính quyền địa phương nơi công tác. Tuy nhiên, vẫn còn 290 đội viên chưa được bố trí việc làm.

TẬN DỤNG THỜI KỲ DÂN SỐ VÀNG

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, cơ bản các chỉ tiêu, mục tiêu đã được triển khai nghiêm túc. 100% các bộ, ngành, địa phương ban hành đã ban hành chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên.

Đến nay, công tác quản lý nhà nước về thanh niên đã cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với tổ chức đoàn thanh niên hoặc "khoán trắng" cho tổ chức đoàn thanh niên so với giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược. Dấu ấn lớn nhất chính là Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Thanh niên.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tận dụng thời cơ dân số vàng. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tận dụng thời cơ dân số vàng nhằm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, phát triển thanh niên. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Liên quan đến 290 đội viên thuộc Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 chưa được bố trí việc làm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, các cháu đã xung phong tham gia Đề án, đến vùng sâu, vùng xa với sự nhiệt tình, tâm huyết lớn. Vì vậy, các cháu cần phải được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển, được tiếp tục cống hiến, phục vụ đất nước.

Nhấn mạnh năm 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn vừa qua; Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát triển toàn diện thanh niên.

Các bộ, ngành, địa phương bố trí kinh phí tương xứng để thực hiện nhiệm vụ, đề án, dự án về thanh niên nhằm mục tiêu chăm lo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp, ngành cũng cần thường xuyên, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chiến lược, chương trình phát triển thanh niên.

Về Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ tham mưu xây dựng và thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025 với quan điểm rà soát kỹ đối tượng, tránh trùng lặp và tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ về trình độ công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ.

Các chiến sỹ tình nguyện Công an Nghệ An tổ chức cấp, đổi chứng minh thư cho công dân xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu Nguyên Sơn
Các chiến sỹ tình nguyện Công an Nghệ An tổ chức cấp, đổi chứng minh thư cho công dân xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu Nguyên Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với các địa phương quan tâm giải quyết chế độ, chính sách phù hợp đối với số đội viên trong đề án 500 trí thức trẻ sau khi kết thúc thời gian thực hiện đề án; bố trí sử dụng các đội viên theo đúng quy định pháp luật, xây dựng kế hoạch kéo dài đề án.

Khẳng định Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” với hơn 23,68 triệu thanh niên, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các cấp, các ngành phải tận dụng thời cơ này để tạo điều kiện chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên; đón đầu cơ hội và thách thức để định hướng, giáo dục thanh niên về đạo đức cách mạng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu phát triển toàn diện thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, những công dân toàn cầu trong thời đại mới, đặc biệt là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin mới